Mới đây, Cty TNHH MTV Cao su Quảng Nam (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam-CTCP) đã tổ chức lễ ra quân khai thác mủ; phát động tháng công nhân, tháng an toàn vệ sinh lao động năm 2021.
Theo đại diện Cty TNHH MTV Cao su Quảng Nam, tính đến cuối năm 2020, đơn vị này đang quản lý gần 5.900ha cao su trên địa bàn 6 huyện, 18 xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Trong đó vườn cây kinh doanh gần 3.300 ha, vườn cây kiến thiết cơ bản hơn 2.600ha.
Năm vừa qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Cty gặp rất nhiều khó khăn và thách thức như dịch bệnh Covid-19 xảy ra ngay trên địa bàn, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, đầu mùa cạo nắng nóng kéo dài, cuối mùa mưa bão liên tục.
Mặc dù vậy, nhờ được sự quan tâm chỉ đạo xuyên suốt, sâu sát, kịp thời của lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam-CTCP, Công đoàn Cao su Việt Nam cũng như lãnh đạo các cấp ngành trong tỉnh Quảng Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho Cty vượt qua những khó khăn để hoàn thành và vượt chỉ tiêu được giao.
Theo đó, năm 2020, tổng sản lượng mủ Cty khai thác được 2.017/2010 tấn, đạt tỷ lệ 100,4% so với kế hoạch Tập đoàn giao. Đồng thời thu mua được 76 tấn mủ cao su tiểu điền; chế biến 2.121 tấn với chất lượng mủ đạt tiêu chuẩn của Tập đoàn, từ đó tạo được uy tín với khách hàng. Với sản lượng tiêu thụ gần 2.100 tấn và giá bán bình quân cả năm gần 30 triệu đồng/tấn, Cty đạt doanh thu trên 62,7 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong năm 2020, Cty Cao su Quảng Nam đã hoàn thiện dây chuyền chế biến mủ SRV 10, 20 với công suất 2 tấn/giờ tại Nhà máy chế biến Cao su Hiệp Đức. Dây chuyền đã vận hành và chế biến được gần 400 tấn mủ.
Các lô sản phẩm của nhà máy đều được lấy mẫu gửi cho Trung tâm Quản lý chất lượng, Viện nghiên cứu Cao su Việt Nam kiểm tra chất lượng. Kết quả, tất cả các lô sản phẩm của nhà máy đều đạt và vượt chỉ tiêu VRG. Sản phẩm mũ SVR 10 được khách hàng đánh giá cao.
Ngoài việc hoàn thành tốt công tác sản xuất, kinh doanh Cty Cao su Quảng Nam còn chú trọng đến việc chăm lo cho đời sống của cán bộ, nhân viên và người lao động trong đơn vị. Gần 600 triệu đồng là số tiền mà Cty đã trích ra để hỗ trợ cho các công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Công đoàn Cty cũng đã tiến hành xây dựng 1 căn nhà tình nghĩa trị giá 60 triệu đồng cho một gia đình công nhân khó khăn ở huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam). Ngoài ra, cơn bão số 9 vừa qua cũng khiến cho nhiều cán bộ, công nhân viên lao động bị thiệt hại nhà cửa, vườn cây, tài sản. Cty đã kịp thời xét hỗ trợ cho 322 trường hợp với số tiền trên 300 triệu đồng…
Ông Thái Bảo Tri, Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Cao su Quảng Nam cho biết, bước sang năm 2021, lãnh đạo Cty xác định sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù đầu năm thời tiết tương đối thuận lợi, như có mưa sớm, vườn cây ít dịch bệnh.
Trên cơ sở thực tế hiện nay, Cty sẽ nhanh chóng đề ra các giải pháp để khắc phục hậu quả của thiên tai năm 2020. Đến thời điểm hiện tại, đơn vị cũng đã cơ bản hoàn thành công tác khắc phục. Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hiệu quả sản xuất, kinh doanh, Cty xác định sẽ tiếp tục tái cơ cấu liên quan đến sắp xếp bộ máy, mở rộng thêm các ngành nghề sản xuất kinh doanh được Tập đoàn, địa phương cho phép.
“Về tái cơ cấu liên quan đến sản phẩm mủ, đẩy mạnh công tác chế biến thì Cty đã đưa vào vận hành dây chuyền 3 của nhà máy chế biến với chủng loại mủ SVR 10 với công suất 6.000 tấn/năm. Đối với chủ trương liên quan đến việc phát triển cao su trên địa bàn tỉnh thời gian tới sẽ hạn chế mở rộng trồng cao su trên địa bàn”, ông Tri nói.
Cũng theo ông Tri, những diện tích cao su bị ảnh hưởng do gió, bão và thiên tai, Cty sẽ nghiên cứu các lĩnh vực và cây trồng phù hợp để tham mưu, đề xuất với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và lãnh đạo Tập đoàn trong thời gian tới. Các định hướng được đưa ra là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và đặc biệt là chăn nuôi hữu cơ.
Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, những năm gần đây, giá bán mủ cao su thường xuyên bất ổn định, biến động ở mức thấp, thiên tai dịch bệnh khiến cho việc sản xuất kinh doanh của các Cty gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, Cty TNHH MTV Cao su Quảng Nam đã có những giải pháp phù hợp để mục đích cuối cùng là tăng thu nhập cho người lao động.
“Với việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động đặc biệt ở khu vực miền núi của Cty là rất ý nghĩa. Tôi đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của Cty trong thời gian qua. Trong thời gian tới, Cty cần tập trung bảo vệ và chăm sóc vườn cây cao su hiện có, tăng diện tích khai thác qua từng năm, nâng cao sản lượng khai thác để tăng hiệu quả sử dụng đất.
Về phía ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với các ngành và các địa phương sẽ tham mưu UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo, hỗ trợ Cty trong việc bổ sung quy hoạch các khu vực công nghiệp, khu dân cư, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở diện tích đất có điều kiện thuận lợi chuyển đổi mục đích sử dụng, nâng cao hiệu quả sản xuất trong thời gian tới”, ông Tích nói.
Ông Trương Minh Trung, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP cho biết: “Việc Tập đoàn phát triển cao su ra khu vực Duyên hải miền Trung đã chọn Quảng Nam là điểm khởi đầu, điểm đột phá của ngành cao su. Trong đó có 2 mục tiêu kinh tế kết hợp an sinh xã hội, cố gắng cùng với địa phương tạo công ăn việc làm, đảm bảo đời sống cho người lao động, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Dù thuận lợi hay khó khăn thì đến thời điểm hiện tại mục tiêu đó chúng ta đã đạt được”.