| Hotline: 0983.970.780

Cao su Sơn La sau 3 năm cho 'vàng trắng'

Thứ Hai 28/05/2018 , 13:40 (GMT+7)

Hơn 10 năm thành lập, trải qua biết bao khó khăn, gian khổ, những người trồng cao su trên vùng cao Sơn La bắt đầu được hưởng trái ngọt khi những dòng “vàng trắng” đầu tiên đã tuôn chảy nơi rẻo cao này.

Dự án phát triển cây cao su tại tỉnh Sơn La là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ với mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mong muốn làm thay đổi đời sống vốn còn khó khăn của đồng bào các dân tộc địa phương. Do đó, một DN được thành lập để thực hiện nhiệm vụ này.

Cao su Sơn La phát triển tốt, cho sản lượng và chất lượng mủ cao

Cty CP Cao su Sơn La được thành lập từ tháng 7/2007 với các thành viên là Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Cty TNHH MTV Tổng Công ty cao su Đồng Nai, Cty CP Cao su Phước Hoà, Cty TNHH MTV cao su Quảng Trị. Một cổ đông lớn và quan trọng nhất, đó là hơn 7.000 hộ gia đình ở trong vùng dự án góp 6.164,66ha đất để trồng cao su.

Với những diễn biến phức tạp của khí hậu, rét đậm rét hại kéo dài, sương muối… gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất. Nắng hạn kéo dài kèm theo khô hanh, gió lào, nhiệt độ cao kéo dài rất dễ cháy lan từ rừng vào vườn cây.

Đất đai hầu hết đã được bà con canh tác ngô, sắn nhiều năm nên dinh dưỡng thấp, phải đầu tư thâm canh và dùng nhiều biện pháp chăm sóc đặc biệt. Nhiều hộ gia đình có diện tích đất góp quá ít nhưng lao động nhiều nên có những tháng không đủ việc làm trong khi đó đất cộng đồng không có nhiều để bổ sung. Tuy nhiên khi vào mùa vụ sản xuất nông nghiệp của bà con nên nhiều khi thiếu lao động đã xảy ra một số nơi.

Địa hình nơi phát triển cao su chủ yếu là vùng sâu, vùng xa đường sá đi lại khó khăn, cách trở, xa xôi… Trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng.

Ngay sau khi được thành lập, Cty tiến hành trồng mới được 69,62ha cao su. Đến nay diện tích cây cao su đã trồng 6.174,97ha đang sinh trưởng, phát triển tốt, mức sinh trưởng đạt yêu cầu kỹ thuật, được các Bộ, ngành TW, lãnh đạo Tập đoàn và cấp ủy chính quyền địa phương đánh giá cao.

Trong tháng 7/2016 Cty tiến hành đưa vào cạo 146ha cây cao su ở 3 đội sản xuất ở 2 huyện Mường La và huyện Quỳnh Nhai, trong năm 2017 Cty tiếp tục đưa vào khai thác 767,6ha, nâng tổng diện tích khai thác trong 2 năm lên 914,02ha chất lượng mủ khá tốt, được Viện Nghiên cứu cao su phân tích đánh giá cao, được khách hàng ưa chuộng và đề nghị cung cấp.

Qua đánh giá thực tế năng suất, sản lượng và chất lượng có khả năng vượt kế hoạch Tập đoàn giao trong dự án. Dự kiến năm 2018 Cty tiếp tục đưa vào khai thác khoảng trên 2.700ha. Đưa vào khai thác với diện tích lớn, chất lượng mủ tốt tiếp tục tạo niềm tin cho chính quyền địa phương và nhân dân của tỉnh Sơn La nói riêng và vùng núi Tây Bắc nói chung trong chương trình phát triển cao su của Nhà nước, đồng thời đã tạo thêm công ăn việc làm ổn định cho công nhân.
 

Lớn nhất là hiệu quả xã hội

Ông Võ Nhật Duy, TGĐ Cty cho rằng, cái được lớn nhất của Cty từ khi triển khai dư án này là được lòng dân, được hiệu quả về an sinh xã hội. Cty đã góp phần rất lớn vào việc giải quyết công ăn việc làm cho hơn 2.500 lao động tại địa phương, hầu hết số lao động của Cty là người đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 97,18%). Tiền lương bình quân 5 năm đạt 2.528.866 đồng/người/tháng, góp phần cải thiện đời sống, sinh hoạt của người dân nơi đây.

Ngoài công tác trồng chăm sóc cây cao su, trong những năm qua để người dân, công nhân có thêm thu nhập cải thiện đời sống, Cty đã hỗ trợ cho công nhân vay vốn trồng xen, nghiên cứu, tìm tòi những loại cỏ có giá trị dinh dưỡng cao, chịu được bóng râm cho công nhân trồng để chăn nuôi, trồng ngô, bông, đỗ, lạc, bảo lãnh mua phân bón…

Mô hình nuôi ong dưới tán cao su đang được triển khai tại Cty CP Cao su Sơn La
Hiện Cty đang liên kết với đối tác trồng xen thử nghiệm 6ha cây sả dược liệu tại Vân Hồ, tiếp tục hợp tác với HTX dược liệu sạch ở Mộc Châu để trồng cây đương quy. Khi đã đạt kết quả Cty sẽ mở rộng diện tích cho công nhân trồng tại các huyện còn lại.

Ngoài việc SXKD, Cty còn luôn quan tâm đến các nhiệm vụ xã hội, hỗ trợ cho bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa đang còn nhiều khó khăn, từ đó giúp cải thiện cuộc sống vật chất, tinh thần cho bà con yên tâm lao động sản xuất. Đây là việc làm mang ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa chính trị sâu sắc, việc làm này một lần nữa tạo dựng lòng tin đối với bà con nơi đây vào chủ trương phát triển cây cao su của Nhà nước.

Để tạo thêm việc làm cho công nhân và có thêm thu nhập, những năm qua Cty đã cho công nhân vay vốn không lấy lãi để trồng cỏ và mua bò nhốt chuồng cho 1.201 hộ với số tiền 6.791.850.000 đồng (tương ứng với 1.201 con) để nuôi nhốt chuồng, đến nay đàn trâu, bò đã tăng lên 2.035 con do sinh sản được 834 con. Mỗi hộ công nhân trước khi được vay phải được tổ, đội họp xét chọn từ cơ sở lên; gia đình phải làm chuồng trâu, bò cách xa nhà ở của mình để đảm bảo vệ sinh, phải chủ động trồng xen cỏ trong lô cao su để làm thức ăn chăn nuôi… Cty cho vay tiền thì các hộ phải tự đi xem và mua trâu, bò. Chương trình này được chính quyền địa phương, bà con đánh giá rất cao và đông đảo bà con nhiệt tình hưởng ứng. Cty đứng ra bảo lãnh cho công nhân mua phân bón giá thấp, trả chậm trong năm 2016, 2017 với số tiền 1,5 tỷ đồng.

Cty còn xây dựng, mua sắm vận dụng học tập, sinh hoạt cho các nhà trẻ để nuôi dưỡng, chăm sóc con em của CBCNV, từ đó tạo sự yên tâm lao động sản xuất của người lao động. Đến nay Cty đã xây dựng và đưa vào sử dụng 13 nhà trẻ ở các bản vùng sâu, vùng xa với 4.860 lượt các cháu theo học, được tổ chức học và ăn tại chỗ, đồng thời Cty mua sắm trang thiết bị học tập, đồ dùng sinh hoạt cho nhà các trẻ với số tiền 783.459.276 đồng, Cty hỗ trợ tiền ăn 3.000 đồng/cháu/ngày, Công đoàn hỗ trợ 2.000 đồng/cháu/ngày.

Cty cũng đã tổ chức cho cán bộ, công nhân nuôi ong trong rừng cao su để tạo thêm việc làm và tăng thu nhập, đồng thời đứng ra bao tiêu sản phẩm mật ong cho các hộ chăn nuôi ong. Hiện tại đang phát triển ở đội cao su Ít Ong, huyện Mường La và ở đội cao su Tông Lạnh, huyện Thuận Châu với 415 đàn ong. Chất lượng mật ong từ cây cao su được đánh giá là rất tốt, được thị trường châu Âu ưa chuộng.

 

Xem thêm
Thời của tôm sú?

Theo số liệu của Liên minh Thủy sản Toàn cầu (GSA), Trung Quốc, Việt Nam là hai quốc gia sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới, với sản lượng mỗi nước khoảng 150.000 tấn.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.