Để tham gia cấp đông thịt lợn các doanh nghiệp yêu cầu được hỗ trợ vốn vay, lãi suất, tiền điện và bảo hiểm. Ảnh: Đinh Tùng. |
Theo số liệu lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cung cấp tại cuộc họp, qua rà soát thống kê hiện cả nước có khoảng 14 doanh nghiệp có kho lạnh và năng lực cấp đông.
Tuy nhiên, 5/14 doanh nghiệp đó chuyên xuất khẩu lợn sữa (heo sữa) đã từ chối vì chỉ đủ phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, 9 doanh nghiệp còn lại tổng công suất kho cấp đông khoảng 6.000 tấn thịt lợn, hiện đang cấp đông 1.200 tấn, như vậy kho chỉ còn trống khoảng 4.800 tấn, con số quá nhỏ so với tổng sản lượng thịt lợn hiện nay.
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc VISSAN băn khoăn, nếu có chủ trương cấp đông thịt lợn, sau này lợn cấp đông được bán như thế nào, giải phóng hàng tồn kho ra sao và theo ông đây mới là điều kiện quan trọng nhất.
Theo ông An, việc cấp đông thịt lợn nếu không có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của ngân hàng như cho vay lãi suất 0%, hỗ trợ tiền điện, giãn tiến độ trả vốn, các doanh nghiệp như VISSAN không dám tham gia bởi rủi ro rất lớn. Hơn nữa, giả sử nếu không giải phóng được hàng tồn kho hoặc hàng tồn kho quá lâu sẽ rất phức tạp.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, toàn thành phố Hà Nội hiện còn 1,6 triệu đầu lợn, nếu đưa vào cấp đông toàn bộ khoảng trên 100 nghìn tấn chắc chắn không kho nào chứa hết. Do đó, bà Lan đề xuất Chính phủ, các bộ, banh ngành kêu gọi các gia đình công chức, viên chức, lực lượng vũ trang hãy chung tay giúp đỡ tiêu thụ thịt lợn như đã làm năm 2016 bởi hiện nay hầu như gia đình nào cũng có tủ lạnh. |
Ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội đánh giá rất cao chủ trương nhân văn của Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương trong việc đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ cấp đông thịt lợn.
Việc cấp đông được thịt lợn theo ông Dũng mặt tích cực sẽ ngay lập tức kéo giá lợn hơi lên nhờ hiệu ứng tâm lý.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng khẳng định, nếu không có ngay chính sách bảo hiểm với các doanh nghiệp cấp đông thịt lợn không đơn vị nào đủ bản lĩnh, năng lực tham gia bởi rủi ro rất lớn.
Không chỉ rủi ro về mặt kinh tế mà ông Dũng còn lo rủi ro ngay cả trong khâu xét nghiệm lợn sạch để giết mổ đưa vào kho cấp đông nếu làm không tốt, chẳng may để lọt một con lợn mang mầm bệnh virus dịch tả lợn Châu Phi có khi chủ doanh nghiệp sau này bị đi tù như chơi.
Hơn nữa, ông Võ Việt Dũng tâm sự, sau khi dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại Việt Nam các ngân hàng gần như đã ngay lập tức siết lại nguồn vốn dành cho các doanh nghiệp liên quan đến con lợn.
Hiện nhiều doanh nghiệp chế biến, giết mổ, sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện nay đang gặp khó khăn vì hết vốn nên nếu thực sự không có chính sách hỗ trợ về vốn và bảo hiểm cùng quy trình cấp đông khoa học, bài bản, hiệu quả, không doanh nghiệp nào dám tham gia cấp đông.
Nhiều địa phương cho rằng phương án hỗ trợ, kêu gọi tiêu thụ thịt lợn tươi hiệu quả, khả thi hơn cấp đông. Ảnh: Đinh Tùng. |
Đại diện Tập đoàn CP Việt Nam, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc, cho biết, bản thân CP Việt Nam cũng có hệ thống kho lạnh cấp đông, song chỉ đủ phục vụ nhu cầu cung cấp thực phẩm, nguyên liệu cho mảng chế biến của tập đoàn.
Do đó, trong bối cảnh hiện nay ưu tiên hàng đầu của CP Việt Nam là phải giữ bằng được đàn cụ kỵ, ông bà, bố mẹ để sau này khi có điều kiện sẽ tái đàn trở lại.
Đại diện Công ty CP Công nghệ Thực phẩm Vinh Anh chia sẻ, theo chủ trương, hỗ trợ, kêu gọi của Hà Nội diện doanh nghiệp đã cấp đông được 500 tấn lợn và đã hết công suất.
Tuy nhiên, doanh nghiệp đang gặp khó khăn rất lớn về vốn khi nguồn tiền đã cạn trong khi chi phí tiền điện chạy kho lạnh mỗi tháng hết hơn 200 triệu đồng.
Hơn nữa, theo đại diện Công ty Thực phẩm Vinh Anh, việc giết mổ cấp đông rủi ro rất lớn bởi nội tạng lợn phải đem đi tiêu hủy do không thể tiêu thụ hết cùng một lúc.
Hải Phòng chọn cách mở quầy an toàn thay vì cấp đông thịt lợn nhờ bài học cấp đông năm 2016. Ảnh: Đinh Tùng. |
Đại diện Ngân hàng Nhà nước tại cuộc họp cho biết, hiện các ngân hàng tại Việt Nam đang hoạt động theo luật và không khác gì một doanh nghiệp, chỉ có điều mặt hàng kinh doanh đặc thù là tiền nên việc ưu tiên bảo toàn vốn kinh doanh trong bối cảnh này được ưu tiên hàng đầu.
Bên cạnh đó, bản thân ngân hàng và lãnh đạo các ngân hàng hiện nay đều phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về đồng vốn của mình nên để có chính sách hỗ trợ lãi suất từ phía các ngân hàng ngoài yêu cầu phải có chính sách từ Chính phủ vẫn cần phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện quy định của từng ngân hàng.
Đại diện Bộ Tài chính tham gia cuộc họp cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và sẽ về báo cáo ngay với lãnh đạo Bộ. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được các kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương về vốn vay, bảo hiểm, tiền điện, đại diện Bộ Tài chính cho biết bắt buộc cần phải có đề mục đầu bài.
Cụ thể, để ban hành được chính sách hỗ trợ, theo đại diện Bộ Tài chính phải có Nghị định hoặc Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Dựa trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ cân đối để ban hành các Thông tư hướng dẫn chi tiết việc đối tượng được hỗ trợ, công đoạn hỗ trợ, mức hỗ trợ bao nhiêu và phương thức chi trả như thế nào.
Vì vậy, dựa theo Thông báo số 192/TB-VPCP của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình triển khai các giải pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi và các quy định hiện hành, đại diện Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT nhanh chóng rà soát lại đối tượng thu mua, quy mô thu mua cấp đông thịt lợn để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định chi tiết hỗ trợ kịp thời việc cấp đông trong thời gian sớm nhất.
Rất nhiều ý kiến tại cuộc họp cho rằng, phương án cấp đông thịt lợn là rất khó để thực hiện. Do đó, đại diện rất nhiều địa phương ủng hộ phương án làm sao thúc đẩy việc tiêu thụ được thịt lợn tươi sống như mở các quầy hàng thịt an toàn hay kêu gọi cộng đồng ăn thịt. Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng cho biết, năm 2016 Hải Phòng đã thí điểm cấp đông thịt lợn khi xảy ra khủng hoảng giá lợn, đến nay lượng thịt cấp đông đó vẫn còn nguyên trong kho chưa giải phóng được và bị cháy lạnh toàn bộ do không có kinh nghiệm cấp đông, không được tập huấn, không làm chủ được công nghệ. |