Các cảnh quay từ một phòng chăm sóc đặc biệt tại London cho thấy một bệnh viện ở Anh đang được biến đổi như thế nào trong trận chiến khó khăn chống lại Covid-19, tại các phòng bệnh căng thẳng đến nỗi nhân viên y tế gặp phải các cơn hoảng loạn.
Cho đến nay, Vương quốc Anh xác nhận 5.373 người chết vì Covid-19.
"Nếu không có thử nghiệm rộng rãi, con số 52.290 trường hợp nhiễm virus được coi là thấp". Tuy nhiên, "số ca tử vong do Covid-19 tại quốc gia này đang ở trên một quỹ đạo tồi tệ hơn so với Trung Quốc", trang BusinessInsider phân tích.
Hôm 6/4, hàng loạt các tờ báo ở Anh cũng như thế giới đưa tin Thủ tướng Boris Johnson phải chuyển sang phòng chăm sóc đặc biệt sau hơn 10 ngày xác nhận nhiễm virus Corona.
London là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Vương quốc Anh. Đến giữa tháng Ba, thành phố báo cáo một "vụ bùng nổ" các trường hợp nhiễm virus Corona. Và vào ngày 19/3, một bệnh viện hết giường chăm sóc đặc biệt, tờ The Guardian đưa tin.
Tại Bệnh viện Đại học College ở London, một bệnh viện công của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), hầu hết các phòng nghỉ được chuyển đổi để điều trị bệnh nhân Covid-19, phóng viên BBC Fergus Walsh cho biết.
"Tất cả trừ hai bệnh nhân trong ICU của bệnh viện đều bị mắc Covid-19", trưởng khoa chăm sóc sức khỏe bệnh viện nói với BBC.
Các bác sĩ mô tả cảnh tượng này là "hoàn toàn không thể tưởng tượng được" và cảnh báo: "Chúng tôi không thể đối phó với một đột biến lớn. Hoàn toàn không thể."
Một y tá nói với đài truyền hình rằng nhu cầu về bệnh viện là chưa từng có trong sự nghiệp y tế 23 năm của cô.
"Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như thế này, kể cả các vụ đánh bom ở London", cô nói, đề cập đến vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất từ trước đến nay của Anh vào ngày 7/7/2005, khiến hàng trăm người bị thương và 52 người thiệt mạng.
Bệnh nhân mắc Covid-19 được duy trì sự sống nhờ kết hợp giữa "oxy, hỗ trợ nội tạng và điều dưỡng tuyệt vời", người đứng đầu bộ phận chăm sóc đặc biệt cho biết.
"Nhưng công việc đó đang gây nguy hiểm. Gánh nặng thể chất của ca làm việc 12 giờ, thường mặc thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) đầy đủ - cộng với cảm xúc tiêu cực từ khủng hoảng - đã khiến một số nhân viên khó chịu đựng", các chuyên gia nói với BBC.
Y tá 23 năm kinh nghiệm nói: "Điều đó thực sự khó khăn và một số nhân viên của chúng tôi thực sự không thể đối phó với nó."
"Không có gì lạ khi một số nhân viên của chúng tôi đã có những cơn hoảng loạn, điều chỉ diễn ra khi rất căng thẳng. Vì vậy, chúng tôi thực sự phải hỗ trợ mọi người."
Người dân Anh đã thể hiện sự ủng hộ cao của họ bằng cách đi ra ngoài hiên và ban công vào lúc 8 giờ tối các ngày thứ Năm, vỗ tay và/hoặc đập chảo, trong một sự kiện hàng tuần được gọi là "vỗ tay cho nhân viên y tế".
Nhưng sự hỗ trợ mà y tá của Bệnh viện Đại học College mong muốn không phải vậy, họ cần mọi người tuân theo lệnh ở nhà trong thời gian Vương quốc Anh phong tỏa, bắt đầu vào ngày 23/3.
"Cũng như gánh nặng của công việc, các chuyên gia y tế sợ rằng họ sẽ mang virus về lây nhiễm cho gia đình", người đứng đầu bộ phận chăm sóc đặc biệt nói với BBC.
Y tá nói thêm: "Nếu mọi người không ở nhà và lẻn ra ngoài đường, hoàn cảnh tồi tệ này sẽ tiếp tục xảy ra và nhân viên của chúng tôi sẽ phải mạo hiểm lâu hơn".