Theo đó dự án chế biến ngô sâu nhằm để sản xuất vải và nhựa sinh học được coi như là một công dụng mới của loại cây lương thực phổ biến này.
Dự án mới của tập đoàn đa quốc gia Cargill có trị giá 300 triệu USD, liên doanh với công ty HELM có trụ sở tại Đức, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ người tiêu dùng và các doanh nghiệp đang tìm kiếm các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn.
Cụ thể, Cargill và HELM sẽ tiến hành lên men đường có trong ngô để tạo ra hợp chất hóa học 1,4-butanediol, hay còn gọi là BDO quy mô thương mại đầu tiên tại Mỹ cho sản phẩm thay thế.
Bà Jill Zullo, Phó chủ tịch Cargill phụ trách mảng công nghệ xử lý sinh học và công nghiệp sinh học cho biết, cơ sở chế biến mới dự kiến sẽ sử dụng khoảng 30.000 giạ ngô mỗi ngày, tương đương khoảng 10% công suất chế biến ngô ở Eddyville, bao gồm cả sản xuất ethanol.
Trong một tuyên bố, tập đoàn Cargill cho biết dự án này có thể thay thế các hóa chất làm từ nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, và giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành vào năm 2024 tại một khu phức hợp chế biến ngô của Cargill ở Eddyville, bang Iowa.
Hiện nguồn cung ngô của Mỹ đang bị thắt chặt do nhu cầu tăng mạnh tại thị trường Trung Quốc và giá ngô kỳ hạn đã chạm mức cao nhất trong vòng 8 năm.