Cargill Việt Nam là doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tiên có mặt ở Việt Nam, ngay sau khi hai quốc gia bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Thấm thoát đã tròn 25 năm – Cargill đã có hành trình tuyệt vời để thay đổi ngành chăn nuôi Việt Nam.
Nhân dịp này, Báo NNVN có cuộc trò chuyện với ông John Fering - Tổng Giám đốc Ngành Thức ăn chăn nuôi của Cargill Thái Lan và Việt Nam, để hiểu hơn về những giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp xứ “Cờ hoa” đem đến một đất nước xa xôi.
Hơn hai thập kỷ hoạt động tại Việt Nam, Cargill giữ vững vị thế top 5 doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi lớn nhất. Thành công ấy dựa trên triết lý kinh doanh nào, thưa ông?
Cargill là một Tập đoàn hoạt động đa lĩnh vực trên phạm vi toàn cầu. Chúng tôi tự hào khi có mặt tại Việt Nam từ năm 1995. Hai lĩnh vực lúc đầu Cargill kinh doanh tại Việt Nam là ngành hàng dinh dưỡng vật nuôi và xuất nhập khẩu nông sản.
Chúng tôi hiểu rằng, để thương hiệu của mình đến được với đông đảo người chăn nuôi độc lập, thì ngoài việc cung ứng những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất, cần tạo dựng niềm tin và mang lại giá trị thiết thực cho cộng đồng.
Bởi vậy, chúng tôi quyết định thành lập quỹ từ thiện Cares vào năm 1997, với cam kết hoàn thành xây dựng 100 trường học cho Việt Nam đến năm 2020.
Và Cargill Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu này chưa, thưa ông?
Đúng như những gì đã nói, ngày 11/12 vừa qua, ngôi trường thứ 100 của Cargill đã được khánh thành tại Trường Tiểu học Văn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Những ngôi trường của Cargill tại 50 tỉnh đã phục vụ cho hơn 15.000 học sinh mỗi năm.
Chúng tôi tin rằng mình có thể hỗ trợ Việt Nam trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua giáo dục và tạo dựng tương lai tươi sáng hơn cho trẻ em Việt Nam.
Hạnh phúc chính là khi ta cho đi hạnh phúc, và điều tuyệt vời đã đến với chúng tôi, đó là niềm tin của hàng triệu hộ nông dân và hàng ngàn chủ trang trại khắp cả nước đối với sản phẩm của Cargill.
Những lĩnh vực hoạt động nào Cargill đã và đang đẩy mạnh phát triển tại thị trường Việt Nam?
Chúng tôi mong muốn là đối tác tin cậy của khách hàng trong lĩnh vực thực phẩm; sức khỏe, dinh dưỡng vật nuôi và nông nghiệp.
Tính đến thời điểm này, Cargill đã đầu tư hơn 160 triệu USD vào Việt Nam để xây dựng 11 nhà máy sản xuất dinh dưỡng vật nuôi; 1 kho cung ứng ngũ cốc và hạt có dầu; 2 trung tâm ứng dụng công nghệ cho tôm và cá.
Chúng tôi cũng một trong những đơn vị nhập khẩu đạm động vật, đặc biệt là thịt bò chất lượng cao từ Hoa Kỳ, Canada và Úc để cung ứng tại thị trường Việt Nam.
Vậy giá trị cốt lõi tạo nên sự khác biệt của Cargill Việt Nam nằm ở đâu, để đảm bảo lợi thế cạnh tranh tại thị trường Việt Nam?
Những năm gần đây, nhiều đối thủ của chúng tôi trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi đã mở rộng về quy mô cũng như xây dựng chuỗi khép kín chuỗi giá trị chăn nuôi từ trang trại đến bàn ăn thông qua các trang trại gia công và nhà máy chế biến thực phẩm. Họ mua bán, sáp nhập để tích hợp rất mạnh mẽ.
Cargill hiện có 1.500 nhân viên tại Việt Nam, và kể từ khi có mặt tại Việt Nam, Cargill đã liên tục thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phương pháp chăn nuôi đến với 1,7 triệu người chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản thông qua chia sẻ những kinh nghiệm chuyên môn , kiến thức về dinh dưỡng vật nuôi, kỹ năng quản lý trang trại.
Tuy nhiên, Cargill lại có hướng tiếp cận khác biệt. Chúng tôi trung thành với khách hàng truyền thống là những người chăn nuôi độc lập thông qua việc cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng chất lượng cao; các giải pháp công nghệ số hóa trong quản lý trang trại, xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi và những kiến thức cần thiết.
Từ đó, giúp người chăn nuôi truyền thống có thể phát triển các trang trại độc lập chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn, cung ứng thực phẩm sạch và tạo dựng thương hiệu.
Và nếu ứng dụng công nghệ của chúng tôi, các hộ chăn nuôi truyền thống có thể cải thiện năng suất chăn nuôi lên tới 30%.
Ước mơ của tôi là trong 25 năm tới, Cargill sẽ tiếp tục khẳng định vị thế là đối tác, nhà cung cấp hàng đầu đối với người chăn nuôi độc lập.
Chẳng hạn, chúng tôi sẽ hỗ trợ những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ phát triển lên thành các trang trại với số lượng 500 – 1.000 lợn nái. Và khi họ đạt được những quy mô như vậy, họ có thể tiếp cận được đầy đủ danh mục về kỹ thuật, sản phẩm công nghệ, dịch vụ của Cargill.
Chúng tôi nhìn nhận đây không chỉ là cơ hội mà là trách nhiệm của một doanh nghiệp hoạt động 25 năm tại Việt Nam.
Để thực hiện được giấc mơ mà ông vừa nói, chắc chắn Cargill Việt Nam sẽ cần những nền tảng mới, những “xung lực” đầu tư mạnh mẽ hơn trong tương lai?
Đúng vậy, đó là lý do chúng tôi công bố về kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy mới ở khu vực miền Nam trị giá 28 triệu USD. Dự án này không nhằm mục tiêu sản xuất thức ăn thương phẩm, mà tập trung vào các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt, các sản phẩm premix (chất bổ sung) nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người chăn nuôi gia súc gia cầm và nuôi trồng thủy sản.
Chúng tôi cam kết sẽ trang bị những công nghệ hiện đại nhất, để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất trên thị trường. Cargill đang dần chuyển dịch hướng tiếp cận từ một công ty cung cấp tập trung sản phẩm ra thị trường, sang mục tiêu lấy khách hàng làm trọng tâm. Chúng tôi sẽ lắng nghe nhu cầu của khách hàng nhiều hơn để có điều chỉnh thích hợp trong chiến lược kinh doanh.
Chúng tôi hiểu rằng, khi khách hàng thịnh vượng, thì chúng tôi cũng thịnh vượng. Do đó, Cargill không nhất thiết phải sở hữu tài sản hoặc tham gia vào toàn bộ chuỗi giá trị. Cargill là một công ty toàn cầu, nên chúng tôi sẽ tập phát triển những lĩnh vực thế mạnh của mình.
Và, sau 25 năm thì chúng tôi nhận thấy rất nhiều hộ chăn nuôi độc lập có đầu óc kinh doanh, có khát vọng và đam mê thành công. Vậy, chúng ta hoàn thoàn có thể kết hợp với nhau để phát triển các mô hình kinh doanh theo hướng hai bên cùng có lợi.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!