| Hotline: 0983.970.780

Cầu Bến Rừng mở rộng không gian phát triển mới khu vực Đông Bắc

Thứ Tư 17/07/2024 , 16:23 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Cầu Bến Rừng đi vào khai thác giúp Hải Phòng và Quảng Ninh mở rộng không gian phát triển, đẩy mạnh liên kết vùng trong tam giác phát triển kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Cầu Bến Rừng trước ngày thông xe. Ảnh: Đinh Mười.

Cầu Bến Rừng trước ngày thông xe. Ảnh: Đinh Mười.

Cây cầu thứ 3 liên kết Hải Phòng và Quảng Ninh

UBND thành phố Hải Phòng, chiều 17/7 đã tổ chức thông xe cầu Bến Rừng tại huyện Thủy Nguyên. Vậy là công trình giao thông cấp đặc biệt, có tổng mức đầu tư hơn 1,9 nghìn tỷ từ ngân sách trung ương và địa phương đã chính thức hoàn thành sau hơn 2 năm triển khai.

Cầu Bến Rừng là hành lang giao thông đường bộ thứ 3 kết nối tỉnh Quảng Ninh với thành phố Hải Phòng, sau cầu Đá Bạc và cầu Bạch Đằng. Sự kiện này đã được người dân 2 bên bờ sông Chanh nói riêng và người dân Hải Phòng, Quảng Ninh nói chung mong chờ bấy lâu nay, bởi sau khi hoàn thành sẽ giúp người dân qua lại nhanh chóng, không phải chờ phà Rừng mất 30 - 60 phút, hoặc phải đi 40km sang Quốc lộ 18 rồi vòng ra Quốc lộ 10 như trước đây.

Ông Lê Bá Hùng trú tại quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng cho biết, trước đây thường xuyên đi qua phà Rừng để sang Quảng Ninh công tác, thời gian chờ phà khá lâu và bất tiện.

“Bến phà này có nhiều kỷ niệm với bao nhiêu thế hệ rồi nhưng nếu thay được bằng một cây cầu là điều rất tốt, ai cũng mong đợi. Ngoài việc phục vụ đi lại thuận tiện hơn thì đây cũng là minh chứng cho sự phát triển của Hải Phòng và Quảng Ninh nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung”, ông Hùng bày tỏ.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng, cầu Bến Rừng được xây dựng tại vị trí cách phà Rừng hiện tại khoảng 3,7km về phía thượng lưu, cách cầu sông Chanh khoảng 4,3km và cách Quốc lộ 18 khoảng 6,4km.

Cầu được thiết kế với 3 biểu tượng chữ V mang ý nghĩa lịch sử 3 lần đánh thắng giặc ngoại xâm trên sông Bạch Đằng. Để thực hiện dự án này, công trình cần sử dụng khoảng 7,81 ha đất của 2 địa phương, trong đó phía Hải Phòng sử dụng khoảng 4,59ha của xã Gia Đức, huyện Thủy Nguyên, và phía Quảng Ninh sử dụng khoảng 3,22ha của thị xã Quảng Yên.

Cầu được thiết kế với 3 biểu tượng chữ V mang ý nghĩa lịch sử 3 lần đánh thắng giặc ngoại xâm trên sông Bạch Đằng. Ảnh: Đinh Mười.

Cầu được thiết kế với 3 biểu tượng chữ V mang ý nghĩa lịch sử 3 lần đánh thắng giặc ngoại xâm trên sông Bạch Đằng. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Đỗ Tuấn Anh – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng cho biết, sau khi hoàn thành, cây cầu sẽ thay thế cho phà Bến Rừng hiện nay, cùng với quốc lộ 10, cao tốc Hạ Long – Hải Phòng cầu Bến Rừng sẽ là cửa ngõ chính thứ 3 kết nối trực tiếp Hải Phòng - Quảng Ninh bằng đường bộ.

Việc đầu tư xây dựng cầu Rừng thay thế phà Rừng là hết sức cần thiết, nhằm tạo ra hệ thống kết nối giao thông liên vùng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, lưu thông hàng hoá. Cầu sẽ kết nối các Khu kinh tế, Khu công nghiệp Hải Phòng với Quảng Ninh, như KCN Bến Rừng, KCN VSIP (thuộc KKT Đình Vũ - Cát Hải) với KCN Đông Mai, KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên, Quảng Ninh) với Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện.

Vai trò đấu nối cầu Bến Rừng có ý nghĩa quan trọng trong việc liên kết vùng, thông quan trục giao thông này, sẽ rút ngắn được khoảng cách địa lý giữa các đô thị như Quảng Yên, Uông Bí, Thủy Nguyên,... cùng với hệ thống đường thủy nội địa, đường biển sẽ tạo thành một hệ thống giao thông liên hoàn tạo lực đẩy cho phát triển cộng sinh trong giao thương hàng hóa, trong cung ứng nguồn nhân lực.

Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội của 2 khu kinh tế ven biển năng động vào bậc nhất miền Bắc hiện nay là Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải của Hải Phòng và Khu kinh tế ven biển Quảng Yên của tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, sẽ mở thêm dư địa, tăng giá trị địa tô của 2 khu kinh tế và các khu vực lân cận.

Cây cầu được người dân 2 bên bờ sông Chanh chờ đợi hàng thập kỷ qua. Ảnh: Đinh Mười.

Cây cầu được người dân 2 bên bờ sông Chanh chờ đợi hàng thập kỷ qua. Ảnh: Đinh Mười.

Sự kỳ vọng hơn cả một cây cầu

Hiện tại, dư địa phát triển của thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh còn rất lớn, trong đó, phía Tây của tỉnh Quảng Ninh đang được xác định là trung tâm chuyển dịch kinh tế của các ngành công nghiệp công nghệ cao. Phía bên Hải Phòng, huyện Thủy Nguyên đang dần trở thành trung tâm kinh tế - chính trị mới, địa phương đang tập trung nhân lực, vật lực trong lộ trình trở thành thành phố trực thuộc Hải Phòng vào năm 2025.

Do vậy, việc triển khai xây dựng hoàn thành cầu Bến Rừng và cho thông xe là một trong những việc để cụ thể hóa các chương trình hợp tác giữa Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về “thống nhất hợp tác đẩy nhanh tốc độ phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng”. Đồng thời, dự án này cũng được người dân, chính quyền 2 địa phương kỳ vọng sẽ mang lại giá trị hơn cả một cây cầu.

Trên thực tế, Hà Nội – Hải Phòng và Quảng Ninh với hệ thống giao thông phát triển toàn diện, đầy đủ các loại hình: đường bộ, đường hàng không và đường biển,… đang được đánh giá là “tam giác vàng” tạo nên cực tăng trưởng rất năng động của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Cầu Bến Rừng thông xe chiều 17/7. Ảnh: Đinh Mười

Cầu Bến Rừng thông xe chiều 17/7. Ảnh: Đinh Mười

Với những tiềm năng, lợi thế của mình về môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng, giao thông đường bộ, sân bay quốc tế và hệ thống cảng biển lớn, những năm qua, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đều có những chiến lược nổi bật về phát triển kinh tế biển và đã có những chuyển động tích cực, tạo động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả vùng trong dài hạn.

Theo ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, thời gian qua, hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng được đầu tư xây dựng mạnh mẽ theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đây là một mắt xích quan trọng trong việc hoàn thiện hạ tầng giao thông nhằm tạo sự liên kết vùng mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn chỉnh tuyến kết nối vùng tam giác kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Trong giai đoạn tiếp theo, trên cơ sở Nghị quyết số 42 của Bộ Chính trị và quy hoạch tổng đã được Chính phủ phê duyệt, một số dự án kết nối hạ tầng giao thông mang tính liên kết vùng sẽ tiếp tục được Hải Phòng triển khai. Hải Phòng cũng sẽ tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường.

Đồng thời sẽ thực hiện tốt công tác liên kết, hợp tác, phát triển du lịch thông qua việc liên kết, hỗ trợ cung cấp thông tin du lịch tới khách du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch dịch vụ xây dựng tour, tuyến du lịch kết nối; tích cực triển khai liên kết hợp tác trong lĩnh vực quy hoạch, tạo không gian phát triển chung giữa các địa phương.

Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành thành thành phố trực thuộc Trung ương, phát triển kinh tế với phương châm “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, sẽ tiến hành kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng.

Còn với thành phố Hải Phòng, địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu trở thành trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc.

Xem thêm
AgroViet 2024 - Cầu nối mở rộng thương mại nông sản

Ngày 20/11, Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 24 - AgroViet 2024 được khai mạc tại Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Hà Nội).

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.