| Hotline: 0983.970.780

Cây ăn trái - Vẫn đang chờ giống

Thứ Năm 16/12/2010 , 09:49 (GMT+7)

Ngoài cây có múi, các nhà khoa học cũng đang bắt đầu nghiên cứu tìm ra giống chịu mặn, hạn, lũ… cho các loại cây ăn trái phổ biến khác như xoài, chôm chôm, sầu riêng…

>> Lúa - giống thích ứng và canh tác khôn ngoan
>> Nông nghiệp ĐBSCL trước biến động nguồn nước

Đắp đê chỉ là tình thế

Cây ăn trái là cây trồng chủ lực thứ 2 ở ĐBSCL, sau lúa. Theo Phân viện Quy hoạch & Thiết kế Nông nghiệp Miền Nam, ĐBSCL hiện có gần 300.000 ha cây ăn trái, sản lượng khoảng gần 3 triệu tấn, chiếm từ 35,5-38% về diện tích và trên 40% tổng sản lượng trái cây cả nước. Địa bàn phân bố trồng cây ăn quả ở ĐBSCL tập trung ở vùng phù sa nước ngọt nằm kẹp giữa và ở ven sông Tiền - sông Hậu thuộc các tỉnh - TP là Tiền Giang (64.953 ha), Vĩnh Long (37.361 ha), Bến Tre (34.920 ha), Sóc Trăng (24.999 ha), Hậu Giang (20.905 ha), Trà Vinh (18.812 ha), TP Cần Thơ (15.644 ha)…

Nếu như lúa đã có những giống địa phương có khả năng chống chịu mặn ở nồng độ thấp, thì hầu hết cây ăn trái thương phẩm hiện nay lại không chịu nổi nước mặn. Vì thế, ở các huyện ven biển thuộc các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre…, đất trồng cây ăn trái đang bị thu hẹp dần trước sự xâm nhập của nước mặn và cả của việc người dân phát triển nuôi tôm nước lợ.

Để bảo vệ vườn cây ăn trái trước sự xâm nhập mặn, ngập lũ, giải pháp duy nhất đang được thực hiện trong nhiều năm qua ở các tỉnh ĐBSCL vẫn là đắp đê. Tuy nhiên, theo ThS Võ Ngọc Thoại, Trưởng phòng Khoa học (Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam), đê ngăn mặn, ngăn lũ chỉ là giải pháp tình thế. Bởi làm đê bao để bảo vệ cây ăn trái là phải bao triệt để nhằm kiểm soát lũ, mặn cả năm. Khi ấy, sẽ khiến nguồn nước trong đê bị xấu dần đi, nảy sinh những độc chất gây ảnh hưởng xấu tới cây ăn trái.

 Mặt khác, theo một số nhà khoa học thủy lợi, đê không thể nào ngăn được nước mặn ngấm dần vào lòng đất. Mà khi đất đã nhiễm mặn thì các giống cây ăn trái thương phẩm hiện nay khó tồn tại được.

Chờ kết quả cuối cùng

Chính vì thế, theo các nhà khoa học, giải pháp hàng đầu cho cây ăn trái ĐBSCL trong điều kiện biến động nguồn nước trước ảnh hưởng của BĐKH, NBD và tác động của con người, là phải “sống chung” với những yếu tố bất lợi này. Theo đó, việc nghiên cứu, chọn tạo những giống cây ăn trái có khả năng chống chịu mặn đang được coi là giải pháp hữu hiệu nhất để giúp cây ăn trái ở ĐBSCL có thể đứng vững và phát triển khi mà nước mặn đang xâm nhập ngày càng sâu vào nội địa. Bởi nếu cây ăn trái không chịu được mặn, thì khi ấy, chăm sóc cỡ nào, cũng không thể giúp cho cây đứng được trên đất đã bị nhiễm mặn.

Theo ThS Võ Hữu Thoại, để có được những giống cây có múi có khả năng chịu mặn, từ mấy năm nay, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam đã đi sưu tầm những giống cây có múi bản địa, vốn ít được quan tâm vì hầu như không có giá trị thương mại, nhưng lại có khả năng chịu mặn, phèn tốt, đem về thử nghiệm ở các nồng độ mặn khác nhau, qua đó, chọn lọc ra những cây có khả năng chịu mặn tốt nhất.

Bên cạnh chọn lọc tự nhiên trên, các nhà khoa học còn tiến hành lai tạo giữa những cây chịu mặn này để có được những dòng lai có khả năng chịu mặn tốt hơn. Những cây được chọn từ 2 cách trên đều được cho ra trái, lấy hạt, gieo thành những cây con. Cây con lớn lên sẽ dùng làm gốc ghép để các nhà khoa học tiến hành ghép mắt của các cây có múi có giá trị thương mại cao. Tiếp đó, những cây ghép lại được theo dõi xem khả năng tiếp hợp giữa gốc ghép với mắt ghép ra sao. Những cây ghép có khả năng tiếp hợp tốt nhất sẽ được chọn để đưa ra trồng thử nghiệm trên đồng nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng, năng suất, phẩm chất trái.

Hiện tại, công tác nghiên cứu giống cây ăn trái chịu mặn ở Viện NC Cây ăn quả Miền Nam đang ở giai đoạn đánh giá sinh trưởng của cây ghép trên đồng. Kết quả ban đầu cho thấy cây chịu mặn khá tốt, với nồng độ trên 10‰. Còn phải đợi khoảng 2-3 năm nữa để cây ra trái mới đánh giá được năng suất, phẩm chất trái ra sao. Vì thế, kết quả cuối cùng của việc nghiên cứu này vẫn chưa thể biết được.

Ngoài cây có múi, các nhà khoa học cũng đang bắt đầu nghiên cứu tìm ra giống chịu mặn, hạn, lũ… cho các loại cây ăn trái phổ biến khác như xoài, chôm chôm, sầu riêng…
Song song với việc nghiên cứu giống cây có múi chịu mặn, các nhà khoa học ở Viện NC Cây ăn quả Miền Nam cũng đang tiến hành nghiên cứu những giống cây chịu hạn, chịu ngập lũ với cách làm tương tự. Riêng về cây chịu hạn, Viện đã tìm ra được cây trúc, là một loại cây thuộc họ cam, quýt ở vùng Bảy Núi (An Giang), có khả năng chịu hạn rất tốt, cả năm không có giọt mưa mà vẫn sinh trưởng, ra trái bình thường. Hiện cây trúc đang được thử nghiệm làm gốc ghép cho các giống cam, quýt, bưởi có giá trị kinh tế cao.

Theo các nhà khoa học, cái khó nhất trong việc nghiên cứu giống cây ăn trái nhiễm mặn là thời gian. Để làm được một giống, phải mất ít nhất 7 năm. ĐBSCL lại có nhiều giống cây ăn trái chủ lực. Để làm được hết giống chịu mặn cho những loại cây này, còn phải mất rất nhiều thời gian nữa. Bên cạnh đó, còn một cái khó khác là sự thờ ơ của nông dân vùng nhiễm mặn, vì họ không tin rằng cây ăn trái có thể sống được trên vùng đất ấy. Bởi thế, để thuyết phục được nông dân tham gia trồng thử nghiệm cây ăn trái chịu mặn là không hề dễ dàng.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.