| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp xanh bên dòng sông huyền thoại

Trang trại nho trĩu quả bên dòng Sê San

Thứ Ba 30/04/2024 , 08:30 (GMT+7)

Vài năm nay, huyện Ia Grai không chỉ nổi tiếng bởi có dòng Sê San, là vựa cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai mà còn nổi lên với những vườn nho trĩu quả.

Chàng kỹ sư Đặng Đại Dương, ông chủ của vườn nho trải nghiệm ở huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đăng Lâm.

Chàng kỹ sư Đặng Đại Dương, ông chủ của vườn nho trải nghiệm ở huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đăng Lâm.

Cây mới bên dòng sông huyền thoại

Sau mấy lần hò hẹn, cuối cùng tôi cũng về với vườn nho trĩu quả ở huyện biên giới Ia Grai thuộc tỉnh Gia Lai.

Người ta biết đến Ia Grai không chỉ bởi huyện này có dòng Sê San được mệnh danh là “dòng sông năng lượng” chảy qua, với bến đò huyền thoại của anh hùng A Sanh (tên thật là Puih San) cùng đồng đội ngày đêm đưa bộ đội sang sông đánh Mỹ. Người ta biết đến Ia Grai cũng không chỉ bởi huyện này có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai với khoảng gần 18.000ha, mà vài năm trở lại đây, Ia Grai còn có những trang trại trồng một số loại cây mới nhập về, trong đó có những vườn nho trĩu quả.

Trồng nho ở Gia Lai nói chung và ở huyện Ia Grai nói riêng là điều tưởng như... không tưởng, nhưng lại đang là hiện hữu ở huyện biên giới này. Những vườn nho nơi đây xanh tốt đến lạ kỳ, quả sai trĩu giàn, thơm ngon không kém bất kỳ nho vùng nào. Hơn thế, những trang trại trồng nho ở huyện Ia Grai ngoài giúp phát triển kinh tế hộ gia đình còn làm phong phú thêm chủng loại cây trồng của địa phương, đồng thời là điểm đến lý tưởng của không ít du khách gần xa.

Mặc dù bận rộn với tiệm spa ở TP Pleiku, nhưng chị Trang (vợ anh Dương) luôn đồng hành cùng chồng. Ảnh: Đăng Lâm.

Mặc dù bận rộn với tiệm spa ở TP Pleiku, nhưng chị Trang (vợ anh Dương) luôn đồng hành cùng chồng. Ảnh: Đăng Lâm.

Vườn nho của anh Đặng Đại Dương (35 tuổi) ở thị trấn Ia Kha là một điển hình. Trải qua nhiều công việc trong ngành xây dựng nhưng anh Đặng Đại Dương đã mạnh dạn chuyển sang trồng nho và dâu tây. Tuy trái ngành nhưng anh đã có những thành công ban đầu, bước đầu đã cho thu nhập tương đối cao.

"Ăn nằm" cùng vườn nho

Sau khi tốt nghiệp ngành kinh tế (Trường Đại học Giao thông vận tải), chàng kỹ sư trẻ Đặng Đại Dương (trú tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã trải qua nhiều ngành nghề trong lĩnh vực xây dựng, ngân hàng. Tuy vậy, cơ duyên lại đưa Dương đến với niềm đam mê làm nông nghiệp, với mong muốn đưa về nhiều loại cây có giá trị cao trồng trên vùng đất đỏ bazan.

Sau nhiều thời gian tìm hiểu, anh Dương cùng nhóm bạn đã đầu tư trồng dâu tây và nho, bước đầu đã cho thấy thành công ngoài mong đợi.

Anh Dương chia sẻ, là những loại cây mới nên khi bắt đầu, anh phải trả nhiều bài học đắt giá để thử nghiệm giống và kỹ thuật trồng. “Năm 2021, tôi cùng 4 người bạn gây dựng mô hình trồng dâu tây. Mô hình dâu tây này được mọi người đón nhận, trang trại vừa phục vụ khách trải nghiệm, vừa cung cấp trái cây hữu cơ cho chuỗi siêu thị ở TP Pleiku. Nhờ vậy, mô hình dâu tây đã mang lại lợi nhuận nhất định. Nhiều năm trở lại đây, khí hậu Gia Lai có phần nắng nóng hơn nên tôi đã chọn thêm cây nho trồng ở thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai”, anh Dương chia sẻ.

Cũng theo anh Dương, nho là cây trồng hiếm ở địa phương và mang lại lợi nhuận khá cao nên anh đã mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng thử nghiệm. Ban đầu, anh chọn gần chục giống nho trong và ngoài nước để trồng thử. Sau đó, anh quyết định trồng 4 giống nho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương để trồng chính thức.

Anh Dương đang chia sẻ niềm đam mê với khách tham quan. Ảnh: Đăng Lâm.

Anh Dương đang chia sẻ niềm đam mê với khách tham quan. Ảnh: Đăng Lâm.

Sau một năm “ăn ngủ” với cây nho, anh Dương đã gây dựng cho mình trang trại nho với 4 giống chủ đạo là Bailey (giống nho Ninh Thuận), nho Mỹ đỏ không hạt, nho mẫu đơn (Hàn Quốc) và giống nho Kyoho (Nhật Bản) trên diện tích hơn 5.000m2.

Anh Dương cho biết: "Trồng nho phải có thời gian để thuần khí hậu, còn phải biết cách cắt tỉa cành để nho ra quả đúng vụ, phù hợp với thời gian sinh trưởng. Trong 4 giống nho này, mình thấy giống Mỹ đỏ không hạt là phát triển nhanh nhất, dễ chăm sóc lại ít sâu bệnh. Giống nho này cũng rất dễ đậu quả, vị ngọt, giòn và cho năng suất cao, được người tiêu dùng rất ưa chuộng".

Để chọn được giống nho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, chàng kỹ sư trẻ đã dùng phương pháp chăm sóc cây mẹ chất lượng rồi ghép ra nhiều cây con. Để đảm bảo cây nho sinh trưởng, phát triển tốt, mọi khâu cắt ghép anh đều cẩn thận thuê người ở xứ sở nho Ninh Thuận lên thực hiện.

Với diện tích 5.000m2, anh Dương trồng hơn 2.500 cây nho. Sau gần 2 năm xuống giống, nho đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Đối với nho Bailey hiện anh bán với giá tại vườn 120.000 đồng/kg, còn nho Mỹ đỏ không hạt giá 250.000 đồng/kg. Theo ước tính, đến khi toàn bộ vườn nho trên diện tích 5.000m2 đều cho trái, năng suất sẽ đạt khoảng 7 tấn quả mỗi năm. Quả nho từ trang trại của anh Dương ngoài bày bán ở các siêu trị tại TP Pleiku cũng đã có mặt ở TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội...

Hút khách tham quan

Tiếng lành đồn xa, thời gian gần đây, không ít khách đã đến tham quan, trải nghiệm tại vườn nho của anh Dương. Khoảng vài tháng trở lại đây, cũng là thời điểm thu hoạch nho, vườn nho của anh Dương chính thức mở cửa đón khách. Khách tới tham quan, trải nghiệm không chỉ đến từ huyện Ia Grai hay TP Pleiku, mà nhiều người ở các huyện xa, thậm chí tận Kon Tum, Đắk Lắk cũng tìm đến để tham quan, chụp ảnh và trải nghiệm thu hái nho ngay tại vườn.

Bà Bùi Lê Doanh, việt Kiều Mỹ trải nghiệm vườn nho độc đáo của anh Dương. Ảnh: Đăng Lâm.

Bà Bùi Lê Doanh, việt Kiều Mỹ trải nghiệm vườn nho độc đáo của anh Dương. Ảnh: Đăng Lâm.

Khi nghe người quen giới thiệu về vườn nho ở Ia Grai, chị Bùi Thị Hồng (tổ 1, phường Hội Thương, TP Pleiku) đã cùng bạn bè đến tham quan. Chị Hồng cùng nhóm bạn không khỏi bất ngờ khi ở đây trồng được vườn nho trái to, chùm đẹp như vậy.

“Tôi đã đi một số vườn nho lớn, có cả vườn ở Ninh Thuận - vùng chuyên canh trồng nho lớn của cả nước, song khi về đây, tôi khá ấn tượng với vườn nho này, thấy nho trồng ở mình không hề thua kém chút nào. Đặc biệt, vườn này còn trồng được các giống nho cao cấp như nho mẫu đơn, nho Mỹ không hạt...”, chị Hồng vui vẻ nói.

Bà Bùi Lê Doanh định cư ở Mỹ từ nhiều năm nay. Trong lần về nước mới đây, bà được bạn bè giới thiệu và đưa đến thăm vườn nho của anh Đặng Đại Dương. Sau khi ăn thử vài quả nho mới hái xuống, bà Doanh không khỏi bất ngờ mà rằng: “Tôi đã ăn nho được trồng ở nhiều nước, cũng đã ăn nho ở thiên đường nho Ninh Thuận của Việt Nam. Bây giờ về Gia Lai ăn nho ở đây, tôi thấy nho anh Dương trồng không thua kém bất kỳ nơi nào, kể cả về mẫu mã và độ thơm ngon”.

Không chỉ dừng lại ở diện tích hơn 5.000 m2 hiện có, ông chủ trẻ của vườn nho này đang ấp ủ dự định mở rộng quy mô để phục vụ du khách trải nghiệm, đồng thời khai thác sản phẩm để cung cấp cho thị trường trong thời gian tới. Song song với việc nghiên cứu các giống nho mới, chàng trai trẻ vẫn duy trì việc chăm sóc vườn dâu tây 1ha của mình. Bởi mặc dù năng suất có phần còn “khiêm tốn”, song đầu ra luôn quả dâu tây ổn định và đây cũng là nguồn thu nhập chính để anh có vốn đầu tư cho vườn nho như hiện tại.

Hòa mình vào giữa khu vườn xanh mát với những chùm nho căng mọng, chín ngọt và ngắm nhìn những chú cừu thong dong gặm cỏ chắc chắn sẽ là một trải nghiệm vô cùng thú vị đối với nhiều người.

"Song song với việc mở cửa cho du khách tham quan, hái nho tại vườn, tôi đã triển khai phân phối nho đến với những cửa hàng trái cây trên địa bàn. Đồng thời, tôi đang trồng thử nghiệm thêm một số giống nho khác để có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng đa dạng của khách hàng", anh Dương cho biết.

Xem thêm
Nuôi ngựa bạch dưới tán rừng

Chăn nuôi ngựa bạch theo hướng hàng hóa dưới tán rừng mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho lao động tại địa phương, nâng cao đời sống người dân.

Khống chế được dịch bệnh, người chăn nuôi yên tâm tái đàn

Nhờ ngành chức năng Bình Định khống chế được dịch bệnh cộng giá heo tăng nên người chăn nuôi ở địa phương miền Trung này yên tâm tái đàn.

Nghiên cứu hệ thống đo phát thải CO2 và CH4 từ cây lúa

CẦN THƠ EcoTraceTech - Hệ thống đo phát thải CO2, CH4 từ cây lúa là ý tưởng khởi nghiệp của nhóm sinh viên Đại học Cần Thơ.