| Hotline: 0983.970.780

Cây dược liệu: Lựa chọn tốt cho kinh tế dưới tán rừng

Thứ Tư 23/02/2022 , 08:37 (GMT+7)

ĐỒNG NAI Với diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất rất lớn, Đồng Nai đang tìm nhiều hướng đi nhằm khai thác kinh tế dưới tán rừng, đặc biệt là triển vọng cây dược liệu.

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Với tổng diện tích rừng hơn 172 ngàn ha, gồm 123,7 ngàn ha rừng tự nhiên, 49 ngàn ha rừng trồng, Đồng Nai là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất trong khu vực Nam bộ. Hiện, tỉnh này vẫn đang thực hiện chủ trương đóng tất cả các loại rừng tự nhiên. Với rừng phòng hộ và rừng sản xuất, tỉnh đặt ra nhiều giải pháp để khai thác tiềm năng phát triển kinh tế dưới tán rừng.

Ngành lâm nghiệp Đồng Nai đang tích cực tìm kiếm, áp dụng nhiều mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng. Ảnh: Minh Sáng.

Ngành lâm nghiệp Đồng Nai đang tích cực tìm kiếm, áp dụng nhiều mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng. Ảnh: Minh Sáng.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, tỉnh hiện có khoảng 100 ha rừng phòng hộ đặc dụng vẫn còn bỏ ngỏ tiềm năng phát triển kinh tế dưới tán rừng. “Kho báu” này nhiều năm qua vẫn được tỉnh nỗ lực giữ gìn và phát triển; đồng thời tìm mọi giải pháp để cân bằng, hài hòa giữa khai thác kinh tế từ rừng và chung tay bảo vệ môi trường. Để làm được điều này, tư duy phát triển kinh tế dưới tán rừng một cách lâu dài, bền vững, nhân văn đã được tỉnh Đồng Nai đặt ra.

Ông Lê Văn Gọi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết: Ngành lâm nghiệp tỉnh đang tích cực tìm kiếm, áp dụng nhiều mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng nhằm mang lại nhiều lợi ích thiết thực về kinh tế, môi trường, giúp công tác quản lý, phát triển rừng bền vững hơn. Theo ông Gọi, gần đây Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã đăng ký với Sở KH-CN thực hiện đề tài xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây mật nhân và đã được xét duyệt thông qua. Đơn vị này đang triển khai thực hiện, dự kiến đến cuối năm 2025 sẽ hoàn thành.

“Lâu nay, chúng ta đã làm được nhiệm vụ bảo vệ nguồn nước của rừng, tiềm năng phát triển kinh tế dưới tán rừng còn rất lớn bị bỏ ngỏ dù nhiều hộ dân đã trồng cây dược liệu dưới tán rừng, nhưng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao.

Người làm nghề rừng vẫn còn lúng túng trong việc tìm ra giải pháp phát triển kinh tế rừng. Mô hình hợp tác dùng cây gỗ keo lai sạch để trồng nấm linh chi dưới tán rừng là giải pháp đa dạng hóa sản phẩm về rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển rừng bền vững”, ông Lê Văn Gọi, nhấn mạnh.

Một số mô hình kết hợp trồng nấm linh chi dưới tán rừng đã cho hiệu quả rất tốt tại Đồng Nai. Ảnh: Minh Sáng.

Một số mô hình kết hợp trồng nấm linh chi dưới tán rừng đã cho hiệu quả rất tốt tại Đồng Nai. Ảnh: Minh Sáng.

Thời gian qua, một số mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng cũng được người dân triển khai như: Trồng vối, đinh lăng, bạc hà, nghệ vàng… dưới tán rừng. Một số nơi cũng bắt đầu thiết kế và khai thác được các hình thức du lịch đặc thù, hấp dẫn nhờ những lợi thế sẵn có của rừng.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Xuân Lộc đã tổ chức trồng thí điểm 3 mô hình, bước đầu cho kết quả tốt như: Trồng điều và cây dược liệu quế, bình vôi, đinh lăng, sả kết hợp trồng bổ sung cây lâm nghiệp như sao, dầu; trồng điều, rau rừng kết hợp trồng bổ sung cây lâm nghiệp và mô hình trồng điều, chuối rừng kết hợp trồng bổ sung cây lâm nghiệp. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế dưới tán rừng vẫn chưa thu hút được chủ rừng và người trồng rừng quan tâm do còn nhiều khó khăn như: Chưa có mô hình phù hợp với điều kiện cây trồng tại địa phương; thiếu nguồn nước tưới; chi phí đầu tư để sản xuất cao, đầu ra của sản phẩm chưa ổn định…

Thực tế, phát triển kinh tế dưới tán rừng đã được Chính phủ, Bộ NN-PTNT cùng các địa phương có diện tích rừng lớn nghiên cứu và áp dụng từ khá lâu. Tùy theo đặc thù của từng địa phương, từng loại rừng, kinh tế dưới tán rừng có thể khai thác mạnh ở các ngành khác nhau như du lịch, chăn nuôi, trồng và sản xuất dược liệu… Tuy nhiên, tất cả đều phải thực hiện dựa trên tư duy giữ gìn diện tích rừng, khai thác có hiệu quả nguồn lâm sản, trồng và phát triển thêm nhiều diện tích rừng “để dành” cho tương lai…

Đồng Nai đang xây dựng nhiều mô hình kinh tế dưới tán rừng, đa dạng hóa sinh kế cho người dân. Ảnh: Minh Sáng.

Đồng Nai đang xây dựng nhiều mô hình kinh tế dưới tán rừng, đa dạng hóa sinh kế cho người dân. Ảnh: Minh Sáng.

Nhiều năm qua, việc phát triển kinh tế dưới tán rừng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, chưa thu hút được chủ rừng và người trồng rừng quan tâm. Nguyên nhân, do còn nhiều thách thức; thiếu mô hình phù hợp, thiếu nguồn nước tưới, chi phí đầu tư cao, đầu ra sản phẩm chưa ổn định, chưa có các chính sách hỗ trợ các hoạt động kinh tế đặc thù này… Chính vì vậy, để giữ gìn và phát triển kinh tế rừng bền vững, cần phát triển, khai thác rừng theo hướng đa chức năng, đa giá trị, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng tiểu vùng, từng địa phương.

Hợp tác với doanh nghiệp

Theo Ban quản lý (BQL) Rừng phòng hộ Xuân Lộc (Đồng Nai), đơn vị được giao quản lý hơn 10 ngàn ha đất rừng và đất lâm nghiệp, chủ yếu là rừng trồng. Đến nay, BQL đã tiến hành giao khoán cho hơn 2.200 hộ dân trên địa bàn huyện Xuân Lộc với hơn 7.000 ha rừng, trong đó có một phần diện tích rừng keo lai cùng trồng và khai thác. Giá trị kinh tế thu trên diện tích đất rừng thời gian qua còn thấp, bình quân chỉ thu được khoảng 20 - 25 triệu đồng/ha/năm.

BQL Rừng phòng hộ Xuân Lộc tích cực áp dụng nhiều mô hình nhằm vừa đảm bảo đúng mục đích sử dụng đất, vừa tăng nguồn thu cho người trồng rừng. Ảnh: Minh Sáng.

BQL Rừng phòng hộ Xuân Lộc tích cực áp dụng nhiều mô hình nhằm vừa đảm bảo đúng mục đích sử dụng đất, vừa tăng nguồn thu cho người trồng rừng. Ảnh: Minh Sáng.

Đây là bài toán nan giải mà nhiều năm qua, BQL Rừng phòng hộ Xuân Lộc đã tích cực tìm kiếm, áp dụng nhiều mô hình nhằm vừa đảm bảo đúng mục đích sử dụng đất, đảm bảo vấn đề môi trường, vừa tăng nguồn thu, ổn định cuộc sống cho người trồng rừng nhưng chưa mang lại kết quả như mong muốn.

Ông Hoàng Đình Long, Giám đốc BQL Rừng phòng hộ Xuân Lộc cho biết: BQL vừa tiến hành ký hợp tác trồng nấm thảo dược dưới tán rừng với Công ty TNHH Hệ sinh thái THE VOS (tỉnh Đồng Tháp) nhằm tạo sinh kế cho người dân theo đúng quy định của nhà nước, vừa với tinh thần hợp tác hai bên cùng có lợi. Việc hợp tác trồng nấm thảo dược dưới tán rừng sẽ chỉ sử dụng phần đất dưới tán rừng, không sử dụng quỹ đất khác.

Theo ông Long, trước mắt BQL đã tổ chức triển khai trên diện tích rừng keo lai tập trung do BQL trực tiếp sản xuất. Kết quả trồng thử nghiệm nấm linh chi dưới tán rừng tại địa phương bước đầu cho thấy rất hiệu quả, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết tại địa phương; tận dụng nguồn đất rừng trồng vốn có; chi phí đầu tư thấp nhưng tạo ra sản phẩm có giá trị cao cho thị trường. Đồng thời tăng thêm nguồn thu cho người trồng rừng, giảm chi phí chăm sóc rừng, tạo việc làm cho lao động tại chỗ…

Kết quả trồng thử nghiệm nấm linh chi dưới tán rừng bước đầu cho thấy rất hiệu quả, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết tại địa phương. Ảnh: Minh Sáng.

Kết quả trồng thử nghiệm nấm linh chi dưới tán rừng bước đầu cho thấy rất hiệu quả, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết tại địa phương. Ảnh: Minh Sáng.

Cụ thể, Công ty THE VOS sẽ hợp tác với BQL Rừng phòng hộ Xuân Lộc triển khai đầu tư dự án trồng nấm linh chi dưới tán rừng keo lai với quy mô ban đầu khoảng 230 ha. Các hộ dân tham gia chương trình sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ về giống nấm, chuyển giao kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm… Dự kiến, doanh thu từ nấm linh chi trồng dưới tán rừng trong 8 tháng đạt khoảng 200 triệu đồng/ha, lợi nhuận 70 triệu đồng/ha, giải được bài toán sinh kế cho người trồng rừng và mang lại nhiều lợi ích thiết thực về kinh tế, môi trường, giúp công tác quản lý, phát triển rừng bền vững hơn.

“Sau khi có kết quả bước đầu, BQL sẽ mời các hộ dân đến tham quan, thấy được những hiệu quả, sau đó sẽ triển khai nhân rộng ra ở những khu vực mà người dân nhận khoán nhằm giúp người trồng rừng có thêm thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống”, ông Long chia sẻ.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lâm nông nghiệp vi sinh VOS HARVEST, ông Trần Thanh Sang, kiêm Giám đốc Phát triển dự án của Công ty TNHH Hệ sinh thái THE VOS cho biết: “Chúng tôi đã triển khai mô hình trồng nấm linh chi dưới tán rừng ở nhiều tỉnh, thành đạt hiệu quả tốt và cho năng suất hơn hẳn so với cách trồng truyền thống. Đặc biệt, nấm linh chi trồng dưới tán rừng của doanh nghiệp chúng tôi đã được cấp giấy chứng nhận cho ra dược liệu cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với nấm linh chi cùng loại ở một số nước trên thế giới”.

Nấm linh chi được doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Ảnh: Minh Sáng.

Nấm linh chi được doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Ảnh: Minh Sáng.

Theo ông Sang, thực tế cho thấy rừng trồng ở Việt Nam, cụ thể là với cây keo lai gọi là “cây xóa đói giảm nghèo” nên có tình trạng trồng đến năm thứ 5 là đã khai thác. Khi khai thác cây rừng quá sớm, chỉ là bán theo dạng củi, thường có giá khá thấp, nhưng nếu để lại đến năm thứ 8 mới khai thác thì bán với giá gỗ khối sẽ tăng lên gấp 3 lần.

Ý nghĩa lớn nhất của mô hình trồng linh chi dưới tán rừng giúp người trồng rừng có thêm thu nhập để giữ rừng lâu năm hơn. “Nấm linh chi trồng dưới tán rừng sẽ được doanh nghiệp chúng tôi thu mua và xuất khẩu đi Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới. Mục tiêu của dự án sẽ mở rộng cho người dân trồng rừng. Doanh nghiệp cũng sẽ cung cấp nguồn giống, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ trồng và bao tiêu sản phẩm cho người trồng”, ông Sang cho biết.  

“Chúng tôi mong muốn hợp tác triển khai mô hình trồng thảo dược nấm linh chi dưới tán rừng, góp phần thực hiện công tác bảo tồn; đồng thời tạo ra sản phẩm mang lại sức khỏe cho người dân. Điều mong muốn nhất của doanh nghiệp là người dân, người trồng rừng sẽ có thu hoạch ít nhất 200 triệu đồng/ha/năm. Chúng tôi hi vọng về lâu dài, Việt Nam sẽ không còn là nước chủ yếu xuất khẩu gỗ băm mà hướng đến phát triển mô hình trồng rừng gỗ lớn, xuất khẩu gỗ có giá trị cao”, TS Lê Hoàng Thế, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hệ sinh thái THE VOS nói.

Xem thêm
Nghệ An thực hiện tốt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững

Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tạo chuyển biến căn cơ trên địa bàn Nghệ An, tỉnh này triển khai thực sự hiệu quả thông qua tỷ lệ giải ngân 100%.

Quảng Bình phạt 2,8 tỷ đồng từ các vụ vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp

Trong quý I/2024, lực lượng kiểm lâm Quảng Bình dự kiến nộp 2,8 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước từ 272 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.