| Hotline: 0983.970.780

Tương lai ngành lâm nghiệp là dịch vụ từ rừng và lâm sản ngoài gỗ

Thứ Năm 05/11/2020 , 19:09 (GMT+7)

Ngày 5/11 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội thảo tham vấn chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn đặc biệt nhấn mạnh vai trò của xã hội hóa và dịch vụ môi trường rừng trong giai đoạn tiếp theo của ngành lâm nghiệp. Ảnh: Nguyên Huân.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn đặc biệt nhấn mạnh vai trò của xã hội hóa và dịch vụ môi trường rừng trong giai đoạn tiếp theo của ngành lâm nghiệp. Ảnh: Nguyên Huân.

Nội dung chiến lược giai đoạn 2021 - 2030 

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển, tới nay ngành lâm nghiệp đã trải qua 3 giai đoạn phát triển, trong đó giai đoạn 1 từ 2006 - 2010 là chương trình chương trình trồng rừng 661, giai đoạn 2 từ 2011 - 2015 bảo vệ và phát triển rừng và giai đoạn 3 từ 2016 - 2020 phát triển ngành ngành lâm nghiệp bền vững.

Trên cơ sở bài học, kết quả đạt được trong 15 năm qua của ngành lâm nghiệp, ông Điển chia sẻ, có 8 nội dung cơ bản trong đề án chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Đầu tiền, phải đặt ngành lâm nghiệp trong bối cảnh Việt Nam đang trong giai đoạn chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Tiếp đến là xu thế lâm nghiệp thế giới là tạo ra những sản phẩm mới từ rừng, các sản phẩm sinh học, các sản phẩm gắn với y tế và dược, các sản phẩm các-bon từ rừng.

Trong giai đoạn tới, Việt Nam cần phải xác định và thừa nhận rừng là tài nguyên, nhưng là tài nguyên tái tạo có giới hạn, có điều kiện, để vừa bảo vệ vừa để phát triển. Ngành lâm nghiệp cũng cần đặt trong công cuộc chuyển đổi số và thước đo mới là giá trị gia tăng từ rừng thay vì chỉ những số liệu xuất khẩu đơn thuần.

Cụ thể, đến năm 2025 ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu lao động trong ngành được đào tạo 40% và 2030 là 45%. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trung bình 5 - 5,5%/năm. Xuất khẩu lâm sản đạt 18 - 20 tỷ USD năm 2025 và 23 - 25 tỷ USD năm 2030. Thu dịch vụ môi trường rừng 3.500 tỷ đồng năm 2025 và trên 4.000 tỷ đồng năm 2030. Cấp chứng chỉ quản lý bảo vệ rừng 0,5 triệu ha năm 2025, 1 triệu ha năm 2030 và tỷ lệ che phủ rừng 42 - 43%.

Mục tiêu tầm nhìn đến năm 2050 xây dựng ngành lâm nghiệp Việt Nam thực sự trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và sáng tạo, có vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

GS.TS Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp trình bày dự thảo chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Ảnh: Nguyên Huân.

GS.TS Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp trình bày dự thảo chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Ảnh: Nguyên Huân.

Xã hội hóa và dịch vụ từ rừng

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh, đường lối đổi mới nhất quán trong phát triển lâm nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn 2006 - 2020 và giai đoạn tiếp theo vẫn là xã hội hóa, giao đất, giao rừng để rừng phải thực sự có chủ, có người quản lý, người chịu trách nhiệm.

Thứ hai, ngành lâm nghiệp phải xác định là một ngành kinh tế xã hội, phải luôn tuân thủ và vận hành theo cơ chế thị trường, hài hòa thông lệ, luật pháp quốc tế. Chính việc tuân thủ nền kinh tế thị trường và luật pháp quốc tế là nền tảng quan trọng cho tốc độ tăng trưởng nhanh vượt bậc của ngành lâm nghiệp thời gian qua.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Hà Công Tuấn lưu ý, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhiền lần nhấn mạnh, Việt Nam không đánh đổi môi trường lấy mục tiêu tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá. Do đó, quan điểm nhất quán là từ nay đến ít nhất năm 2030 không khai thác gỗ rừng tự nhiên và quản lý chặt việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cho các dự án kinh tế, nhất là các dự án thủy điện.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, trên cơ sở những thắng lợi đầu tiên trong việc triển khai được chính sách, cơ chế dịch vụ môi trường rừng, điển hình như lần đầu tiên bán được tín chỉ các-bon CO2 cho quốc tế tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, ngành lâm nghiệp cần coi đây là một tiêu chính, quan trọng để phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo bởi tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam về cơ bản cũng đã đến giới hạn. Bên cạnh bán tín chỉ cho các tổ chức quốc tế, tới đây cần triển khai thí điểm bán tín chỉ CO2 nội địa tại Việt Nam.

Hội thảo tham vấn chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 có sự tham gia của hàng trăm đại biểu trong và ngoài nước. Ảnh: Nguyên Huân.

Hội thảo tham vấn chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 có sự tham gia của hàng trăm đại biểu trong và ngoài nước. Ảnh: Nguyên Huân.

Một nhiệm vụ mà ngành lâm nghiệp trong giai đoạn 2006 - 2020 chưa hoàn thành cũng được Thứ trưởng Hà Công Tuấn đặc biệt lưu ý đó là việc triển khai cấp chứng chỉ rừng để quản lý nguồn gỗ hợp pháp, bởi nếu Việt Nam không thực hiện tốt công việc này thì chắc chắn vừa qua chúng ta không thể hoàn thành được việc ký kết Hiệp định VPA/FLEGT với Liên minh châu Âu.

Trong các đề án phát triển của ngành lâm nghiệp từ trước đến nay theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn luôn có chính sách, cơ chế gắn với an sinh xã hội với người trồng rừng. Lâm nghiệp là cây dài ngày, có loại cây còn dài hơn vòng đời của con người nên lâm nghiệp không thể đòi hỏi có kết quả ngay như nhiều lĩnh vực khác. Do đó, chúng ta cũng phải tính tới các phương án tự nhiên hóa rừng trồng mà Nhật Bản đang triển khai hiện nay.

"Ngành lâm nghiệp cần tập trung tìm nguồn lực phát triển mạnh dịch vụ môi trường rừng bởi dư địa còn rất lớn, bên cạnh đó lâm sản ngoài gỗ cần có vị trí vai trò xác đáng hơn. Tôi lấy ví dụ như chúng ta chỉ cần vài loại cây như sâm Ngọc Linh cần gì phải khai thác gỗ nữa.

Để hiện thực hóa được mục tiêu chiến lược này đương nhiên khoa học công nghệ, trước mắt là giống, thâm canh, chế biến cũng là lĩnh vực quan trọng không thể thiếu trong giai đoạn tới của ngành lâm nghiệp", Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn kết luận.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.