| Hotline: 0983.970.780

Cây gai xanh giúp nhiều nông dân Thanh Hóa đổi đời

Chủ Nhật 30/04/2023 , 07:18 (GMT+7)

'Các anh có giỏi thì làm trước đi cho dân học tập. Dân lấy đâu ra tiền để trồng. Dự án thất bại cán bộ có đền cho dân không?', người dân từng đặt vấn đề.

Lời đó của một người dân có tiếng nói trong xã cứ ám ảnh mãi vị cán bộ xã Cẩm Tú ngày nào để rồi hôm nay gai xanh đang trở thành cây trồng chủ lực, đem lại thu nhập cao cho bà con nông dân tại huyện miền núi Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.

Trồng cây 1 lần thu hoạch 10 năm

Cách đây vài năm, cán bộ Nguyễn Văn Loan được lãnh đạo xã Cẩm Tú (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) giao nhiệm vụ đến từng hộ dân trong xã để vận động chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh. 

Nhiệm vụ nặng nề, nên áp lực lộ rõ trên khuôn mặt của vị cán bộ nông nghiệp xã. Thời điểm đó, người dân xã Cẩm Tú chưa từng nghe đến cây gai xanh, nên chả ai dám mạo hiểm thay đổi cây trồng.

Có lần đi vận động, cán bộ Loan bị người dân nói một tràng: “Các anh có giỏi thì làm trước đi cho dân học tập. Dân lấy đâu ra tiền mà mua giống với phân bón để trồng cây. Nếu dự án thất bại thì cán bộ có đền cho dân không?”. Nghe  xong cán bộ Loan lẳng lặng ra về và tỏ vẻ bất lực trước sự kiên quyết của người dân địa phương.

Cán bộ Nguyễn Văn Loan kiểm tra sự phát triển của cây gai xanh. Ảnh: Quốc Toản.

Cán bộ Nguyễn Văn Loan kiểm tra sự phát triển của cây gai xanh. Ảnh: Quốc Toản.

Nhận thấy chỉ vận động bằng miệng thôi chưa đủ, lãnh đạo xã Cẩm Tú họp bàn và đi đến thống nhất, tổ chức hội thảo, hội nghị đầu bờ có sự tham gia của doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và người dân trong xã.

“Dù được giải thích rất cặn kẽ về quy trình, kỹ thuật chăm sóc và hiệu quả mang lại từ cây gai xanh nhưng người dân vẫn không tin. Có người lo lắng rằng, nếu sản phẩm cây gai xanh không được bao tiêu thì người nông dân sẽ đi về đâu? Chỉ đến khi đại diện công ty An Phước khẳng định và cam kết đồng hành với người trồng gai và giúp nông dân đảm bảo đầu ra cho cây gai xanh thì họ mới cảm thấy yên tâm.

Năm 2017 xã Cẩm Tú mới có 4 hộ đăng ký tham gia mô hình trồng cây gai xanh. Đến nay, toàn xã đã có hơn 30 hộ trồng, với diện tích gần 100ha. Cây gai xanh sau nhiều năm đã trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều nông hộ”, ông Nguyễn Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Tú cho biết. 

Đến nay, diện tích trồng cây gai xanh tại xã Cẩm Tú đã đạt gần 100ha. Ảnh: Quốc Toản.

Đến nay, diện tích trồng cây gai xanh tại xã Cẩm Tú đã đạt gần 100ha. Ảnh: Quốc Toản.

Nhờ chuyển đổi từ cây sắn, cây mía sang trồng cây gai xanh, những người nông dân một nắng hai sương, ở xã miền núi Cẩm Tú đã có cuộc sống đủ đầy hơn.

Tại thôn Cẩm Hoa, xã Cẩm Tú, bà Phạm Thị Thanh là một trong số hộ dân tiên phong trồng gai xanh. Sau nhiều năm trồng mía không đem lại hiệu quả như kỳ vọng, bà Thanh quyết định chuyển đổi sang trồng cây gai. Năm 2018, bà Thanh trồng thử nghiệm cây gai xanh trên diện tích 1ha và được doanh nghiệp chế biến bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Năm đó, số tiền thu được từ việc bán cây gai giúp bà có kinh phí trang trải tiền mua cây giống, phân bón và tiền lương lao động.

Bà Phạm Thị Thanh là một trong số hộ dân tiên phong trồng gai xanh tại xã Cẩm Tú. Ảnh: Tùng Đinh.

Bà Phạm Thị Thanh là một trong số hộ dân tiên phong trồng gai xanh tại xã Cẩm Tú. Ảnh: Tùng Đinh.

Từ năm thứ 2 trở đi, bà Thanh nhận thấy cây gai xanh có đầu ra và thu nhập ổn định nên đã mở rộng diện tích trồng gai lên hơn 19ha. Ước tính, sản lượng gai xanh của gia đình bà đạt khoảng 40 tấn/năm. Sau khi trừ chi phí, cây trồng này đem lại thu nhập cho gia đình bà khoảng hơn 1 tỷ đồng/năm. 

“Trồng cây gai cho thu nhập tốt hơn nhiều so với cây trồng khác. Người nông dân chỉ cần trồng 1 lần có thể thu hoạch trong vòng 10 năm. Gai xanh là cây trồng dễ phát triển, ít tốn công lao động.

Cây gai sau trồng từ 90 - 100 ngày sẽ cho thu hoạch lần đầu, sau đó từ 40 - 45 ngày cho thu hoạch lứa tiếp theo. Mỗi năm người dân có thể thu hoạch 4 vụ tùy theo cách chăm bón và thời tiết.

Toàn bộ các sản phẩm từ cây gai đều được tận dụng sau khai thác. Vỏ cây gai được dùng làm nguyên liệu sản xuất vải, lá cây có thể làm bánh gai, thân có thể làm nấm, mộc nhĩ, phân vi sinh… Riêng lá gai xanh bán thương phẩm để làm bánh gai cũng cho thu nhập khoảng 40 triệu/năm”, bà Thanh chia sẻ.

Hình thành vùng nguyên liệu tập trung gắn với công nghiệp chế biến

Xã Cẩm Tú có diện tích trồng cây gai xanh lớn nhất huyện Cẩm thủy với gần 100ha. Đây cũng là địa phương đi đầu của huyện trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại hiệu quả và thu nhập cho bà con. 

Xã Cẩm Tú được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015 và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Xã phấn đấu, đến năm 2025,  ít nhất có 6/8 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu; có 1 thôn đạt thôn NTM thông minh; Hoàn thành 8/8 tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Nguyễn Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Tú cho biết, cây gai xanh đang phát huy giá trị kinh tế tại địa phương góp phần quan trọng vào việc tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng trên địa bàn xã. 

“Cây gai xanh góp phần hình thành các mô hình sản xuất lớn, có hiệu quả, cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt khoảng 30 triệu đồng/năm. Đến nay, 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 54,9 triệu đồng/năm. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm còn 0,61%. Hộ cận nghèo còn 2,7%.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và vận hành Nhà máy sản xuất sợi dệt An Phước đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho hơn 200 lao động tại địa phương có thu nhập khá và ổn định...”, ông Phương chia sẻ.

Ông Lê Văn Trung, Bí thư Huyện ủy Cẩm Thủy cho biết, với thổ nhưỡng phù hợp, đầu ra cho cây gai ổn định, đảm bảo là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục mở rộng diện tích gai trên địa bàn huyện trong những năm tới.

Xã Cẩm Tú vừa tổ chức hội nghị công bố quyết định xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022. Ảnh: Quốc Toản.

Xã Cẩm Tú vừa tổ chức hội nghị công bố quyết định xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022. Ảnh: Quốc Toản.

“Huyện Cẩm Thủy có diện tích trồng gai lớn nhất tỉnh với gần 500ha. Quý I/2023, giá trị xuất khẩu cây gai xanh của nhà máy sản xuất sợi dệt An Phước đạt khoảng 1,2 triệu USD. Việc nhà máy đi vào hoạt động khá hiệu quả đã và đang đồng hành cùng người dân liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo niềm tin cho người trồng cây gai xanh.

Hiện nay, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức sản xuất gai xanh với quy mô khá lớn và mang lại hiệu quả tương đối cao. Cây gai xanh đang giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống.

Việc phát triển cây gai xanh trên địa bàn huyện là hướng đi mới mang tính bền vững trong nông nghiệp, là góp phần thay đổi diện mạo nông thôn là cơ sở quan trọng để huyện Cẩm Thủy hoàn thành chương trình xây dựng huyện nông thôn mới vào năm 2025 ”, ông Lê Văn Trung, Bí thư Huyện ủy Cẩm Thủy chia sẻ.

Cây gai xanh trở thành cây trồng chủ lực tại huyện miền núi Cẩm Thủy. Ảnh: Tùng Đinh.

Cây gai xanh trở thành cây trồng chủ lực tại huyện miền núi Cẩm Thủy. Ảnh: Tùng Đinh.

Xác định cây gai xanh có tiềm năng, dư địa phát triển, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhằm khuyến khích phát triển mở rộng diện tích cây gai xanh làm nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy sản xuất sợi dệt An Phước, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là các huyện miền núi của tỉnh.

Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân thuộc phạm vi Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ nhà máy sản xuất sợi gai An Phước sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng/1 ha để chuyển đổi từ trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh nguyên liệu; hỗ trợ 50% chi phí mua giống cây gai xanh; hỗ trợ chi phí mua máy tước vỏ cây gai xanh với mức 5 triệu đồng/máy. Mức hỗ trợ sẽ được áp dụng với từng đối tượng cụ thể và theo quy mô diện tích khác nhau. 

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Thanh Hóa, đến hết năm 2022, diện tích cây gai xanh tại tỉnh Thanh Hóa đạt 930ha, trong đó 460ha gai lưu gốc từ năm 2021 (tăng 780ha so với năm 2020), đạt 14,3% KH, sản lượng 93 nghìn tấn gai tươi/năm, tương ứng 1.400 tấn (tăng 78 nghìn tấn so với năm 2020) đạt 13,3% kế hoạch, tập trung tại các huyện Cẩm Thủy, Thạch Thành, Bá Thước… Có 100% diện tích trồng cây gai xanh được doanh nghiệp liên kết với các hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, thu mua nguyên liệu và chế biến. 

Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu trồng cây gai xanh đến năm 2025 là 6.457ha, năng suất bình quân 110 tấn gai tươi/ha/năm, tổng sản lượng 700.000 tấn gai tươi/năm.

Cũng theo Sở NN-PTNT Thanh Hóa, hiệu quả sản xuất cây gai xanh so với một số cây trồng khác đạt cao hơn. So với mía tăng từ 25 triệu đồng/ năm trở lên; so với keo tăng từ 25 triệu đồng/ha/năm trở lên; so với sắn tăng từ 30 triệu đồng/ ha/ năm trở lên...

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.