| Hotline: 0983.970.780

Cây luồng chưa tương xứng với tiềm năng

Thứ Tư 14/03/2018 , 10:10 (GMT+7)

Luồng là cây lâm nghiệp bản địa truyền thống, gắn bó mật thiết bao đời nay với đồng bào các dân tộc miền núi xứ Thanh. 

09-21-47_1
Diện tích rừng luồng của Thanh Hóa lớn nhất cả nước

Tài nguyên rừng của Thanh Hoá rất đa dạng, phong phú. Bên cạnh những loài quý hiếm nằm trong sách đỏ như sến mật, kim giao, cốt toái bổ, cù hương, đinh hương, lim xanh, trai lý, hoằng đằng… còn có nhiều cây lấy gỗ thông dụng giá trị kinh tế cao, trong đó cây luồng đứng hàng đầu.

Qua rà soát cho thấy, Thanh Hóa hiện là địa phương có diện tích trồng luồng lớn nhất Việt Nam với quy mô lên đến 71.000ha.

Cây luồng có thể dùng làm vật liệu xây dựng, làm ván ép, ván dăm, làm tăm mành, đũa xuất khẩu, làm đồ trang trí mỹ nghệ, làm nguyên liệu cho sản xuất giấy, ngoài ra có thể tận dụng măng luồng làm thực phẩm và chiết xuất thuốc chữa bệnh.

Nói không quá, cây luồng góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, song nhìn nhận một cách khách quan thì hiệu quả kinh tế mang lại của loại cây “đa tác dụng” này chưa thật sự tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Chi cục Lâm nghiệp Thanh Hóa cho biết: “Thanh Hóa xác định luồng là 1 trong 4 sản phẩm lâm nghiệp trọng tâm trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, sản phẩm làm ra chưa đủ sức cạnh trạnh xuất khẩu, hiện tại chủ yếu tiêu thụ thị trường nội địa là chính, do đó hiệu quả kinh tế chưa được như mong đợi”.

Theo nhận định chung của các chuyên gia, luồng dễ trồng, kinh phí đầu tư không lớn nên rất phù hợp với năng lực của đồng bào dân tộc miền núi. Đặc biệt hơn, cây luồng chỉ trồng 1 lần nhưng có thể khai thác nhiều lần, chưa kể nếu chăm sóc tốt quy trình có thể kéo dài đến 40 - 50 năm. Có điều do tập quán canh tác vốn đã “ăn sâu bén rễ” nên người dân không tận dụng được lợi thế đó, cơ bản chỉ khai thác “non” mà bỏ bẵng đi nhiệm vụ chăm bẵm dẫn đến tình trạng kiệt quệ nguồn tài nguyên đất và thoái hóa giống.

09-21-47_2
Cây luồng gắn bó mật thiết với người dân vùng cao xứ Thanh

“Nhìn chung người dân chưa có ý thức thâm canh. Thông thường trồng luồng phải trên 3 năm mới đủ chu kỳ khai thác, nhưng thực tế chỉ 1 - 2 năm bà con đã "xẻ thịt" rồi. Bình quân 1ha luồng cho thu nhập khoảng 12 triệu đồng/năm, nếu áp dụng đúng quy trình hướng dẫn, đồng thời tạo được chuỗi liên kết thì giá trị có thể tăng gấp đôi trở lên”, ông Hải cho biết thêm.

Qua khảo sát tình hình thực tế, tính đến tháng 2/2016, thu nhập bình quân của người dân trồng luồng rất thấp, chỉ đạt mức 3,23 triệu đồng/người/năm, bằng 11,4% so với thu nhập chung toàn tỉnh. Bình quân trên một đơn vị diện tích trồng luồng chỉ đạt 4,11 triệu đồng/ha, bằng khoảng 22 - 27% so với trồng keo và khoảng 7% so với trồng mía. Thời điểm này, mặc dù đã có một vài chuyển biến nhất định nhưng nhìn chung vẫn rất gian nan.

Về hiện trạng, chất lượng rừng luồng ngày càng đi xuống. Thống kê cho thấy có tới 67,6% số hộ gia đình tại 5 huyện trọng điểm khẳng định luồng của họ xuất hiện dấu hiệu thoái hóa và bị sâu bệnh gây hại tấn công. Trong khi đó, mức độ quan tâm, chăm sóc rừng luồng chưa được người dân quan tâm, tỷ lệ hộ tiến hành bón phân chỉ đạt 14,1%.

Hiện diện tích trồng luồng tập trung ở 7 huyện vùng cao. Điều đáng ngại là hệ thống chế biến còn thô sơ, lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu. Đáng nói hơn, việc chưa hình thành được chuỗi giá trị liên kết chính là cơ hội để cánh thương lái được đà ép giá, thành thử người dân luôn phải chịu cảnh thiệt đơn thiệt kép. Thật khó tin khi biết rằng, toàn tỉnh mới có… 2 HTX (1 ở Bá Thước, 1 ở Quan Hóa) để làm thí điểm xây dựng mô hình chuỗi liên kết SX.

09-21-47_4
Hiện còn nhiều hộ chưa có ý thức thâm canh

Mặc dù là địa phương có diện tích trồng luồng lớn nhất cả nước nhưng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển lại hoàn toàn đối lập. Hiện mới chỉ có 4.500/71.000ha thuộc diện thâm canh được hưởng kinh phí hỗ trợ (tỉnh hỗ trợ phân bón trong 2 năm 2017 và 2018, định mức 2 triệu đồng/ha, tổng kinh phí 10 tỷ 900 triệu đồng).

Rõ ràng bài toán kinh phí thực sự là một rào cản không hề nhỏ trong kế hoạch “Xây dựng 61 vùng luồng thâm canh tập trung giai đoạn 2011 – 2020 trên địa bàn 7 huyện miền núi, quy mô diện tích gần 30.000ha” mà tỉnh Thanh Hóa đang hướng đến.

Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tạo công ăn việc làm cho 4.000 lao động tham gia lĩnh vực SX chế biến tre luồng, tăng thu nhập lên mức 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Để cụ thể hóa, địa phương xác định tập trung nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn giống luồng bản địa, hoàn thiện quy trình kỹ thuật thâm canh; có phương án tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân về kỹ thuật canh tác, chăm sóc và thu hoạch; xây dựng các mô hình nâng cao sinh kế gắn với rừng luồng để tạo động lực thúc đẩy đồng bào dân tộc gắn bó, bảo vệ và phát triển rừng…

 

Xem thêm
Vua của các loài hoa Tây Bắc hút khách miền xuôi

Qua rằm tháng Chạp, những chậu địa lan Sa Pa giá hàng chục triệu đồng đã được khách miền xuôi lên mua. Trong khi, giá hoa lan Trung Quốc tăng giá nhẹ vì thời tiết. 

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam

Vinachem vừa ban hành Quyết định số 18/QĐ-HCVN bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tập đoàn giữ chức vụ Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.