| Hotline: 0983.970.780

Cây mè giúp vùng khô hạn 'đẻ ra tiền'

Thứ Năm 06/07/2023 , 10:05 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Với khả năng chịu hạn rất tốt, cây mè (vừng) đang là sự lựa chọn mang lại lợi nhuận cao để thay thế diện tích đất lúa khó khăn về nước tưới, giá trị thấp.

Tây Sơn là huyện trung du của tỉnh Bình Định, có thời tiết, khí hậu rất khắc nghiệt, nhất là trong mùa nắng nóng. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp ở huyện Tây Sơn ngày càng bất thuận do hạn hán.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, những năm qua, Tây Sơn đã tăng diện tích trồng mè trên địa bàn, vì mè là loại cây chống chịu hạn rất tốt, ít có nhu cầu sử dụng nước tưới, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất lúa thiếu nước tưới, đất sản xuất mía, mì (sắn) kém hiệu quả.

Mô hình trồng thâm canh cây mè trên đất chuyển đổi tại thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Mô hình trồng thâm canh cây mè trên đất chuyển đổi tại thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Hiện nay trên địa bàn huyện Tây Sơn đã có 500ha mè, năng suất đạt bình quân 9 tạ/ha. Năng suất này đã tăng hơn so với những năm trước đây, tuy nhiên vẫn còn thấp do nông dân tại địa phương sử dụng giống mè cũ đã thoái hóa nên khả năng chống chịu với sâu bệnh, biến động của thời tiết kém.

Từ thực tế trên, trong năm 2023, Sở NN-PTNT Bình Định chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tây Sơn thực hiện mô hình thâm canh cây mè trên đất chuyển đổi nhằm chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân. Đồng thời đánh giá năng suất, hiệu quả kinh tế khi chuyển đổi từ cây sắn, mía, đậu đỗ sang cây trồng cạn khác tại địa phương. Mô hình được xây dựng trong vụ hè thu 2023 tại thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang (huyện Tây Sơn) với diện tích 2ha trước đây là đất trồng lúa kém hiệu quả, với 6 hộ nông dân tham gia.

Theo bà Võ Nguyễn Bích Thủy, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Bình Định, vào đầu và giữa vụ hè thu 2023, trên địa bàn xã Tây Giang có mưa giông, vào cuối vụ lại gặp nắng nóng gay gắt nên đã ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây mè. Tuy nhiên, nhờ nông dân tham gia mô hình có ý thức học hỏi kiến thức, kỹ thuật mới, áp dụng vào thực tiễn nên cây mè trong mô hình cho hiệu quả khả quan.

Thâm canh giống mè V36 cho năng suất cao nhất từ trước đến nay, đạt 65kg/sào. Ảnh: V.Đ.T.

Thâm canh giống mè V36 cho năng suất cao nhất từ trước đến nay, đạt 65kg/sào. Ảnh: V.Đ.T.

“Hiện trên địa bàn HTX nông nghiệp Thượng Giang nông dân trồng được 15ha mè, trước nay bà con hay mua giống trôi nổi nên cây mè cho năng suất thấp. Thực hiện mô hình trồng thâm canh cây mè trên đất chuyển đổi do Trung tâm Khuyến nông Bình Định triển khai, chúng tôi sử dụng giống mè V36 do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ chọn tạo cho năng suất cao nhất từ trước đến nay, đạt 65kg/sào (500m2)”, ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTX nông nghiệp Thượng Giang 1 chia sẻ.

Qua thực tế sản xuất, ông Trần Đình Thọ ghi nhận, giống mè V36 có thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ 75 ngày. Giống mè này sinh trưởng, phát triển ổn định trong điều kiện khô hạn, cây cao trung bình 1,45m, lá to, xanh bền; dạng quả dài, có 4 ngăn (4 múi), 8 hàng hạt; mỗi mắt lá có từ 2 - 4 quả.

“Các yếu tố để giống mè V36 cấu thành năng suất là nhờ có số quả chắc đạt bình quân 18 quả/cây, số hạt chắc đạt 14 hạt/hàng; trọng lượng 1.000 hạt đạt 2,8gram; năng suất thực thu ước đạt 13 tạ/ha”, ông Thọ cho hay.

Cũng theo ông Thọ, qua theo dõi tình hình sâu bệnh trên cây mè V36 trong mô hình trong vụ hè thu 2023 cho thấy, sâu bệnh hại trên giống mè V36 không đáng kể; sâu cuốn lá, sâu khoan, rầy, rệp chỉ gây hại rải rác. Đối với bệnh hại, chỉ xảy ra bệnh lở cổ rễ, bệnh đốm lá nhưng nhờ nông dân chăm sóc và phòng trừ kịp thời nên ít ảnh hưởng đến năng suất.

Bà Võ Nguyễn Bích Thủy, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Bình Định thăm mô hình trồng thâm canh cây mè trên đất chuyển đổi tại thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Bà Võ Nguyễn Bích Thủy, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Bình Định thăm mô hình trồng thâm canh cây mè trên đất chuyển đổi tại thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

“Chi phí đầu tư trồng mè V36 là hơn 2,1 triệu đồng/sào, còn đối với ruộng trồng mì có mức đầu tư là hơn 1,7 triệu đồng/sào. Năng suất cây mè đạt 65kg/sào, giá bán hiện nay tại ruộng từ 45.000 - 48.000 đồng/kg. Trong khi đó cây mì trồng trên cùng chân đất cho năng suất đạt 1.200kg/sào, giá bán chỉ 2.100 đồng/kg nên lợi nhuận ruộng trong mô hình trồng mè đạt cao hơn so với trồng mì là 768.000 đồng/sào. Thu nhập mô hình trồng mè là hơn 2,3 triệu đồng/sào, cao hơn so với ruộng ngoài mô hình trồng mì là hơn 1,5 triệu đồng/sào”, ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTX nông nghiệp Thượng Giang 1 tính toán chi li.

“Giống mè V36 là giống ngắn ngày, có thời gian sinh trưởng trong vụ hè thu 2023 trên đất Tây Giang khoảng 75 ngày, phù hợp cho bố trí cơ cấu luân canh cây trồng 3 vụ/năm. Giống có khả năng chịu nắng nóng, chịu sâu bệnh khá, chống đổ ngã tốt.

Trên cùng chân đất, nếu thực hiện luân canh cây trồng ngắn ngày theo công thức lạc - mè - bắp (ngô)/năm sẽ cho hiệu quả kinh tế rất cao. Trong khi nếu chỉ trồng mì thì chỉ trồng được 1 loại cây/năm nên hiệu quả sản xuất thấp, đất nhanh bạc màu và áp lực sâu bệnh sẽ cao”, ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTX nông nghiệp Thượng Giang phân tích.

Xem thêm
Bò dự án lăn đùng ra chết, nhà thầu không cấp bù

Bò dự án cấp chưa đầy 1 tháng thì lăn đùng ra chết. Người dân không biết đi đòi ai trong khi địa phương cũng không có phản ứng gì với nhà thầu.

Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo khẩn

BẮC KẠN Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng tại tất cả các huyện, thành phố, UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo khẩn thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch.

Lớp tập huấn đầu tiên về quy trình canh tác lúa giảm phát thải

SÓC TRĂNG Từ ngày 17 – 23/5, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tập huấn quy trình canh tác lúa tiên tiến tại 5 địa phương thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.