| Hotline: 0983.970.780

Cấy nếp Cô Tiền, tiền vào đầy cót

Thứ Sáu 17/11/2023 , 15:51 (GMT+7)

THÁI BÌNH Niềm vui được mùa lúa nếp Cô Tiên tràn về trên từng cánh đồng ở thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Mưa bão gió to, không lo lúa đổ

Về khu vực thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương (Thái Bình), những cánh đồng ở đây bát ngát lúa nếp. "Nông dân ở đây thấy giống nếp Cô Tiên không tốn nhiều công chăm sóc mà vẫn lãi cao nên cứ thế mở rộng dần diện tích, chứ chẳng tính toán gì nhiều”, anh Hà, một nông dân tại thị trấn Thanh Nê bảo vậy.

Giống nếp Cô Tiên chín vàng trên đồng đất quê hương năm tấn.  Ảnh: Lâm Hùng.

Giống nếp Cô Tiên chín vàng trên đồng đất quê hương năm tấn.  Ảnh: Lâm Hùng.

Trước đây, anh Hà cũng như nhiều bà con thường cấy giống lúa địa phương nên giá bán thấp. Thời tiết mấy năm trở lại đây không được thuận lợi, mất mùa là chuyện mà bà con ở đây đã quá quen thuộc.

Sau vụ đầu tiên và trồng thử giống nếp Cô Tiên, anh Hà đã nhận thấy sự khác biệt lớn từ năng suất đến giá bán.

Theo kinh nghiệm đồng ruộng của anh Hà, giống nếp Cô Tiên có khả năng chống chịu cực tốt, nhất là chịu rét, chịu hạn vô địch. Vụ xuân 2023 rét kéo dài hơn mọi năm nhưng nếp Cô Tiên vẫn đẻ nhánh khỏe, nhiều bông trên khóm, nhìn rất đã mắt.

Trong quá trình sinh trưởng, giống nếp Cô Tiên ít bệnh, chỉ phải phun thuốc lúc lúa đẻ nhánh, làm đòng một đôi lần để trừ rầy, đạo ôn. Sau khi lúa trỗ 5 ngày thì bón bổ sung kali để cây trỗ đều, chống lép hạt.

Theo tính toán của anh Hà, chi phí chăm sóc giống nếp Cô Tiên thấp hơn 20 - 30% so với trồng các giống khác mà hiệu quả lại cao hơn. Vì vậy, anh Hà nói vui: “Nếp Cô Tiên tuy xinh đẹp như tiên, nhưng là con nhà nghèo, dễ ăn, dễ nuôi”.

“Vụ đầu tiên tôi thu được 2,5 - 2,6 tạ/sào (360m2). Giá lúa hợp tác xã thu mua trực tiếp tại ruộng là 10.000 đồng/kg lúa tươi”, anh Hà cho biết.

Nếp Cô Tiên có bộ rễ ăn sâu vào đất, thân cứng nên hầu như không bao giờ ngã đổ. Cuối vụ mùa vừa rồi trên địa bàn thị trấn Thanh Nê có mưa lớn, nhiều diện tích lúa bị đổ nhưng giống nếp Cô Tiên vẫn hiên ngang vươn thẳng như những lưỡi mác, nhìn thật thích mắt.

Anh Hà (ngoài cùng bên trái) cùng lãnh đạo Sở NN-PTNT Thái Bình, đại diện Công ty TNHH Nông nghiệp Nhiệt Đới thăm mô hình lúa nếp Cô Tiên hồi tháng 10/2023.  Ảnh: Lâm Hùng.

Anh Hà (ngoài cùng bên trái) cùng lãnh đạo Sở NN-PTNT Thái Bình, đại diện Công ty TNHH Nông nghiệp Nhiệt Đới thăm mô hình lúa nếp Cô Tiên hồi tháng 10/2023.  Ảnh: Lâm Hùng.

“Mọi năm mỗi khi có tin mưa lớn nhiều ngày là tôi lo mất ăn, mất ngủ nhưng từ khi trồng giống nếp thần tiên này, tôi như giảm bớt gánh nặng, ngủ ngon hẳn vì rất an tâm, sáng mai thăm đồng ruộng lúa vẫn cứng cáp, như thách thức trời đất vậy”, anh Hà nói chắc nịch.

Gia đình ông Thạch (thị trấn Thanh Nê) sau khi tham khảo, thấy được hiệu quả từ các hộ trồng lúa nếp Cô Tiên từ những vụ trước nên cũng hăng hái tham gia. Vụ mùa này, gia đình ông phấn khởi ăn mừng sau khi gặt trên 8 mẫu lúa nếp Cô Tiên với năng suất vô địch - hơn 2,4 tạ/sào.

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kiến Xương cho biết, Cô Tiên là giống lúa nếp đặc sản có đặc điểm hạt thóc to, tròn bầu, vỏ trấu màu vàng sáng, gạo dẻo, xôi màu trắng, thơm ngậy. Nấu xôi bằng gạo nếp này thì thơm lắm, mùi thơm bay khắp xóm nên nếp Cô Tiên bán rất chạy vào những dịp lế Tết, làm xôi cúng trong những lễ hội địa phương.

Đẹp như "Cô Tiên” vẫn phải chờ cơ cấu

Hôm chúng tôi có mặt tại trụ sở HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Nê do ông Phạm Văn Hiền làm Giám đốc đúng lúc mọi người đang hối hả thu hoạch lúa, đóng hàng để chuẩn bị cho thương lái từ Yên Mỹ (Hưng Yên) sang chở đi.

Ông Phạm Văn Hiền (bìa trái) hào hứng kể về giống lúa nếp Cô Tiên. Ảnh: Lâm Hùng.

Ông Phạm Văn Hiền (bìa trái) hào hứng kể về giống lúa nếp Cô Tiên. Ảnh: Lâm Hùng.

Theo ông Hiền, các chủ hàng xáo, dân buôn bán lúa gạo bên Yên Mỹ rất sành, nhiều nhà nhiều đời làm gạo nên biết rất rõ đâu là loại nếp ngon, bán chạy. Vụ mùa này nếp Cô Tiên tiêp tục được các thương lái Yên Mỹ sang đặt hàng với số lượng lớn.

Ông cho biết xay xát, chế biến nếp Cô Tiên rất được gạo, tỷ lệ gạo gãy, nát cực thấp, ít hao hụt nên bà con thu hoạch bao nhiêu thương lái đều trực ngay tại đầu ruộng thu mua hết nhẵn.

“Bản thân chúng tôi cũng rất thích giống nếp này, bởi nó hợp đất do đa phần ruộng đất mà hợp tác xã thu gom vốn là đất xấu, canh tác kém hiệu quả, nhưng khi gieo cấy nếp Cô Tiên vẫn cho năng suất cao, thậm chí có vụ hạn kéo dài lúa vẫn sinh trưởng đều. Nếp Cô Tiên đúng là con nhà nghèo, dễ ăn, nhanh lớn”, ông Hiền hào hứng kể.

Nhưng có điều lạ là, dù đã khẳng định được tên tuổi, thậm chí "có số má" trong hàng ngũ các giống nếp thơm ngon, đắt hàng với diện tích gieo cấy tương đối lớn, nhưng chẳng hiểu sao nếp Cô Tiên vẫn chưa có mặt trong cơ cấu giống lúa của tỉnh Thái Bình.

Lúa nếp Cô Tiên sớm hi vọng được vào cơ cấu trồng trọt của tỉnh Thái Bình. Ảnh: Lâm Hùng.

Lúa nếp Cô Tiên sớm hi vọng được vào cơ cấu trồng trọt của tỉnh Thái Bình. Ảnh: Lâm Hùng.

Ông Hiền đã đề đạt nguyện vọng lên Sở NN-PTNT Thái Bình rằng cần “mở đường” cho nếp Cô Tiên đường đường chính chính đi vào cơ cấu, giúp nông dân đã gắn bó với nếp Cô Tiên nhiều năm qua như anh Hà, ông Thạch… được hưởng lợi. Nhưng hình như tiếng nói của ông bé quá, các lãnh đạo chưa nghe thấu.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình đánh giá, nếp Cô Tiên đạt hiệu quả cao về kinh tế, cho năng suất tốt, giúp bà con nông dân cải thiện thu nhập. Hơn nữa, với hướng quy mô sản xuất theo hộ đại điền, gom ruộng đất đang phát triển mạnh như trên địa bàn tỉnh hiện nay, nếp Cô Tiên đã cho thấy hiệu quả ngay cả khi phải canh tác ở những điều kiện ngặt nghèo nhất.

Bà Nga hứa thời gian tới, Sở NN- PTNT Thái Bình sẽ xem xét đưa giống nếp Cô Tiên vào cơ cấu giống lúa chính thức của tỉnh, đặc biệt là trong danh sách bộ giống lúa chất lượng cao để góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất lúa, giúp bà con nông dân tiếp tục bám đồng ruộng.

Giống nếp Cô Tiên “vượt biên” sang Lào

Tháng 5/2023, sau buổi gặp gỡ với Công ty TNHH Nông nghiệp Nhiệt Đới, Đại sứ quán CHDCND Lào đã đề nghị hỗ trợ đưa giống nếp Cô Tiên và Lang Liêu của Công ty hiện đang độc quyền phân phối sang cho các doanh nghiệp nước bạn trồng thử tại thủ đô Viêng Chăn với diện tích 1ha.

Buổi gặp gỡ giữa đại diện Công ty TNHH Nông nghiệp Nhiệt Đới và đại diện Đại sứ quán CHDNND Lào tại Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Buổi gặp gỡ giữa đại diện Công ty TNHH Nông nghiệp Nhiệt Đới và đại diện Đại sứ quán CHDNND Lào tại Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Việc nếp Cô Tiên có “visa” sang Lào là lời khẳng định về mặt chất lượng không chỉ trong nước mà cả trên thị trường quốc tế, mở ra bước tiến lớn cho giống lúa nếp này.

Bởi Lào là “vương quốc nếp” với nhiều giống lúa nếp cổ truyền đặc sản nổi tiếng thơm ngon, mà nếp Cô Tiên vẫn lách được khe cửa hẹp, có tấm giấy thông hành để sang nước bạn đã nói lên đẳng cấp của lúa nếp Cô Tiên.

Lãnh đạo Công ty TNHH Nông nghiệp Nhiệt Đới hào hứng kể, hôm đưa các cán bộ Đại sứ quán Lào về thăm cánh đồng gieo cấy nếp Cô Tiên ở Thái Bình, phía bạn rất phấn khởi. Nghe tên Cô Tiên đã nhiều, nay được tận mắt chứng kiến những ruộng lúa trĩu bông, sai hạt, thóc ngồn ngộn thì ai cũng bất ngờ.

Hi vọng khi “nhập cảnh” vào đất nước triệu voi, giống lúa này sẽ như những nàng tiên mát tay, xinh đẹp đem lại giàu có cho nông dân nước bạn, mang lại tiếng thơm cho cây lúa Việt Nam.

Nếp Cô Tiên là giống lúa nếp ngon, ngắn ngày, năng suất cao, đã được Bộ NN- PTNT công nhận chính thức theo quyết định số 275/QĐ-TT-CLT ngày 23 tháng 06 năm 2015, được đăng ký bảo hộ độc quyền trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.