Vào năm 2003, Australia đã tặng Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam 500 kg hạt và 100 cây giống quý trồng thử nghiệm ở Cty CP giống lâm nghiệp (Ba Vì, Hà Tây). Cây mắc ca là một loại cây quả khô quý hiếm, bộ phận ăn được của quả mắc ca là nhân, có hàm lượng dầu tới 78%, cao hơn hẳn lạc nhân (44,8%), nhân điều (47%)...
Trong dầu của mắc ca có trên 87% là axit béo không no, trong đó có nhiều loại mà có thể con người không tự tổng hợp được. Khi ăn vào giảm được cholesteron, có tác dụng phòng trị xơ cứu động mạch. Hàm lượng protein trong nhân có tới 9,2%, gồm 20 loại axit amin trong đó có 8 loại axit amin cần thiết cho cơ thể con người. Ngoài ra trong nhân mắc ca có chứa nhiều chất đường bột, nhiều chất khoáng, nhiều loại vitamin. Vì vậy quả mắc ca được mệnh danh là "hoàng hậu của quả khô".
Nhân mắc ca sau khi chiên ăn ngậy, bùi có hương vị của bơ, là một loại thực phẩm cao cấp, ngon, bổ, giàu chất béo, giàu nhiệt năng, dùng để chế biến nhân bánh sôcôla, nước uống, dầu sa lát, ngoài ra còn có thể làm dầu dưỡng da, dầu dược liệu. Vỏ mắc ca có nhiều ta nanh và protein có thể làm thuộc da và chế biến thức ăn chăn nuôi. Vỏ hạt có thể làm than hoạt tính, làm chất đốt, ngoài ra có thể làm giá thể để ươm cây giống. Cây mắc ca là cây quả lạ. Vùng sinh thái phù hợp trồng cây này hạn hẹp.
Vì là một loại quả khô ngon bổ nên nhu cầu hàng năm của thị trường thế giới rất lớn, dự báo có thể lên tới 40 vạn tấn/năm. Cây mắc ca ghép sau khi trồng 3-4 năm đã cho quả, 5-6 năm có năng suất đáng kể, được tính là năm bắt đầu đi vào sản xuất, đến năm thứ 12-15, năng suất hạt khoảng 3 tấn/ha, năng suất nhân đạt 1 tấn/ha giá bán 10 USD/kg, thu được 10.000 USD/ha, đến thời kỳ định hình, năng suất nhân có thể đạt 2 tấn/ha, thì 1ha mắc ca có thể tạo ra giá trị 20.000 USD/ha/năm.
Đương nhiên khi diện tích trồng cây mắc ca tăng lên, sản lượng tăng lên nhiều giá có thể giảm nhưng với những tiến bộ mới nhất về giống và công nghệ thâm canh được đưa vào sản xuất, lợi nhuận của người trồng mắc ca không thấp hơn 5.000 USD/ha/năm. Ngày 30/3/2008, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn, lãnh đạo Cục Lâm nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam đã có buổi làm việc tham quan và khảo sát về diện tích trồng giống cây này tại Cty CP giống lâm nghiệp. Hiện Cty đã mở rộng 2 ha diện tích trồng cây mắc ca tại thôn Víp, xã Minh Quang, Ba Vì, Hà Tây với 660 cây.
Năm 2003, ở tỉnh Thái Bình, Cty TNHH đầu tư & chế biến nông thực phẩm Thái Bình liên doanh với nhà đầu tư Australia xây dựng một nhà máy chế biến quả khô trong đó có quả mắc ca, trước mắt phải dựa vào nguyên liệu từ hạt mắc ca nhập khẩu, đến khi cây mắc ca trồng ở nước ta có sản phẩm bán ra, nhà máy sẽ tiêu thụ hết, đây là một tín hiệu tốt lành đối với nhà nông đang có ý muốn đầu tư trồng cây này. Phát triển trồng cỏ để nuôi trâu bò, dùng phân trâu bò để nuôi giun, sản phẩm giun để bán còn phân giun bón cho cây mắc ca, là một phương thức sản xuất mắc ca theo công nghệ sinh thái có khả năng phát triển bền vững ở Việt Nam.
Mùa trồng tốt nhất là đầu xuân sau khi đã có mưa làm cho đất trong hố đã khôi phục được mao mạch và trời còn mát. Nếu mùa xuân mưa chưa đủ làm ẩm đất trong hố và phục hồi mao mạch thì phải tưới đẫm để đảm bảo cho cây con vượt qua được đợt nắng hạn mùa hè đầu tiên. Tại các vùng có mùa khô và mùa mưa rõ rệt như Tây Bắc hoặc vùng cao của Trường Sơn, cần kịp thời trồng ngay sau những trận mưa đầu mùa.