| Hotline: 0983.970.780

Cây sắn xóa nghèo cho miền núi Quảng Trị

Thứ Năm 08/10/2020 , 08:05 (GMT+7)

Từ một loại cây lương thực cứu đói, cây sắn đã trở thành loại cây trồng có giá trị kinh tế cao cho người dân huyện vùng cao Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Nông dân miền núi Quảng Trị vào vụ thu hoạch sắn. Ảnh: Công Điền.

Nông dân miền núi Quảng Trị vào vụ thu hoạch sắn. Ảnh: Công Điền.

Sống khỏe nhờ cây sắn

Xã Thuận là địa phương có diện tích sắn lớn nhất của huyện Hướng Hóa với gần 600 ha. Từ diện tích sắn trên, mỗi vụ nông dân của xã này cung ứng cho Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa gần 48.000 tấn sắn nguyên liệu. Cây sắn trở thành nguồn thu nhập chính cho hàng trăm hộ gia đình của xã này.

Ông Hồ A Dung, Chủ tịch UBND xã Thuận, huyện Hướng Hóa cho biết: Bên cạnh mở rộng diện tích sắn theo quy hoạch, nông dân trên địa bàn trung đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất và hàm lượng tinh bột trong sắn củ tăng. Nhờ đó, giá xuất bán sắn tươi cho Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa cũng cao hơn hẳn so với các xã khác cùng địa bàn. Những năm gần đây, phần lớn nông dân trên địa bàn xã đều có thu nhập khá từ cây sắn.

Chúng tôi đến nhà ông Hồ Văn Ngà ở bản Giai, xã Thuận, huyện Hướng Hóa  khi người nông dân này đã thu hoạch xong diện tích sắn trên 2 ha của mình và xuất bán hết cho Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa. Trò chuyện với khách trong ngôi nhà khang trang ở ngay đầu con đường dẫn vào bản, ông Ngà khoe: “Với giá sắn tươi từ 1.800 - 2.000 đồng/kg tùy theo chất lượng tinh bột, mỗi vụ sắn sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu về hơn 100 triệu đồng. Số tiền trên không chỉ giúp gia đình tôi dư ăn mà còn có tiền nuôi 5 đứa con ăn học”.

Theo ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện, vùng Lìa đang được xây dựng thành vùng nguyên liệu sắn tập trung quy mô lớn theo mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm. Nhiều người dân tộc Bru-Vân Kiều nay là thành viên “Câu lạc bộ trăm triệu” của Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa, trở thành những điển hình nông dân sản xuất giỏi của huyện, tỉnh.

Nông dân sản xuất, doanh nghiệp lo đầu ra

Từ ngày đặt chân trên vùng đất Hướng Hóa, Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa thuộc Công ty Thương mại Quảng Trị là doanh nghiệp duy nhất bao tiêu sản phẩm sắn cho nông dân. Đây được xem là hình mẫu cho mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc tiêu thụ nông sản ở địa phương.

Dây chuyền sơ chế sắn tươi ở Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa. Ảnh: Công Điền.

Dây chuyền sơ chế sắn tươi ở Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa. Ảnh: Công Điền.

Ông Hồ Xuân Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Thương mại Quảng Trị cho biết: Hiện nay Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa đã đưa vào hoạt động 2 dây chuyền chế biến tinh bột sắn với công suất tiêu thụ từ 700 - 900 tấn sắn tươi/ngày. Với công suất trên, doanh nghiệp đảm bảo thu mua 100% sản lượng sắn của nông dân trên địa bàn các xã vùng Lìa thuộc huyện Hướng Hóa.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn đầu tư một dây chuyền chế biến phân vi sinh với công suất 5.000 tấn/năm để tận dụng 100% phế thải từ hoạt động sản xuất tinh bột, góp phần nâng cao doanh thu cho nhà máy và giúp cho nông dân có thêm điều kiện đầu tư chăm sóc cây sắn bằng loại phân giá rẻ, thân thiện môi trường, hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu sắn bền vững ở vùng Lìa.

Tuy nhiên, điều trăn trở nhất của lãnh đạo doanh nghiệp này là với việc thu nhập từ cây sắn vượt trội hơn hẳn so với nhiều cây trồng khác đã khiến người dân ồ ạt mở rộng diện tích dẫn đến sản lượng sắn vượt quá công suất thiết kế của Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa. Điều này ít nhiều gây ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp.

Bên cạnh, một bộ phận không nhỏ nông dân chỉ tập trung mở rộng diện tích mà không đầu tư thâm canh, khai thác quá mức làm đất đai bị thoái hóa... dẫn đến năng suất, hàm lượng tinh bột trong sắn giảm, ảnh hưởng đến chất lượng của loại nông sản này.

Từ thực tế trên, chính quyền huyện Hướng Hóa đã triển khai Đề án khuyến khích chuyển đổi những diện tích trồng sắn kém hiệu quả sang canh tác một số loại cây trồng ngắn và dài ngày khác như gừng, nghệ, ngô và cây cao su. Đề án phấn đấu đến năm 2020, diện tích sắn toàn huyện giảm 521 ha, tập trung chủ yếu tại 7 xã vùng Lìa và tiến dần đến ổn định diện tích khoảng 4.200 ha. 

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.