Cây xanh đô thị từng là chủ đề nóng bỏng trong quá trình phát triển đô thị. Mật độ cây xanh đô thị đang giảm dần vì tốc độ xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, thực sự đáng báo động giữa bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Riêng tại TP.HCM, câu chuyện cây xanh đô thị còn vướng phải hệ lụy những tình huống gây mất an toàn cho người dân.
Trước đây, TP.HCM từng chứng kiến một số “tai nạn trên trời ập xuống” khi người dân đang tham gia giao thông bị cành gãy hoặc nhánh gãy từ những cổ thụ hai bên đường. Mới đây, một cành cây dầu có chu vi 1,2m và chiều dài 10m bất ngờ rơi trúng một nhóm người đang tập thể dục trong công viên Tao Đàn vào sáng sớm 9/8, đã làm hai người thiệt mạng và ba người bị thương. Dù là sự cố không ai mong muốn, nhưng một lần nữa nhắc nhở cộng đồng về ý thức gìn giữ và chăm sóc cây xanh đô thị.
Bây giờ, TP.HCM còn rất ít cổ thụ. Ngoài mấy hàng cây dầu rái và cây sao đen dọc theo đường Huyền Trân Công Chúa và đường Bùi Thị Xuân, thì chỉ còn vài mảng cổ thụ trong khuôn viên Dinh Thống Nhất, công viên Tao Đàn, công viên Gia Định, công viên Lê Thị Riêng, công viên Lê Văn Tám… Cổ thụ ở TP.HCM là dấu vết của rừng nhiệt đới rụng lá đặc trưng miền Đông Nam bộ, cho nên phải được xem như di sản lịch sử và văn hóa, không thể tùy tiện đốn hạ mà phải quản lý bằng quy trình kỹ thuật hiện đại.
Vì sao nhiều đô thị trên thế giới có mật độ cổ thụ dày đặc hơn TP.HCM mà vẫn hạn chế tối đa các diễn biến tiêu cực ảnh hưởng đến cuộc sống con người? Câu trả lời là họ đầu tư nhân lực và thiết bị để thăm dò thường xuyên và đánh giá cụ thể những rủi ro có thể xảy ra ở mỗi gốc cổ thụ. Thậm chí, ở Singapore còn có hẳn đội ngũ chuyên gia được trang bị máy siêu âm để phát hiện khiếm khuyết của cây xanh đô thị.
Cây xanh đô thị không chỉ mang lại bóng mát cho con người, mà còn lưu trữ ký ức cho con người. Tỷ lệ cây xanh tính theo dân số của TP.HCM đang dưới 1m2/người, thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn tối thiểu 10m2/người mà Liên hiệp quốc đưa ra. Bên cạnh việc tăng cường trồng mới cây xanh đô thị, TP.HCM đã đến lúc phải chọn giải pháp “rừng trong phố”. Nghĩa là, chấp nhận quy hoạch “công viên” thành “lâm viên” ở một số địa điểm còn nhiều cổ thụ. Một khi đã gọi là “rừng” thì có tiêu chuẩn và quy tắc nhất định, người dân bình thường không thể tự do tiếp cận hoặc thoải mái sinh hoạt tại những khu vực dành riêng cho nhân viên kiểm lâm làm nhiệm vụ bảo vệ “lá phổi xanh”.
Trong xu hướng kinh tế xanh, thị trường tín chỉ carbon dẫn dắt và chi phối nhiều hoạt động thương mại và sản xuất. Nếu không chú trọng thúc đẩy giữ rừng và trồng rừng theo mô hình “rừng trong phố” thì đô thị nhộn nhịp nhất phương Nam sẽ không thể kiến tạo một đô thị xanh đủ sức cạnh tranh năng động giữa kỷ nguyên hội nhập.