| Hotline: 0983.970.780

Chăm sóc hoa lay ơn như thế nào để vui đón Tết?

Thứ Tư 13/11/2019 , 08:59 (GMT+7)

Lay ơn là loại cây đòi hỏi đầu tư ít vốn nhưng lại có thể cho hiệu quả kinh tế cao nhất là vào các dịp lễ, Tết nếu biết cách chăm sóc sao cho đúng cách.

Củ giống lay ơn (Ảnh minh họa).

Để phát triển nông thôn mới huyện Ba Vì (Hà Nội) đã xác định rõ phải thay đổi cơ cấu kinh tế từ trồng lúa sang trồng các loại rau hoa quả đem lại hiệu quả kinh tế cao trong đó có cây hoa lay ơn. Đây là loại cây đòi hỏi đầu tư ít vốn nhưng có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất là vào các dịp lễ, Tết nếu các nhà vườn biết áp dụng kỹ thuật…

Xin được nói qua một chút về loài cây có nguồn gốc từ các nước Châu Phi và vùng Trung Cận Đông này. Chúng được nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 và được trồng khá hạn chế ở một số nơi. Những năm gần đây hoa lay ơn đang được người tiêu dùng ưa chuộng vì có độ bền cao, dáng hoa đẹp, màu sắc đa dạng, giá cả tương đối phù hợp với người tiêu dùng.

Tuy nhiên đây là loại cây trồng mới với nhiều người nên một số bà con chưa nắm vững quy trình kỹ thuật, nhất là quá trình chăm sóc hoa dẫn đến cây bị cháy lá, màu sắc hoa không đẹp làm giảm hiệu quả kinh tế của cây hoa.

Để chăm sóc hoa lay ơn thu được hiệu quả kinh tế cao, sau đây chúng tôi xin giới thiệu kỹ thuật chăm sóc, thu hái hoa:

1. Tưới nước 

Độ ẩm đầy đủ là cần thiết cho sự sinh trưởng của hoa lay ơn, tuy nhiên nếu duy trì độ ẩm quá cao và thường xuyên sẽ làm cây bị nhiễm một số bệnh nguy hiểm có trong đất như bệnh lỡ cổ rễ (Rhizoctonia solani), bệnh héo vàng (Fusarium solani), bệnh thối đen rễ, thối củ (Pythium spp.)…

Nếu cây khô hạn sinh trưởng yếu dẫn đến chất lượng hoa giảm do vậy phải thường xuyên giữ ẩm ở độ ẩm đất (duy trì ẩm độ khoảng 70%). Tùy theo điều kiện thời tiết, độ ẩm đồng ruộng, cứ 2-3 ngày tưới một lần

2. Bón phân 

Lượng bón (cho 1 sào Bắc Bộ)

Phân chuồng hoai mục : 500 – 1.000kg;

Phân lân: 20 - 30 kg Supelân;

Phân Kali: 10 kg Kali clorua;

Phân đạm: 10 kg urê;

Phân vi sinh: 50 - 70 kg, một số hộ trồng hoa bón đậu tương cho cây mập, chất lượng hoa được đẹp hơn

 - Cách bón:

+ Bón lót: Toàn bộ phân chuồng + 3/4 phân lân + 1/2 phân vi sinh. Bón lót bằng cách trộn đều các loại phân với nhau, tiến hành sẻ rạch và bón xuống rạch, sau đó lấp một lớp đất mỏng rồi đặt củ giống lên trên.

+ Bón thúc: Lượng phân còn lại chia đều cho các lần bón, cứ 7 - 10 ngày bón một lần kết hợp với tưới phân chuồng loãng (hoặc ủ đậu tương hòa loãng tưới). Riêng phân vi sinh, bón khi cây được 3 lá.

Ngoài ra có thể sử dụng phân bón lá: Komix, Sporay-N-Grow, Đầu Trâu… phun định kỳ 7 - 10 ngày/lần vào giai đoạn cây có từ 2 - 5 lá mang lại hiệu quả cao.

Trong quá trình bón không nên bón phân sát gốc, bà con nên bón kết hợp với việc xới xáo, làm cỏ. Sau khi bón xong cần tưới đẫm cho tan phân để cây hấp thu. Bón bổ sung canxi cũng cần thiết trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây, có thể phun hoặc bón thêm 2 - 3 lần khi cây được 4 - 6 lá.

3. Kỹ thuật vun xới, tỉa mầm

Sau trồng 7 - 10 ngày, mầm mọc khỏi mặt đất, thường 1 củ có 1 mầm, nhưng có những củ mọc ra 2 - 3 mầm, khi đó ta cần tỉa loại bỏ những mầm phụ chỉ để lại 1 mầm chính. Khi tỉa một tay ấn chặt gốc 1 tay tỉa mầm, tránh làm lay gốc cây.

Vun đợt 1 khi cây được 3 lá tiến hành vun nhẹ, sau đó khi cây cao 40 -50cm tiến hành vun đợt 2, đợt này cần vun cao để chống đổ. Sau vun đợt 2 cần cắm cọc cố định cây, để cây không bị đổ. Nếu loại cây thấp chỉ cần cắm 1 số cọc ở mép luống, mỗi cọc cắm cách nhau từ 1,5 - 2m, sau đó dùng dây căng và buộc cây. Loại cây cao, trồng những nơi gió nhiều thì khoảng cách cắm cọc dày hơn, khoảng 1m cắm 1 cọc.

4. Thu hoạch và bảo quản hoa

* Thu hái hoa

- Thời gian thu hoạch: Khi có 1 - 2 hoa nhú màu, nên cắt vào trước 10h sáng để hoa được tươi lâu, giữ được chất lượng hoa.

- Vị trí cắt: Chừa lại 1 lá hoàn chỉnh để cây tiếp tục quang hợp nuôi củ (trong trường hợp tiếp tục thu củ) hay nhổ cả củ hoặc cắt sát đất.

- Sau khi cắt hoa xong phải bó kín phần đầu hoa và dựng thẳng để cho cành hoa không bị cong và gãy.

10-12-56_190220-ky_thut_trong_lyon_1
 

* Phân loại, đóng gói

Sau khi cắt, phải phân loại theo độ tuổi, cấp hoa để thuận tiện cho vận chuyển, tiêu thụ và bảo quản.

Dùng dây buộc chặt phần gốc, dùng giấy hay bao buộc chặt phần ngọn để bảo vệ hoa.

* Bảo quản hoa:

Có 2 hình thức bảo quản: bảo quản bằng ướp đá và bảo quản trong kho lạnh với điệu kiện ẩm:

+ Bảo quản bằng ướp đá: Dùng tấm xốp ghép thành thùng sau đó đập đá cây cho vào, cứ 1 lớp đá rồi để 1 lớp hoa nằm lại phủ 1 lớp đá… sau cùng đậy nắp hoặc phủ kín bằng chăn bong giữ lạnh (hoa được bọc kín đầu và buộc chặt gốc) mô hình này chỉ áp dụng qui mô nhỏ. Thời gian có thể bảo quản được tối đa 10 ngày, cứ 5 ngày đảo hoa 1 lần.

+ Bảo quản trong kho lạnh ẩm: Hoa được bọc kín đầu và dựng trong kho lạnh độ ẩm, nhiệt độ 6 - 10 độ C, ẩm độ 80 - 90%.

 KS.Trần Quang Hào (Trạm Khuyến nông huyện Ba Vì)

Chú thích ảnh:

-Củ giống lay ơn

-Hoa lay ơn

Biện pháp phòng trị bọ nhảy hại rau cải vụ Đông

+ Làm đất:

Trước khi trồng cải, đất cần được chuẩn bị kỹ, dọn sạch tàn dư vụ trước, phơi thật khô đất tối thiểu từ 10 - 15 ngày để diệt sâu non và nhộng còn trong đất (kinh nghiệm nếu độ ẩm tương đối của đất thấp, bọ nhảy sẽ không trưởng thành được). Nếu có điều kiện nên bón vôi để tạo môi trường bất lợi cho bọ nhảy.

+ Luân canh:

Thời vụ gieo trồng và thu hoạch cải trong từng khu vực không nên kéo dài, vì sẽ tạo điều kiện cho bọ nhảy chu chuyển gây hại liên tục. Tốt nhất từng cánh đồng nên luân canh cải với các cây khác họ. Không trồng các loại rau thuộc họ thập tự liên tục trong nhiều năm trên một khu đồng, khu ruộng, thỉnh thoảng nên luân canh với những cây khác như ngò, hành, dưa leo, bầu, bí mướp…

Biện pháp này phải được nhiều chủ ruộng cùng thực hiện trên diện rộng thì mới mang lại kết quả cao. Khi thu hoạch nên chừa lại một diện tích nhỏ ở giữa ruộng, thu hút bọ tập trung vào đó rồi phun xịt thuốc hủy diệt (bỏ cả rau), hạn chế mật độ bọ cho các vụ sau.

+ Phun thuốc:

Biện pháp cuối cùng khi bọ nhảy phá hoại nhiều là phun thuốc hoá học, song phải tuyệt đối bảo đảm thời gian cách ly, tốt nhất nên dùng các sản phẩm thuốc BVTV sinh học theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Bọ nhảy trưởng thành ban ngày hoạt động mạnh, rất khó trừ nhưng đêm ít hoạt động và thường tập trung giữa nõn cải nên tiến hành phun thuốc lúc chập tối sẽ cho hiệu quả phòng trừ cao nhất.

Ngay sau khi thu hoạch cần phơi ruộng, thu dọn các tàn dư đem về ủ phân hoặc chôn để diệt sâu non và nhộng còn tồn tại. Cần kiểm tra ruộng cải thường xuyên (nhất là khi cây cải còn non) hoặc vào những lúc các ruộng xung quanh đang thu hoạch để phát hiện và phun xịt thuốc diệt trừ bọ kịp thời. Kinh nghiệm cho thấy, độ ẩm thấp cũng hạn chế sự phát triển của bọ nhảy.

(tổng hợp)

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.