Người dân và thú y cơ sở chủ quan
Theo báo cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y của các tỉnh, TP trực thuộc TƯ, từ đầu năm 2018 đến nay, tình hình dịch bệnh động vật trên cạn có chiều hướng gia tăng. Nếu không có biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, sẽ có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh.
Ảnh: H.G |
Nguyên nhân là do sau một thời gian dài, dịch bệnh ít xuất hiện nên người chăn nuôi và một số địa phương đã chủ quan và chưa tổ chức thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống cần thiết trong quá trình chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán động vật; công tác vệ sinh, khử trùng và tiêu độc chưa được thực hiện đầy đủ, dẫn đến các loại mầm bệnh lưu hành ở nhiều địa phương; công tác chủ động phòng bệnh cho vật nuôi, nhất là tiêm phòng các bệnh đạt tỷ lệ thấp, chậm so với các thời điểm có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh.
Bên cạnh đó, công tác thú y, nhất là tại tuyến huyện, tuyến xã, sau khi một số địa phương tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp cấp huyện, trong đó sát nhập Trạm thú y huyện mà chưa có giải pháp phù hợp, có nơi bị buông lỏng, không nắm sát tình hình thực tế đã dẫn đến dịch bệnh gia tăng.
Về mặt khác khách quan, thời gian qua, mưa lũ đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành trên khắp cả nước gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, cây trồng và vật nuôi của người dân; thời tiết, môi trường rất thuận lợi cho dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan.
Khẩn trương khắc phục những tồn tại
Để khẩn trương khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên, đặc biệt là để tránh tình trạng dịch bệnh bùng phát vào các tháng cuối năm, làm ảnh hưởng đến chăn nuôi phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, Bộ NN-PTNT Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, Ban, ngành liên quan và UBND các cấp tổ chức thực hiện:
Phân công lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật của Chi cục Chăn nuôi và Thú y trực tiếp đến từng vùng chăn nuôi trọng điểm để nắm bắt, đánh giá đúng thực trạng để có giải pháp cụ thể và tổ chức tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; tập trung vào các loại dịch bệnh nguy hiểm như CGC, LMLM, Tai xanh, dại ở động vật.
Tổ chức chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh để có cơ sở cảnh báo, ứng phó dịch bệnh, trong đó có cơ sở cho việc lựa chọn các loại vắc xin phòng bệnh phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, thường xuyên thực hiện việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các cơ sở chăn nuôi và môi trường xung quanh; thực hiện các biện pháp phòng, chống và xử lý dịch bệnh theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ NN-PTNT về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.
Chấn chỉnh công tác thú y, nhất là tại tuyến huyện, tuyến xã; khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn (bao gồm: chủ động giám sát, nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý; hướng dẫn các biện pháp vệ sinh phòng bệnh; phòng bệnh bằng vắc xin kịp thời, trước thời điểm có nguy cơ cao xuất hiện các loại dịch bệnh; công tác kiểm dịch vận chuyển ra, vào địa bàn cấp tỉnh,…).
Tổ chức thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt 2 năm 2018”, nhằm chủ động tiêu diệt mầm bệnh. Thời gian thực hiện trong vòng 1 tháng, bắt đầu từ ngày 10/8 đến hết ngày 10/9.
Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ quan tâm chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện; nếu có vướng mắc, đề nghị có văn bản thông báo cho Bộ NN-PTNT để phối hợp xử lý.