| Hotline: 0983.970.780

Chấn chỉnh công tác thú y thủy sản

Chủ Nhật 10/12/2023 , 14:55 (GMT+7)

UBND Quảng Ninh mới ban hành công văn chỉ đạo chấn chỉnh công tác thú y thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra tình hình tôm nuôi tại ao của người dân xã Vạn Ninh (TP Móng Cái). Ảnh: Tiến Thành.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra tình hình tôm nuôi tại ao của người dân xã Vạn Ninh (TP Móng Cái). Ảnh: Tiến Thành.

Từ đầu tháng 4/2023, do điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, bất thường, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xuất hiện tình trạng tôm nuôi đã bị bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính. Hiện, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi tiếp tục diễn biến phức tạp.

Để nâng cao hiệu quả công tác thú y thủy sản, chủ động triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn, góp phần phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Sở NN-PTNT hướng dẫn, đôn đốc UBND các địa phương, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, buôn bán và nuôi trồng thủy sản thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ NN-PTNT và chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản.

Cụ thể, quan trắc môi trường, giám sát chủ động dịch bệnh để đưa ra dự báo, cảnh báo cho người nuôi. Hướng dẫn cụ thể cho người nuôi về mùa vụ thả giống, quy trình nuôi, hình thức nuôi phù hợp, sử dụng con giống thủy sản, vật tư đầu vào bảo đảm chất lượng và chủ động áp dụng các biện pháp ứng phó sự cố, phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật trong công tác phòng chống dịch bệnh, báo cáo dịch bệnh, kiểm dịch giống thủy sản, buôn bán, sử dụng thuốc thú y thủy sản trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Đồng thời, lựa chọn, tuyên truyền và trình diễn các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ phù hợp với điều kiện sinh thái, kinh tế, xã hội của từng địa phương, có khả năng nhân rộng trong thực tiễn theo hướng phát triển bền vững.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và ý thức của người nuôi về phòng chống dịch bệnh thủy sản, sử dụng thuốc thú y thủy sản có trách nhiệm, mua thuốc thú y thủy sản có nguồn gốc rõ ràng, có trong danh mục được phép lưu hành, tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng, ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch nhằm hạn chế tối đa dư lượng kháng sinh, đặc biệt không sử dụng kháng sinh nguyên liệu, thuốc dùng trong nhân y, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Quảng Ninh giao Sở này chủ trì, phối hợp với Sở NN-PTNT, các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn người nuôi các giải pháp xử lý chất thải; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về xử lý chất thải, khai thác nước ngầm trái phép.

Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất, mặt nước nuôi trồng thủy sản theo đúng quy hoạch được phê duyệt; kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm đất, mặt nước không đúng quy hoạch nuôi trồng thủy sản, trải phép theo quy định của pháp luật.

Các đơn vị, Sở Công Thương, Công an tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát hoạt động vận chuyển, buôn bán thủy sản giống nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán giống thủy sản nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo điều kiện an toàn dịch bệnh.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi trên địa bàn TP Móng Cái. Ảnh: Tiến Thành.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi trên địa bàn TP Móng Cái. Ảnh: Tiến Thành.

Trao đổi với phóng viên, ông Vương Văn Oanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh, cho biết Chi cục đã bám sát chỉ đạo của tỉnh và hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, bố trí nguồn kinh phí, vật tư, hóa chất, nguồn nhân lực để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn theo quy định.

Chi cục phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêu hủy, vệ sinh tiêu độc khử trùng; phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y, thủy sản tổ chức giám sát tình hình dịch bệnh thủy sản tới tận thôn, xóm, hộ gia đình, phát hiện sớm, kịp thời khống chế, không để bệnh lây lan ra diện rộng. Chỉ đạo lực lượng chức năng địa phương quản lý chặt chẽ lực lượng tiếp thị, quảng cáo và bán trực tiếp thuốc thú y tại vùng nuôi, cơ sở nuôi trên địa bàn.

"Chúng tôi cũng yêu cầu các đơn vị sản xuất, kinh doanh, đại lý, cửa hàng buôn bán thuốc thú y, thuốc thủy sản, thức ăn thủy sản trên địa bàn tuân thủ quy định của pháp luật về thú y, chủ động phối hợp với cơ quan thú y, nhân viên thú y xã để hướng dẫn người nuôi mua thuốc thú y tại các cơ sở đủ điều kiện, sử dụng đúng - đủ - kịp thời, không lạm dụng kháng sinh trong nuôi thủy sản.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về thú y và thủy sản, nâng cao nhận thức và ý thức của người nuôi về phòng chống dịch bệnh thủy sản.

Thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời, chính xác diễn biến dịch bệnh và biện pháp phỏng chống trên hệ thống truyền thanh của địa phương để nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản. Hướng dẫn các biện pháp nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm", ông Vương Văn Oanh nói.

Cũng theo ông Oanh, công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản nuôi còn gặp nhiều khó khăn hạn chế trong công tác quản lý, cũng như ý thức phòng, chống dịch bệnh của người nuôi trồng thủy sản.

Để khắc phục tình trạng trên, Chi cục đề xuất một số giải pháp, như: Nâng cao kiến thức chuyên môn về công tác quản lý, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng phòng, thu mẫu và chẩn đoán bệnh thủy sản cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ phụ trách công tác thú y thủy sản tại cơ sở và người dân nuôi trồng thủy sản thông qua các lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền, tổng kết.

Xây dựng mạng lưới cộng tác viên tại các vùng nuôi trọng điểm để kịp thời nắm thông tin diễn biến tình hình nuôi trồng thủy sản, công tác phòng chống và diễn biến tình hình dịch bệnh tại các địa phương, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo trong công tác phòng chống dịch, triển khai thực hiện báo cáo số liệu trên hệ thống VAHIS.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn các cấp trong việc thống kê, cập nhật số liệu về nuôi trồng thủy sản, tình hình dịch bệnh để có định hướng chỉ đạo, thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển sản xuất, phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, cho biết hiện các Hội, Hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thủy sản đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thú y, thủy sản để thực hiện tốt các quy định của pháp luật, các quy trình kỹ thuật về nuôi và quản lý ao nuôi, giám sát và xử lý dịch bệnh theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, xem xét, đầu tư xây dựng các chuỗi sản xuất thủy sản, bảo đảm các điều kiện về an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thiết thực, hiệu quả.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.