| Hotline: 0983.970.780

Hai 'ông trùm' nông nghiệp công nghệ cao ở Đất mỏ

Chủ Nhật 19/11/2023 , 16:25 (GMT+7)

QUẢNG NINH Ở Quảng Ninh có hai doanh nghiệp đi đầu làm nông nghiệp công nghệ cao và rất thành công là Công ty TNHH Việt - Úc và Tập đoàn Bim Group.

Điểm sáng tôm giống Việt - Úc

Những năm qua, lợi thế về diện tích ao, đầm tự nhiên ven biển đã giúp tỉnh Quảng Ninh có điều kiện phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản. Trong đó, con tôm là một trong những đối tượng mang lại thu nhập cao cho hộ nuôi và doanh nghiệp. Đặc biệt, Quảng Ninh đã chủ động được nguồn tôm giống chất lượng cao ngay tại chỗ nhờ chủ trương thực hiện phù hợp, cùng với nỗ lực hoạt động của doanh nghiệp là Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh.

Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh đứng chân trên địa bàn xã Tân Lập, huyện Đầm Hà, thuộc vùng trung tâm khu vực miền Đông của tỉnh và là đơn vị quản lý Khu phức hợp nuôi tôm công nghệ cao thuộc Tập đoàn Việt - Úc.

Kể từ mẻ tôm giống đầu tiên đưa ra thị trường vào tháng 3/2019 đến nay, Công ty đã không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm. Tranh thủ những ưu đãi, tạo điều kiện của Quảng Ninh, Tập đoàn Việt - Úc đã cho thấy rõ hiệu quả hợp tác chiến lược với tỉnh trong lĩnh vực của mình, áp dụng hiệu quả hệ thống trang thiết bị, quy trình công nghệ cao.

Tiêu biểu như việc nuôi tôm bằng vi sinh, phối trộn tảo; hệ thống lắng, xử lý nước tuần hoàn, hệ thống lọc bằng tia UV; công nghệ chọn lọc tôm bố mẹ. Đặc biệt, phòng xét nghiệm Real-time PCR của Việt - Úc Quảng Ninh có năng lực xét nghiệm 7 loại bệnh trên tôm theo tiêu chuẩn quốc tế...

Công nhân Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh kiểm tra chất lượng tôm giống. Ảnh: Viết Cường.

Công nhân Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh kiểm tra chất lượng tôm giống. Ảnh: Viết Cường.

Những giải pháp đầu tư đồng bộ, hiện đại toàn bộ dây chuyền đã giúp tôm giống của Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh đưa ra thị trường được nâng cao rõ rệt qua từng năm cả về công suất và chất lượng. Đó là bởi ngay từ con tôm bố mẹ đã được chọn lọc gen kỹ lưỡng để có phẩm chất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước tại Quảng Ninh.

Đồng thời, khi sản xuất tại địa phương, con giống được vận chuyển từ trại sản xuất đến nơi nuôi trồng với thời gian rút ngắn đến mức tối thiểu, giúp duy trì tình trạng sức khỏe tốt nhất... Năm 2022, Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh đã nghiên cứu, chọn lọc thành công giống tôm với mã gen chịu lạnh, hứa hẹn sẽ có những mùa tôm kéo dài xuyên suốt cả năm thay vì phải "nghỉ đông", qua đó tối ưu hóa chi phí đầu tư cho hộ nuôi và doanh nghiệp.

Không chỉ quan tâm đầu tư cho công nghệ, Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh còn chủ động tham gia các chương trình chia sẻ kỹ thuật mới trong quản lý sức khỏe con tôm nuôi nhằm khuyến khích đầu tư, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm tôm trên địa bàn tỉnh.

Năm 2022, Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh phối hợp với Sở KH-CN, Sở NN-PTNT Quảng Ninh và các địa phương đã triển khai tư vấn kỹ thuật xử lý nước tuần hoàn ứng dụng thảo dược trong hệ thống ao nuôi tôm cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trong tỉnh. Qua đó góp phần đồng hành cùng tỉnh thực hiện quy hoạch nuôi thủy sản theo hướng bền vững, tạo chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến tới tiêu thụ sản phẩm, tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

"Việt hóa" thành công giống hàu Thái Bình Dương

Hàu sữa Thái Bình Dương được coi là niềm tự hào của vùng biển Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), cũng là một trong những giống hàu ngon và nhiều giá trị dinh dưỡng. Hàu được nuôi thả trong môi trường tự nhiên, tại vùng biển sạch, không có du lịch và công nghiệp, xa khu dân sinh.

Giống hàu có xuất xứ Nhật Bản, được thuần dưỡng tại Đài Loan. Năm 2006, doanh nhân Đoàn Quốc Việt - người sáng lập BIM Group đã mang giống hàu này về phát triển tại Việt Nam. Niềm tin của vị doanh nhân khi ấy là thổ nhưỡng, khí hậu, nhiệt độ, độ mặn của vùng biển Đông Bắc tương đồng với nơi con hàu sữa có chất lượng tốt nhất, cũng là bảo chứng cho việc giống hàu Thái Bình Dương sẽ được "Việt hóa" thành công.

Hàu Thái Bình Dương do BIM Group nghiên cứu, phát triển thành công hiện tại đã trở thành sản phẩm chủ lực của huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Viết Cường.

Hàu Thái Bình Dương do BIM Group nghiên cứu, phát triển thành công hiện tại đã trở thành sản phẩm chủ lực của huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Viết Cường.

Từ ý tưởng ban đầu của nhà sáng lập, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển sản xuất Hạ Long (BIM Group) đã đưa vào nuôi cấy giống hàu Thái Bình Dương tại vùng biển Vân Đồn. Khu nuôi hàu thương phẩm chính của BIM Group có diện tích 500ha thuộc xã Bản Sen, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh).

Sau 4 năm nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra đến trại nuôi, con hàu được thuần hóa. Những dây hàu sống khỏe, lớn nhanh, ruột to, béo, ngọt và hàm lượng dinh dưỡng cao. Vụ thu hoạch đầu tiên năm 2007, BIM Group thu gần 500 tấn hàu, 5 năm tiếp theo đạt trung bình 700 tấn mỗi năm.

Từ năm 2012, sản phẩm hàu tươi nguyên vỏ, hàu tươi tách ruột, hàu nướng pho mai của Công ty đã được tung ra tiêu thụ ngày càng rộng trên thị trường, từ các chợ thủy sản địa phương đến các siêu thị, nhà hàng..., được hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại... Hausubi - thương hiệu hàu của BIM Group ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn trong các bữa ăn, đáp ứng yêu cầu của các đối tác khó tính trong xuất khẩu và có mặt ở hầu khắp hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị trong nước.

Việc chế biến sâu, phát triển các sản phẩm gia tăng giá trị từ con hàu như tại Công ty TNHH Đầu tư Phát triển sản xuất Hạ Long đã góp phần mở ra hướng đi mới, khai thác lợi thế phát triển kinh tế vùng. Năm 2019, diện tích nuôi hàu Thái Bình Dương của Quảng Ninh đạt trên 3.000ha, sản lượng mỗi năm gần 20.000 tấn. Hàng nghìn hộ dân, nhất là khu vực huyện đảo Vân Đồn đã đổi đời nhờ nghề nuôi hàu.

Trước khi bản địa hóa thành công giống hàu Thái Bình Dương tại Vân Đồn, BIM Group đã đưa vào hoạt động nhiều khu nuôi trồng và sản xuất thủy hải sản lớn tại tỉnh Quảng Ninh, tiêu biểu như khu nuôi tôm Minh Thành (năm 2001) quy mô 251ha, sản lượng trung bình tới 2.000 tấn mỗi năm.

Bên trong nhà máy chế biến tôm của BIM Group. Ảnh: Viết Cường.

Bên trong nhà máy chế biến tôm của BIM Group. Ảnh: Viết Cường.

Công ty Cổ phần Thực phẩm BIM (thuộc BIM Group) tại khu Động Linh, phường Minh Thành (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) cũng là doanh nghiệp tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở thị xã Quảng Yên.

Năm 2012, sau khi thử nghiệm nuôi thành công 10ha tôm thẻ chân trắng, Công ty dần mở rộng diện tích nuôi lên 70ha với vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng mỗi ha để áp dụng công nghệ tiên tiến, bao gồm: Xử lý nước tăng cường an toàn sinh học và ngăn ngừa dịch bệnh; hệ thống sục khí đặc biệt để giảm chi phí năng lượng và tối ưu hóa lượng oxy cung cấp; hệ thống cho ăn tự động với cảm biến âm giúp cung cấp thức ăn theo nhu cầu của tôm, qua đó làm giảm chỉ số tiêu tốn thức ăn.

Theo đại diện doanh nghiệp, nuôi tôm công nghệ cao giúp nông dân và doanh nghiệp cải thiện quá trình nuôi, rút ngắn thời gian nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 đến 4 lần so với nuôi tôm truyền thống. Thời gian nuôi, doanh nghiệp chủ yếu sử dụng các chế phẩm vi sinh quản lý môi trường. Tỷ lệ tôm sống trên 90%. Sau khi thử nghiệm nuôi thành công 10ha tôm thẻ chân trắng, từ năm 2014, Công ty Cổ phần Thực phẩm BIM đã đưa vào sản xuất đại trà. 

28 năm qua, BIM Group luôn song hành với chặng đường phát triển chung của ngành nông nghiệp thực phẩm tại Việt Nam. Doanh nghiệp khẳng định phương thức kinh doanh bài bản, đầu tư công nghệ tiên tiến, quy trình quản lý theo chuỗi với nguồn nguyên liệu tinh túy để cung cấp những sản phẩm chất lượng cao và an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.