| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi an toàn dịch bệnh vùng biên [Bài 2]: Cách làm hay ở Lộc Ninh

Thứ Sáu 04/11/2022 , 11:40 (GMT+7)

Bình Phước Với phương châm nhà nước kết hợp sức dân, chủ trương di dời gia súc ra xa khu dân cư ở huyện biên giới Lộc Ninh giúp sạch môi trường và an toàn dịch bệnh.

Thay đổi tập quán chăn nuôi

Chăn nuôi được xem là sinh kế của hầu hết đồng bào thiểu số, kể cả người kinh ở huyện biên giới Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Từ lâu nay, người dân nơi đây thường có thói quen, tập quán nuôi nhốt gia súc lớn như trâu, bò ngay sát cạnh, dưới sàn nhà hoặc trong khu dân cư để phòng trộm cắp. Từ đó, vừa mất vẻ mỹ quan, vừa gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Chăn nuôi giá súc được xem là sinh kế của hầu hết đồng bào thiểu số ở huyện biên giới Lộc Ninh. Ảnh: Minh Sáng.

Chăn nuôi giá súc được xem là sinh kế của hầu hết đồng bào thiểu số ở huyện biên giới Lộc Ninh. Ảnh: Minh Sáng.

Từ thực tế trên, tháng 8/2021, chính quyền huyện Lộc Ninh đã có chủ trương thực hiện dự án hỗ trợ người dân di dời chuồng trại chăn nuôi gia súc ra khỏi khu dân cư để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và giúp chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Nắm bắt chủ trương của huyện, tất cả người dân đều đồng thuận cao.

Ông Phạm Hồng Đăng, Bí thư Đảng ủy xã Lộc An cho biết, Lộc An là xã thuần nông, đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là đồng bào Stiêng) chiếm trên 45%. Hàng chục năm nay do phần lớn bà con canh tác cây lúa nước nên trâu, bò trong gia đình là vật không thể thiếu. Việc chăn nuôi trâu, bò đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống cho bà con nơi đây.

Tuy nhiên, do thói quen, bà con thường cột trâu, bò sát cạnh hoặc trước sân nhà vừa mất vệ sinh, vừa mất mỹ quan, vừa tạo nguy cơ dịch bệnh. Đây là vấn đề nan giải mà nhiều năm qua địa phương chưa giải quyết được. Kể từ khi có chủ trương của Huyện ủy, địa phương đã nỗ lực triển khai các giải pháp hỗ trợ, giúp bà con di dời đàn gia súc ra khỏi khu dân cư.

“Đầu tiên chúng tôi ban hành Nghị quyết, sau đó thành lập các tổ di dời chuồng trại. Chúng tôi đi từng bước một, thứ nhất là tập trung công tác tuyên truyền người uy tín, già làng, các trưởng nhóm tin lành, linh mục. Sau đó, nhờ họ tuyên truyền trước cho bà con hiểu, tiếp theo mới cử cán bộ công chức xã đến bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trật các ấp cũng như các đoàn thể dưới ấp và khu dân cư đến tuyên truyền vận động.

Chính quyền địa phương vận động người dân nuôi nhốt gia súc xa khu dân cư. Ảnh: Minh Sáng.

Chính quyền địa phương vận động người dân nuôi nhốt gia súc xa khu dân cư. Ảnh: Minh Sáng.

Trên địa bàn xã có 158 hộ phải di dời và đáng mừng là tới nay chúng tôi đã tổ chức di dời xong dù gặp rất nhiều khó khăn. Đây là thành quả tốt đẹp, là chuyển biến rất tích cực đã tác động đến nhận thức của bà con và được bà con đồng tình với chủ trương này của huyện”, ông Phạm Hồng Đăng, Bí thư Đảng ủy xã Lộc An phấn khởi nói.

Điển hình như gia đình bà Thị Chiến ở ấp 54, xã Lộc An, bắt đầu nuôi bò từ năm 2018, bò được xem là nguồn thu nhập chính của gia đình, cũng như hàng trăm hộ chăn nuôi khác trong xã. Trước đây, do lo sợ bị trộm cắp, đàn bò của gia đình bà thường cột ngay nhà. Cuối năm 2021, sau khi được chính quyền, các đoàn thể tuyên truyền di dời gia súc theo chủ trương của huyện, bà rất đồng tình và vui vẻ làm theo. Hiện tại đàn bò gia đình bà có 10 con và đã di dời xa nhà theo đúng chủ trương của huyện.

Bà Thị Chiến bên chuồng trại mới của gia đình. Ảnh: Minh Sáng.

Bà Thị Chiến bên chuồng trại mới của gia đình. Ảnh: Minh Sáng.

“Hồi trước chưa hiểu, tôi nghĩ là làm chuồng gần nhà thì sẽ tiện chăm sóc và phòng trộm cắp. Sau khi cán bộ trong ấp tuyên truyền vận động về tác hại của việc chăn nuôi cạnh nhà và hỗ trợ làm chuồng mới, tôi đã cưa bỏ hơn chục cây cao su để làm chuồng ngay. Từ khi làm chuồng xa nhà, đến mùa mưa nếu mình vệ sinh chuồng thì nước thải sẽ chảy vào hầm trong vườn cao su. Qua đó, nhìn vô căn nhà mình thì cũng sáng sủa, không mất vệ sinh như trước đây, đàn vật nuôi cũng ít dịch bệnh”, bà Thị Chiến phấn khởi nói.

Cách làm hay, đồng thuận cao

Bên cạnh tuyên truyền, với chủ trương lấy sức dân để hỗ trợ cho dân, toàn bộ dự án di dời gia súc ra xa khu dân cư không dùng đến ngân sách nhà nước. Mỗi xã có cách làm khác nhau. Có xã thì vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm cùng với người dân đầu tư vật tư như cát, đá, xi măng, cây, tre, tôn… Có những xã chăn nuôi dày đặc thì xây dựng chuồng trại tập trung.

Khu nuôi nhốt gia súc tập trung tại xã Lộc Thành. Ảnh: Minh Sáng.

Khu nuôi nhốt gia súc tập trung tại xã Lộc Thành. Ảnh: Minh Sáng.

Tiêu biểu như xã Lộc Thành, nhờ có quỹ đất công, Lộc Thành là một trong 4 xã của huyện Lộc Ninh đã triển khai thành công xây dựng khu chuồng trại tập trung. Theo đó, trên diện tích đất công hơn 7 sào thuộc ấp Lộc Bình 1 nằm cách 700m so với khu dân cư, xã triển khai xây 34 chuồng trại tập trung với sức chứa trên 700 con trâu bò. Sau khi xây dựng xong, 208 hộ tại ấp đã đưa trâu bò vào khu tập trung để tiện theo dõi, chăm sóc.

Ông Điểu Nhữ là một trong số hộ ở ấp Lộc Bình 1 thuộc diện không có đất vườn để di dời đàn bò ra xa nhà mà phải di dời đến chuồng trại tập trung. Thay vì cảm thấy phiền hà thì việc di dời này ông cảm thấy mình là người may mắn vì nhiều năm qua ông và gia đình phải sống trong cảnh ô nhiễm. 

“Từ ngày nhà nước chuyển trâu bò mình về đây, mình thấy nhà cửa sạch sẻ, không còn mùi hôi thối nữa. Trước đây mỗi lần có tiệc tùng hay đám cưới khách khứa đi đường thấy phân bò, phân trâu rất khó coi. Bây giờ chuyển về đây khỏe hơn, không còn mùi gì hết, trâu bò cũng không sợ mất, dịch bệnh cũng ít đi”, ông Điểu Nhữ phấn khởi nói.

Ông Điểu Nhữ phấn khởi khi được dời đàn vật nuôi về khu nuôi nhốt tập trung. Ảnh: Minh Sáng.

Ông Điểu Nhữ phấn khởi khi được dời đàn vật nuôi về khu nuôi nhốt tập trung. Ảnh: Minh Sáng.

Theo UBND huyện Lộc Ninh, trước khi chủ trương di dời đàn gia súc ra khỏi khu dân cư, toàn huyện Lộc Ninh có 910 chuồng, điểm buộc gia súc nuôi nhốt trong khu dân cư gây ô nhiễm với hơn 4.700 con. Kể từ khi thực hiện chủ trương di dời chuồng gia súc ra khỏi khu dân cư, toàn bộ hệ thống chính trị từ huyện đến xã, ấp, sóc tham gia rất tích cực. Công tác tuyên truyền đã giúp người dân đồng tình thực hiện.

Đến nay việc di dời đã hoàn thành 100% số hộ theo kế hoạch. Đây là một thành công lớn của huyện biên giới Lộc Ninh trong việc thay đổi thói quen, nhận thức và hành động của đồng bào dân tộc thiểu số đối với việc nuôi nhốt gia súc trong khu dân cư. Chủ trương di dời đàn gia súc khỏi khu dân cư đã giúp mọi người ý thức hơn về bảo vệ môi trường, góp phần chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nâng cao tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương vùng biên.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.