| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi an toàn dịch bệnh vùng biên [Bài 1]: Chuyện con dê ở Bù Đốp

Thứ Năm 03/11/2022 , 15:09 (GMT+7)

Bình Phước Chăn nuôi dê tập trung và mạnh dạn xóa bỏ những điểm giết mổ manh mún đã giúp thủ phủ dê Bù Đốp dần đảm bảo an toàn dịch bệnh, tạo giá trị cao.

“Cái khó ló cái khôn”

Là vùng trồng hồ tiêu lớn của tỉnh Bình Phước, thời gian trước Bù Đốp phải đối mặt với thực trạng giá tiêu liên tục xuống thấp và dịch bệnh phá hoại vườn cây. Từ “cái khó ló cái khôn”, tận dụng khu vực tiêu già cỗi hoặc chết, cùng với nguồn lá cây từ các trụ sống, bà con đã chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn kết hợp chăn nuôi dê và trồng hồ tiêu.

Tận dụng nguồn lá cây từ các trụ sống vườn tiêu, bà con Bù Đốp đã chuyển đổi sang nuôi dê. Ảnh: Trần Trung.

Tận dụng nguồn lá cây từ các trụ sống vườn tiêu, bà con Bù Đốp đã chuyển đổi sang nuôi dê. Ảnh: Trần Trung.

Với đàn dê hơn 40 con gồm dê thịt và dê nái, hộ bà Trần Thị Lan, ấp Tân Lập, xã Tân Thành, huyện Bù Đốp có thêm thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm. Ngoài ra, nguồn phân bón từ chăn nuôi dê dùng để bón cho vườn tiêu giúp giảm chi phí đầu vào và cây tiêu có thể phát triển khỏe mạnh hơn nhờ vào nguồn phân hữu cơ.

“Phần lớn thức ăn cho đàn dê được sử dụng từ những nguồn sẵn có trong rẫy như lá cây keo dậu trồng làm trụ tiêu, cỏ trồng trong vườn tiêu và cây ngô. Đối với lượng phân xanh thu được từ chăn nuôi dê lại mang ra bón cho vườn tiêu, giúp tiêu phát triển tốt và giảm chi phí phân bón”, bà Lan cho biết.

Con dê dễ nuôi, ít bệnh tật, hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Trung.

Con dê dễ nuôi, ít bệnh tật, hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Trung.

Tương tự, với đàn dê gần 200 con, anh Trần Minh Thiện ở gần đó cho biết, so với chăn nuôi gà và các loài gia súc khác, con dê dễ nuôi hơn do ít bệnh tật, tận dụng được nguồn thức ăn từ sản phẩm phụ nông nghiệp, cây cỏ sẵn có trong vườn và những phế phẩm nông nghiệp khác. Trong khi chăn nuôi những loài gia cầm, gia súc khác thì chi phí thức ăn công nghiệp rất lớn, giá cả lại bấp bênh.

“Thịt dê là một trong thực phẩm thơm ngon, bổ dưỡng. Nếu như trước đây người dân địa phương chủ yếu tận dụng các loại cây cỏ trong vườn để chăn nuôi dê thì hiện nay nhiều hộ đã biết tận dụng các phế phụ phẩm như bã bia, bã đậu nành để giảm áp lực thức ăn, chi phí, nhân công. Từ đó, số lượng người tham gia nuôi dê ngày một nhiều, nhưng thị trường tiêu thụ vẫn rộng mở”, anh Thiện chia sẻ.

Giết mổ tập trung kiểm soát dịch bệnh

Theo phòng NN-PTNT huyện Bù Đốp, hiện nay đàn dê trên địa bàn huyện Bù Đốp khoảng 80.000 con, hầu hết người dân tại địa phương đều nuôi dê, hộ nuôi ít thì 15 – 20 con, hộ nuôi nhiều có khoảng 1.000 con. Đến nay, nguồn thịt dê và dê giống của Bù Đốp đang cung cấp cho thị trường Đông Nam Bộ và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước.

Nắm bắt nhu cầu thị trường, một số HTX tại huyện Bù Đốp đã đưa thịt dê vào chế biến nâng cao chuỗi giá trị. Ảnh: Trần Trung.

Nắm bắt nhu cầu thị trường, một số HTX tại huyện Bù Đốp đã đưa thịt dê vào chế biến nâng cao chuỗi giá trị. Ảnh: Trần Trung.

Tuy nhiên, phần lớn người dân chủ yếu tập trung khâu chăn nuôi và xuất dê hơi. Nắm bắt nhu cầu thị trường về thịt dê thương phẩm và chế biến, ở địa phương bắt đầu xuất hiện những cơ sở giết mổ nhưng còn rất manh mún, nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường.  Để tăng tính cạnh tranh đàn dê địa phương, huyện xác định tập trung hỗ trợ người dân phát triển toàn diện từ khâu chăn nuôi cho đến kiểm soát dịch bệnh, chế biến và tìm đầu ra ổn định cho đàn dê.

Theo đó, Phòng NN-PTNT đã tham mưu UBND huyện thực hiện tốt công tác quản lý cũng như công tác chuyển giao KH-KT, hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi dê. Đồng thời, để phát triển một cách bền vững, phòng NN-PTNT huyện đã hỗ trợ người dân xây dựng được 2 cơ sở giết mổ tập trung nhằm thực hiện tốt kiểm soát dịch bệnh. Song song đó, huyện cũng đang tập trung xây dựng thương hiệu, triển khai truy xuất nguồn gốc, nhãn mác để sản phẩm dê của địa phương khi xuất ra thị trường đảm an toàn, hợp pháp, tạo giá trị gia tăng cho người nuôi dê nói riêng và cho ngành nông nghiệp địa phương nói chung.

HTX đang được Phòng NN-PTNT huyện Bù Đốp hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Ảnh: Trần Trung.

HTX đang được Phòng NN-PTNT huyện Bù Đốp hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Ảnh: Trần Trung.

Là đơn vị được Phòng NN-PTNT huyện Bù Đốp vận động, hỗ trợ đưa dê vào giết mổ tập trung, bà Trần Thị Lụa (ấp Tân Lợi, xã Tân Thành) chủ cơ sở giết mổ cho biết, cơ sở của gia đình bà được xây dựng trên diện tích 4.200m2 vào năm 2015 với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường, bà bố trí từng ô riêng biệt cho từng loại gia súc và đặt chảo (phục vụ việc giết mổ) đáp ứng dịch tễ của từng loại.... Từ khi đưa dê vào giết mổ, cơ sở của bà nhận được sự đồng tình hưởng ứng của rất nhiều người nuôi dê tại địa phương.

Cán bộ thú y huyện Bù Đốp kiểm tra khu giết mổ tập trung của bà Trần Thị Lụa. Ảnh: Trần Trung.

Cán bộ thú y huyện Bù Đốp kiểm tra khu giết mổ tập trung của bà Trần Thị Lụa. Ảnh: Trần Trung.

“Chỉ tính riêng xã Tân Thành có hàng chục điểm giết mổ tự phát với quy mô nhỏ lẻ, khi cơ sở hình thành hầu hết các hộ giết mổ nhỏ lẻ đều tập kết về cơ sở của tôi để giết mổ tập trung. Toàn bộ sản phẩm sau khi giết mổ được cán bộ thú y kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, vừa giúp xây dựng thương hiệu dê địa phương, vừa giúp cơ sở hoạt động hiệu quả, đồng thời góp phần xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh”, bà Lụa phấn khởi nói.

“Xuất phát từ nhu cầu của các HTX, tổ hợp tác và người chăn nuôi dê, giữa năm 2021 huyện đã triển khai đưa dê vào lò giết mổ tập trung. Tuy nhiên, bước đầu thực hiện cũng có khó khăn bởi từ trước đến nay người dân chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, giết mộ tại gia ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh và thiếu sự kiểm soát quản lý của nhà nước. Qua thời gian tuyên truyền vận động, chủ các cơ sở giết mổ và nhận thức người dân được nâng cao, số lượng dê đem vào lò ngày càng nhiều. Hiện các cơ sở giết mổ tập trung đáp ứng khoảng 20-30% đàn gia súc của địa phương. Nếu trong tương lai đàn dê tiếp tục phát triển, huyện đề nghị cấp thêm các giấy phép để tăng thêm lò giết mổ gia súc tập trung đáp ứng nhu cầu trên địa bàn huyện”, ông Trần Văn Thành – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bù Đốp nhấn mạnh.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.