Đó là ý kiến chung của các cơ quan chuyên môn, tại hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm phòng chống bệnh DTLCP và phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học" do Cục Chăn nuôi, Cục Thú y phối hợp với Sở NN-PTNT Nam Định tổ chức ngày 13/8, tại Nam Định.
Nuôi lợn an toàn sinh học là lá chắn phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi. |
Thời gian qua, Nam Định có nhiều mô hình chăn nuôi công nghiệp khép kín với quy mô hàng trăm lợn nái sinh sản, hàng nghìn lợn thịt. Khi DTLCP xuất hiện, giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học là biện pháp cực kỳ quan trọng để ứng phó với dịch bệnh. Nhiều cơ sở chăn nuôi từ quy mô nông hộ đến quy mô lớn đã chủ động áp dụng đồng bộ, triệt để an toàn sinh học để ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập, lây nhiễm trên đàn lợn. Đến nay nhiều cơ sở chăn nuôi vẫn được bảo vệ tốt, chưa xảy ra dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, đến thời điểm này tỉnh Nam Định tổn thất chăn nuôi rất lớn, tổng đàn tiêu hủy 30%, có những hộ phải tiêu hủy toàn bộ, có hộ tiêu hủy một phần, có hộ chưa tiêu hủy gây tổn thất lớn.
Ông Hoan nêu ra 3 việc cần phải làm giữa người chăn nuôi và chính quyền, thứ nhất là đồng hành, trách nhiệm cùng nhau để sớm kiểm soát được và chấm dứt được DTLCP trên toàn tỉnh. Thứ hai, trong quá trình phòng chống dịch, người dân tự tìm hiểu, tự khám phá để phòng chống tốt hơn với dịch bệnh. Thứ ba, tổ chức lại chăn nuôi, hướng tới phát triển bền vững, hiệu quả cao hơn về mặt kinh tế và môi trường.
“Đề nghị trước hết từng chủ hộ chăn nuôi, từng trang trại phải xem xét quá trình đầu tư, khâu nào làm tốt, khâu nào chưa tốt… Chúng ta phải là những người chăn nuôi thông minh, chứ không nuôi theo phong trào, phải có trách nhiệm với cộng đồng. Sở NN-PTNT dựa trên cơ sở thực tiễn đưa ra biện pháp để chuyển tải xuống địa bàn huyện, xã, người dân… cập nhập thông tin, chia sẻ kinh nghiệm. Từ đó hoàn thiện về quy trình chăn nuôi an toàn sinh học trên toàn tỉnh”, ông Hoan đề nghị.
Quang cảnh hội thảo. |
Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, DTLCP rất nguy hiểm, không có thuốc để trị bệnh, hiện biện pháp duy nhất là chăn nuôi an toàn sinh học. Ngoài áp dụng an toàn trong chuồng trại, các hộ chăn nuôi lớn phải chủ động chủ động việc tiêm phòng.
Bà Thủy nhấn mạnh: “Việc phòng bệnh đối với các hộ dân là chủ yếu, không phải chờ hướng dẫn của thú ý, các xã, huyện… Hiện nay đội ngũ cơ sở rất mỏng. Đặc biệt biện pháp an toàn sinh học rất quan trong. DTLCP không thể hết trong một, hai năm được, cùng với virus tồn tại lâu dài ngoài môi trường thì vacxin chưa có, biện pháp an toàn sinh học là cuối cùng chúng ta áp dụng”.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá, ngành chăn nuôi chưa bao giờ gặp khó khăn như thời điểm này. Năm 2017 chúng ta khó khăn thị trường, năm 2019 là dịch bệnh. Thị trường có lãi, có lỗ, có hòa nhưng với dịch bệnh là yếu điểm của chăn nuôi các nước, đặc biệt chăn nuôi nước ta.
"Vấn đề an toàn vệ sinh, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học ở nước ta đang được quan tâm hơn bao giờ hết. Đây cũng là thời điểm chứng kiến sự chuyển mình của ngành chăn nuôi. Hình thức chăn nuôi có điều kiện, đảm bảo an toàn dịch bệnh, hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị là vấn đề cực kỳ cấp thiết...", ông Dương chia sẻ.