| Hotline: 0983.970.780

Nâng tầm quy mô, chất lượng bò sữa ở Lâm Đồng

Thứ Năm 09/03/2023 , 06:05 (GMT+7)

Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu phát triển đàn bò sữa khoảng 35.000 con vào năm 2025 với tổng sản lượng sữa tươi khoảng 135.000 tấn.

Đưa công nghệ vào trang trại

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng, đến cuối tháng 2/2023, toàn tỉnh có khoảng 25,5 nghìn con bò sữa, tăng 2,1% so với cùng kỳ. Hiện nay, bò sữa được phát triển tập trung ở các huyện như Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc. Sản lượng sữa bò của địa phương ước đạt khoảng 290 tấn/ngày.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho hay, toàn tỉnh hiện có trên 1,2 nghìn hộ, trang trại và 5 doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa. Đặc biệt có 2 trang trại chăn nuôi bò sữa hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu tại huyện Di Linh và Đơn Dương với tổng đàn trên 1 nghìn bò sữa. Sản phẩm sữa tươi của nông dân trên địa bàn cũng được các doanh nghiệp và hợp tác xã thu mua với giá ổn định từ 13.000 đến 17.000 đồng/kg. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, hiện nay các công ty thu mua sữa tươi nguyên liệu đều đã tăng giá mua từ 1.000 đến 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời các công ty cũng có chính sách hỗ trợ giá thức ăn chăn nuôi giúp các trang trại, nông hộ ổn định sản xuất.

anh 4 bo sua

Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 25,5 nghìn con bò sữa với sản lượng sữa tươi khoảng 290 tấn/ngày. Ảnh: Minh Hậu.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, nghề chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng gặp khó khăn về giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Một số thời điểm đàn bò sữa giảm do các hộ chăn nuôi giảm đàn hoặc chuyển hướng kinh doanh.

Ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản tỉnh Lâm Đồng cho biết, thời gian qua, địa phương đã tập trung thực hiện các kế hoạch phát triển giống bò sữa. Trong đó, tỉnh đã ứng dụng phối tinh phân ly giới tính bò sữa để cải tạo, nâng cao chất lượng giống, tăng nhanh đàn bò sữa với kết quả đạt được trên 90% bê con được sinh ra là bê cái giúp tăng nhanh tốc độ tăng đàn tự nhiên. Ngoài ra, các doanh nghiệp, nông cũng xây dựng chuồng trại theo công nghệ hiện đại như hệ thống mái được áp dụng công nghệ chống nóng bằng tôn lạnh, lớp nguyên liệu cách nhiệt, xây dựng hệ thống máng uống tự động, hệ thống quạt, thông gió tự động dựa vào cảm ứng nhiệt độ và độ ẩm chuồng nuôi để làm mát trong chuồng, tạo tiểu khí hậu chuồng nuôi phù hợp với điều kiện phát triển chăn nuôi bò sữa. Một số doanh nghiệp cũng đầu tư hệ thống cào phân tự động, công nghệ xử lý phân, nước thải tiên tiến.

Tại Lâm Đồng, các trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô lớn hiện sử dụng máy liên hợp, phối trộn khẩu phần thức ăn hoàn chỉnh theo phương pháp TMR (Total mixing rotation) được cân bằng về dinh dưỡng. Công nghệ này giúp tăng năng suất, chất lượng sữa. Tại một số trang trại, doanh nghiệp còn sử dụng robot đẩy thức ăn tự động để giảm công lao động và đảm bảo thức ăn thường xuyên cho bò sữa.

anh 11 bo sua

Sản phẩm sữa bò của các trang trại, hộ dân sản xuất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện được tiêu thụ bởi 5 công ty. Ảnh: Minh Hậu. 

“Hiện nay có khoảng 100% hộ chăn nuôi bò sữa sử dụng máy vắt sữa thay cho việc vắt sữa thủ công nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi bò sữa”, ông Phạm Phi Long nói và cho biết thêm, các trang trại bò sữa của Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt và Công ty Cổ phần sữa Việt Nam đã xây dựng mô hình chuồng trại công nghiệp. Theo đó, mỗi bò sữa được gắn chíp điện tử gắn với máy tính và điện thoại để theo dõi tình trạng ăn uống, nghỉ ngơi, theo dõi tình hình sức khỏe, bệnh tật và theo dõi, phát hiện động dục, sản lượng sữa để kịp thời điều chỉnh chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý phù hợp. Đồng thời, 2 doanh nghiệp này cũng đã lắt đặt hệ thống massage tự động cho bò sữa và cho bò nghe nhạc để kích thích tăng năng suất sữa.

Thu hút đầu tư nhà máy chế biến sữa, thức ăn chăn nuôi

Ông Nguyễn Văn Châu cho biết, địa phương xác định bò sữa là một trong những vật nuôi chủ lực. Do vậy, tỉnh đang từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi. Hiện nay, địa phương xây dựng kế hoạch phát triển đàn bò sữa lên 26.530 con vào cuối năm 2023 với sản lượng sữa tươi đạt 113.230 tấn.

Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng đưa ra kế hoạch nâng cao chất lượng sữa tươi nguyên liệu và trên 95% sản lượng sữa tươi do nông dân sản xuất được các doanh nghiệp chế biến ký hợp đồng tiêu thụ.

anh 6 bo sua

Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu phát triển đàn bò sữa khoảng 35.000 con vào năm 2025 với tổng sản lượng sữa tươi khoảng 135.000 tấn. Ảnh: Minh Hậu.

Để đạt các mục tiêu trên, địa phương đang tập trung vào chọn lọc, nâng cao chất lượng giống bò sữa bằng các biện pháp như nhập khẩu giống có năng suất, chất lượng, áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong phối giống… Ngành nông nghiệp cũng hỗ trợ người dân nâng cao kỹ thuật chăn nuôi nhằm tạo ra nguồn sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đồng thời tập trung phát triển chăn nuôi bò sữa gắn với liên kết tiêu thụ, tăng thu nhập cho người dân.

Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng thu hút đầu tư các nhà máy chế biến thức ăn và nhà máy chế biến sữa nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai.

Ông Phạm Phi Long cho hay, ngành nông nghiệp đề ra mục tiêu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng trang trại chăn nuôi quy mô lớn, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo quy mô công nghiệp, chăn nuôi khép kín, chăn nuôi hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời duy trì chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi truyền thống theo hướng an toàn sinh học, hạn chế ô nhiễm môi trường. “Địa phương tập trung chuyển từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang phát triển trang trại quy mô vừa đến quy mô lớn. Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sinh học nhằm nâng cao giá trị sản phẩm”, ông Phạm Phi Long nói. Tỉnh cũng xây dựng liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và tăng giá trị; đề ra mục tiêu chuyển đổi giống vật nuôi theo hướng tăng năng suất, chất lượng cao. Cùng với đó là thu hút doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, nhà máy chế biến sữa để ngành chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững.

Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2025, tỷ lệ đàn bò sữa thuần của tỉnh đạt trên 95%. Cũng trong giai đoạn này, địa phương tăng cường hỗ trợ công tác lai tạo giống bò sữa cao sản gắn với liên kết trong thu mua, chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm từ sữa. Đưa ra kế hoạch ưu tiên phát triển đàn bò sữa tại các địa phương có truyền thống như huyện Đơn Dương, Đức Trọng và thành phố Bảo Lộc, tăng đàn tại các địa phương có tiềm năng, lợi thế như huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm. Đến năm 2025, tổng đàn bò sữa toàn tỉnh đạt 30.000 đến 35.000 con, quy mô chăn nuôi bình quân đạt 15 - 20 con/cơ sở, quy mô chăn nuôi trang trại quy mô lớn đạt trên 40%, tổng sản lượng sữa tươi khoảng 135.000 tấn.

Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 5 công ty thu mua sữa bò nguyên liệu gồm Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt (Dalatmilk), Công ty Friesland campina VietNam (Cô gái Hà Lan), Công ty TNHH sản xuất - thương mại Kim Phát (VP milk), Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ nông nghiệp xanh. Các đơn vị này có 26 trạm thu mua sữa tươi nguyên liệu phân bố trên toàn tỉnh. Đặc biệt, Dalatmilk và VP milk có nhà máy chế biến sữa tươi đặt tại tỉnh Lâm Đồng với công suất tối đa khoảng 58 tấn sữa/ngày.

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.