Ban chủ tọa và ban cố vấn tại diễn đàn |
Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, vùng trung du miền núi phía Bắc có lợi thế đất đai rộng, nhiều đồng cỏ tự nhiên, là điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Chính sách hỗ trợ, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ phát triển chăn nuôi được tăng cường đầu tư, ứng dụng tiến bộ KHCN về giống, thức ăn, kỹ thuật và công tác thú y được quan tâm nên chất lượng đàn vật nuôi được cải thiện đáng kể.
Tại nhiều địa phương, chăn nuôi đại gia súc đã trở thành ngành kinh tế mang lại thu nhập cao cho người dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế công nghiệp - nông thôn. Ước tính đến tháng 8/2018, toàn vùng có tổng đàn bò chiếm 17,5%; đàn trâu, chiếm gần 57%, đàn dê chiếm gần 35% và đàn ngựa chiếm 88,6% tổng đàn của cả nước. Tổng sản lượng đạt khoảng hơn 500.000 tấn/năm.
Theo Sở NN-PTNT Hòa Bình, toàn tỉnh có gần 119.000 con trâu, gần 86.000 con bò. Thế mạnh nổi bật của ngành chăn nuôi trong tỉnh Hòa Bình là có quỹ đất đồi rừng khá lớn, vị trí địa lý, hệ thống đường giao thông tương đối thuận lợi. Diện tích đất rừng lớn, đất nông nghiệp lớn nên có nhiều cây thức ăn xanh, cùng với nguồn phụ phẩm nông nghiệp phong phú. Do đó, có thể phát triển chăn nuôi đa dạng, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã nghe 4 báo cáo tham luận. Ban chủ tọa cùng các chuyên gia tư vấn đã giải đáp hàng chục câu hỏi của người dân tập trung về các vấn đề như cách phòng chống dịch bệnh, kỹ thuật chăn nuôi, chính sách hỗ trợ, nguồn thức ăn, liên kết SX…
“Được biết tỉnh Hòa Bình đã triển khai mô hình vỗ béo bò thịt, vậy tôi muốn tham gia thì cần những điều kiện gì?”, ông Chu Văn Nam (Kim Bôi, Hòa Bình) hỏi.
Ban cố vấn đáp: “Để tham gia mô hình khuyến nông nói chung và mô hình vỗ béo bò thịt nói riêng thì yêu cầu người dân phải hết sức tự nguyện tham gia. Cam kết thực hiện tốt quy trình quy hoạch các mô hình khuyến nông cũng như mô hình vỗ béo bò thịt chuyển giao. Tự nguyện đóng góp đầy đủ vật tư tương ứng để thực hiện đúng quy trình kỹ thuật được chuyển giao. Sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật chăn nuôi đã học được hoặc áp dụng thành công cho những người khác. Phải được cộng đồng người dân trên địa bàn sinh sống thống nhất, lựa chọn để tham gia mô hình khuyến nông. Ngoài ra, đàn bò phải đạt đúng tiêu chuẩn quy định đề ra…”.
Bà Phạm Thị Vân (tỉnh Phú Thọ) có hỏi: “Đề nghị cho biết cách khử mùi phân bò, phân trâu và cách xử lý môi trường xung quanh chuồng trại để không bị ảnh hưởng đến các nhà dân xung quanh và đảm bảo sức khỏe cho chính chủ trang trại?”.
“Hiện trong chăn nuôi, có nhiều phương pháp để khử mùi hôi và xử lý môi trường chăn nuôi. Đối với những hộ nuôi nhỏ lẻ, cần áp dụng một số phương pháp như xây dựng hầm biogas; hoặc xử lý chất thải rắn bằng phương pháp ủ nhiệt, bằng cách đào 1 hố rộng, cho phân vào hố, vãi vôi bột lên, rồi ủ lại với thời gian từ 20 - 30 ngày. Kết thúc thời gian ủ, có thể đem ra ruộng bón cho lúa hoặc bón cho cây trồng. Ngoài ra, các chủ hộ có thể xử lý bằng đệm lót sinh học…”, ban cố vấn cho hay.
Lãnh đạo các đơn vị tham quan mô hình chăn nuôi bò theo chuỗi giá trị tại xã Yên Mông |
Ông Bùi Văn Ngọ (Hòa Bình) có hỏi: “Tôi muốn vay vốn để chăn nuôi đàn gia súc thì vay như thế nào và có nguồn vốn hỗ trợ không?”
Với câu hỏi này, ông Nguyễn Hồng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình trả lời: “Nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cho chăn nuôi đại gia súc hiện chỉ tập trung hỗ trợ người nông dân áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào SX. Bằng cách hỗ trợ con giống đã được chọn lọc, tiêm vacxin đầy đủ, chứ không hỗ trợ tiền mặt. Về việc vay vốn để chăn nuôi, nhà nước đã tập trung giao cho các hệ thống ngân hàng chi nhánh trên địa bàn tỉnh, người chăn nuôi muốn vay ở ngân hàng nào thì trực tiếp đến đó để tham khảo các điều khoản khi vay…”.
Trước đó, lãnh đạo các đơn vị đã đi tham quan mô hình chăn nuôi bò theo chuỗi giá trị tại xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình.
Kết luận diễn đàn, bà Hạ Thúy Hạnh đã đưa ra một số kiến nghị và đề xuất một số giải pháp nhằm khôi phục, phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các tỉnh phía Bắc như giải pháp về chuyển đổi phương thức chăn nuôi; giải pháp về giống, thức ăn; giải pháp về vệ sinh thú y và công tác phòng chống bệnh; giải pháp đào tạo tập huấn và thông tin tuyên truyền; tổ chức SX... |