| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi nông hộ lao đao vì dịch bệnh

Đứt gãy hệ thống thú y cơ sở, khó kiểm soát dịch bệnh

Thứ Hai 02/10/2023 , 09:43 (GMT+7)

Hệ thống thú y cơ sở bị đứt gãy khiến công tác quản lý chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi những năm qua gặp rất nhiều khó khăn.

Cán bộ thú y cơ sở, đặc biệt là ở các xã hiện đang phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau. Ảnh: L.K.

Cán bộ thú y cơ sở, đặc biệt là ở các xã hiện đang phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau. Ảnh: L.K.

Theo ông Đỗ Văn Chung, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi, trước năm 2019, theo đúng Luật Thú y, cơ quan quản lý nhà nước về chăn nuôi thú y cấp tỉnh có Chi cục Chăn nuôi và Thú y; cấp huyện có Trạm Chăn nuôi và Thú y thuộc Chi cục. Ngoài ra, ở xã có nhân viên thú y nên công tác chăn nuôi và thú y, nhất là kiểm soát và xử lý ổ dịch mỗi khi có dịch bệnh xảy ra rất thuận lợi, hiệu quả.

Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, Trạm Chăn nuôi và Thú y sáp nhập vào Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thuộc huyện, chức năng quản lý nhà nước về chăn nuôi và thú y cấp huyện thuộc Phòng NN-PTNT hoặc phòng kinh tế. Nhân viên cấp xã sáp nhập vào vị trí người hoạt động không chuyên trách với chức danh Giao thông - Thủy lợi, Thú y - Khuyến nông.

Do đó, nhiều địa phương không bố trí được người có chuyên môn dẫn đến công tác chăn nuôi và thú y, nhất là kiểm soát và xử lý ổ dịch mỗi khi có dịch bệnh xảy ra rất khó khăn. Hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y trên địa bàn tỉnh tỉnh bị đứt gãy, thiếu người có chuyên môn tham mưu và triển khai thực hiện công tác chuyên môn về chăn nuôi thú y trên địa bàn.

“Thiếu lực lượng tiêm phòng, kiểm soát giết mổ, giám sát dịch, xử lý ổ dịch, báo cáo dịch… nên khi có dịch bệnh mới như bệnh dịch tả lợn Châu Phi, bệnh viêm da nổi cục bất ngờ xảy ra, công tác phòng, chống không kịp thời đã lây lan ra diện rộng gây thiệt hại kinh tế rất lớn”, ông Chung thừa nhận.

Việc một cán bộ cấp xã được phân công phụ trách nhiều lĩnh vực khác nhau khiến cho khối lượng công việc thực hiện rất lớn. Mỗi khi có dịch bệnh xảy ra hoặc triển khai công tác tiêm phòng, hầu hết các địa phương đều thuê lực lượng thú y làm nghề tự do để phối hợp triển khai. Tuy nhiên, vấn đề thuê người này cũng khá khó khăn ở rất nhiều địa phương.

Các địa phương ở Quảng Ngãi cho rằng, hiện nay mỗi khi có dịch bệnh hoặc thực hiện tiêm phòng cho vật nuôi thì việc thuê người phối hợp thực hiện là rất khó. Ảnh: L.K.

Các địa phương ở Quảng Ngãi cho rằng, hiện nay mỗi khi có dịch bệnh hoặc thực hiện tiêm phòng cho vật nuôi thì việc thuê người phối hợp thực hiện là rất khó. Ảnh: L.K.

Ông Nguyễn Hữu Năm, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận (huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) cho hay, địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm tương đối lớn. Trong đó tính riêng đàn heo khoảng gần 6.700 con. Theo định kỳ hàng năm, xã sẽ tổ chức tiêm phòng dịch bệnh vào 2 đợt.

“Với 1 cán bộ thú y ở xã không thể làm xuể nên phải thuê người. Kinh phí thuê người này được lấy từ ngân sách địa phương nên rất hạn chế, thường thì khoảng trên dưới 200.000 đồng/1 ngày công. So với việc họ (lực lượng thú y làm nghề tự do) làm dịch vụ ngoài không đáng bao nhiêu. Vậy nên hầu như họ không muốn làm, khó tìm người”, ông Năm nói.

Đối với công tác thực hiện nhiệm vụ thú y cấp địa phương đã khó khăn như vậy nên cấp Chi cục còn nặng nề hơn. Hiện theo quy định, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm trong nhiều lĩnh vực. Có thể kể đến như: Chỉ đạo xây dựng và tổ chức vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, vùng chăn nuôi, sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi, giết mổ động vật tập trung; thống kê, đánh giá thiệt hại do dịch bệnh động vật gây ra…

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi, với khối lượng công việc nhiều như vậy nhưng đơn vị này chỉ có 18 công chức có chuyên môn nghiệp vụ chăn nuôi thú y. Trong khi đó, thực trạng sản xuất kinh doanh về chăn nuôi, thú y trên địa bàn chủ yếu ở quy mô nông hộ; cơ sở kinh doanh sản phẩm động vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… còn manh mún, nhỏ lẻ, phân bố khắp nơi nên thiếu nguồn lực để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch bệnh.

“Vì thiếu nguồn lực, nhất là ở cấp huyện, cấp xã nên hệ quả nhiều lĩnh vực công tác về chăn nuôi và thú y ở địa phương như kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, tiêm phòng, tiêu độc, giám sát dịch, báo cáo dịch thiếu lực lượng tham mưu, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện”, ông Đỗ Văn Chung nhìn nhận.

Theo ông Đỗ Văn Chung, nhìn nhận được vấn đề này, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Quyết định số 1682 về việc tăng cường năng lực hệ thống cơ quan chuyên ngành thú y các cấp đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi sẽ thực hiện kiện toàn, củng cố, đầu tư tăng cường năng lực và nguồn lực của hệ thống quản lý về thú y các cấp từ tỉnh (Chi cục Chăn nuôi và Thú y), huyện (Trạm Chăn nuôi và Thú y), xã (nhân viên Thú y) nhằm đáp ứng yêu cầu thực thi các nhiệm vụ hiệu quả, phù hợp với thực tiễn.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.