| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi tuần hoàn phát triển ở Quảng Bình

Thứ Tư 27/11/2024 , 17:41 (GMT+7)

Gia đình chị Nguyễn Thị Hằng đã phát triển trang trại chăn nuôi tuần hoàn an toàn sinh học gắn với việc phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi tuần hoàn.

Đàn bò của gia đình chị Hằng với giống bò lai to lớn và phát triển tốt. Ảnh: T. Phùng.

Đàn bò của gia đình chị Hằng với giống bò lai to lớn và phát triển tốt. Ảnh: T. Phùng.

Cách đây mấy năm, gia đình chị Nguyễn Thị Hằng ở xóm Rẫy, xã Hòa Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), đã thuê, mua lại vùng đất đồi trồng cây keo ở xa khu dân cư để phát triển kinh tế trang trại. Với số vốn vay ban đầu, vợ chồng chị Hằng mua 5 con bò sinh sản về chăm sóc và thả thêm vài đàn gà thả đồi, ngan nuôi cạn… Nhờ chăm chỉ và mát tay nên đàn gà, bầy ngan cũng đã nhanh cho thu nhập.

“Chúng tôi thực hiện lấy ngắn nuôi dài, lấy thu nhập từ nuôi gà, ngan để tái tăng đàn tích lũy để mua thêm bò sinh sản nhằm tăng nhanh tổng đàn bò”, chị Hằng cho hay.

Để có đàn bò chất lượng cao, chị Hằng dồn tiền mua một bò đực lai ngoại to lớn đưa về nuôi để phối giống. Nhờ vậy. những bê non sinh ra đều lớn nhanh, chống chịu được bệnh và có tầm vóc cao gấp đôi giống bò địa phương.

Hàng ngày, anh Nguyễn Lý (chồng chị Hằng), đánh xe bò vào tìm kiếm những vạt chuối rừng để chặt mang về thái, trộn với các loại cám làm thức ăn thêm cho bò và các loại gia cầm. Nhưng như vậy cũng tốn nhiều công sức, thời gian. Vì vậy, anh chị lại thuê đất mở rộng diện tích để trồng cỏ nuôi bò và ngày càng chủ động nguồn thức ăn.

Khi những bê non được sinh ra và đàn bò tăng trưởng lên hơn chục con, anh Lý lấy phân chuồng ủ hoai nuôi giun quế làm thức ăn cho gà, ngan. Lượng phân ủ hoai cũng được bón cho nương cỏ nên lúc nào cũng xanh tốt.

“Chúng tôi cũng thường xuyên nghe đài, xem báo để học cách người ta làm trang trại tuần hoàn mà học theo. Cơ bản là chúng tôi đã xử lý được lượng phân bò trở thành hữu ích và giảm được chí phí thức ăn cho vật nuôi, tiết giảm được chi phí hiệu quả sản xuất sẽ được tăng lên”, anh Lý cũng cho hay.

Hiện tại, đàn bò của gia đình chị Hằng đã tăng lên được 35 con, trong đó có gần 20 bò sinh sản. “Do được chăm sóc tốt và nguồn thức ăn tận dụng được từ các loại nông sản gia đình tự trồng nên đàn bò nhanh lớn. Mỗi năm, trong bình cũng được 10 - 15 bê con ra đời”, chị Hằng nói thêm,

Cán bộ thú y thực hiện tiêm phòng vacxin tại trang trại gia đình chị Hằng. Ảnh: T. Phùng.

Cán bộ thú y thực hiện tiêm phòng vacxin tại trang trại gia đình chị Hằng. Ảnh: T. Phùng.

Cũng theo chị Hằng, khi tổng số đàn bò lên khoảng 50 con sẽ giữ ổn định số lượng để phù hợp với nhân lực chăm sóc, quản lý của gia đình.

“Đến khi đó mỗi năm gia đình cũng sẽ bán bò giống, bò thịt cho người có nhu cầu. Dự tính, mỗi năm cũng bán từ 10 - 15 con, cho thu nhập cũng khoảng 200 - 300 triệu đồng mỗi năm. Riêng đàn bò vốn cũng có trị giá trị khoảng tỷ đồng”, chị Hằng nói.

Trong thời gian nuôi, gia đình chị Hằng luôn chú trọng đến công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Gia đình luôn chủ động phối hợp với cán bộ thú y cơ sở để thực hiện tiêm vacxin các loại cho đàn bò. Ngoài ra, cũng phun tiêu độc khử trùng khu vực nuôi nhằm phòng chống có hiệu quả dịch bệnh trên đàn gia cầm.

Chị Nguyễn Thị Lệ Thủy, cán bộ thú y chuyên trách của xã Hòa Trạch cũng cho hay, trang trại gia đình chị Hằng tuy chưa phải là lớn nhưng lại rất chú trọng đến công tác thú y.

“Đó cũng là cách để người chăn nuôi bảo vệ tài sản lớn của mình trước dịch bệnh. Vì khi thực hiện phòng bệnh thì rủi ro sẽ giảm xuống. Nhờ làm tốt phòng chống dịch bệnh mà nhiều năm qua, trang trại chị Hằng luôn giữ được an toàn cho đàn vật nuôi”, chị Thủy chia sẻ thêm.

Nói về phát triển trang trại, chị Hằng cũng cho hay sẽ tích lũy thêm vốn để thuê hoặc mua thêm rẫy nhằm mở rộng diện tích trang trại lên khoảng 5ha. “Trong đó để có vườn rau, vườn cỏ, vườn chuối nhu cầu thức ăn cho đàn bò và vật nuôi khác”, chị Hằng nói.

Xem thêm
Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Dùng nước tưới tiết kiệm để chống hạn cho vụ xuân

Chủ động biện pháp phòng ngừa hạn hán, thiếu nước, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Kỹ thuật thâm canh cây nghệ và chế biến sau thu hoạch

Để tăng cao thu nhập trong trồng nghệ, nhà nông cần xen canh với cây lạc, kết hợp chế biến sau thành dược liệu và gia vị.