| Hotline: 0983.970.780

Chặt tre nuôi dúi, năm đút túi 200 triệu đồng

Thứ Bảy 13/07/2024 , 14:43 (GMT+7)

Quảng Bình Anh Nhật là người tiên phong đưa con dúi về nuôi tại xã miền núi và cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Trang trại nuôi dúi sinh sản và thương phẩm của anh Phạm Hùng Nhật. Ảnh: T.P.

Trang trại nuôi dúi sinh sản và thương phẩm của anh Phạm Hùng Nhật. Ảnh: T.P.

Sau khi tốt nghiệp THPT, Phạm Hùng Nhật (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), chọn cho mình con đường xuất ngoại đến Nhật Bản theo hình thức vừa học vừa làm.

Sau 4 năm tích lũy kiến thức, vừa tìm được việc làm phù hợp thì dịch Covid-19 bùng phát. Bám trụ thêm một thời gian, Nhật quyết định trở về quê hương lập nghiệp.

Về quê ở Trường Xuân là xã miền núi, điều kiện sản xuất còn nhiều khó khăn nên Nhật cũng trăn trở tìm con đường khởi nghiệp cho riêng mình.

Trong một lần xem mạng xã hội, tình cờ biết đến mô hình nuôi dúi, anh rất thích và muốn làm thử để rút kinh nghiệm. Anh đã ra các tỉnh miền núi phía Bắc, tìm đến các trang trại nuôi dúi để học hỏi kinh nghiệm.

“Trong hai tháng, tôi đã đến nhiều trại nuôi dúi ở các tỉnh để tìm hiểu, học hỏi tích luỹ thêm kiến thức”, Nhật chia sẻ.

Trở về, trên mảnh đất của gia đình, anh đầu tư xây dựng chuồng nuôi và mua 40 cặp giống về nuôi. Giống dúi chọn nuôi là dúi mốc, được đưa về từ tỉnh Quảng Ninh.

Ban đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm cộng với sự chênh lệch về khí hậu ở các vùng miền dẫn đến dúi bị sốc nhiệt, nhiều con chết do viêm phổi.

“Khi dúi bị bệnh chết, tôi rất hoang mang. Nhưng rồi, tôi có thêm kiến thức phòng chữa bệnh cho dúi nhờ qua giao lưu hội, nhóm... Từ đó, tôi đã vượt qua được giai đoạn khó khăn ban đầu”, anh Nhật chia sẻ.

Có con giống chất lượng, anh Nhật cũng mong muốn bà con cùng tham gia nuôi dúi để tăng thu nhập. Ảnh: T.P.

Có con giống chất lượng, anh Nhật cũng mong muốn bà con cùng tham gia nuôi dúi để tăng thu nhập. Ảnh: T.P.

Trao đổi với chúng tôi về kỹ thuật nuôi dúi, anh Nhật cho biết, chuồng nuôi dúi thiết kế đơn giản, không tốn nhiều diện tích. Chuồng phải kín gió, bố trí nơi ít tiếng động và dúi ưa tối nên cần che chắn để ánh sáng mặt trời không chiếu trực tiếp vào.

“Để dúi sinh trưởng và phát triển tốt, chuồng nuôi phải bảo đảm tiêu chuẩn mát về mùa hè, ấm vào mùa đông. Nuôi dúi quan trọng nhất là khí hậu, vì loài này dễ sốc nhiệt”, anh Nhật chia sẻ kinh nghiệm.

Cũng theo kinh nghiệm của anh Nhật, tại những vùng có thời tiết nắng nóng, nên các máy đo nhiệt độ để điều chỉnh hợp lý điều kiện thích nghi là 25-32 độ C.

Tại các chuồng nuôi vào mùa hè, ngoài hệ thống quạt làm mát, anh Nhật còn đặt nhiều chậu nước xung quanh chuồng để giữ ẩm và làm trần chống nóng bằng lá cọ.

Theo anh Nhật, nuôi dúi ít tốn chi phí và công chăm sóc, thức ăn chủ yếu là tre, thân cây mía, hạt bắp… Tận dụng diện tích đất vườn, Nhật tự trồng các loại cây để làm thức ăn cho dúi.

Mỗi ngày chỉ cho dúi ăn một lần vào chiều tối. Đặc biệt, loài dúi không cần uống nước, lượng chất thải ra ít và khô nên khoảng 3 ngày sẽ dọn chuồng một lần.

Khai thác tre nứa tự nhiên trong rừng để làm thức ăn chính cho dúi. Ảnh: T.P.

Khai thác tre nứa tự nhiên trong rừng để làm thức ăn chính cho dúi. Ảnh: T.P.

Đến nay, gia đình Nhật duy trì ổn định gần 60 cặp dúi bố mẹ. Mỗi chuồng nuôi, anh đều đánh số, ghi chép cẩn thận. Nhờ nắm rõ đặc tính của từng con dúi bố mẹ nên quá trình ghép đôi, sinh sản và chăm sóc dúi con đều rất thuận lợi.

“Dúi sinh sản rất nhanh, một năm 1 con dúi mẹ đẻ khoảng 3 - 4 lứa, mỗi lứa khoảng 3 - 5 con. Mỗi con từ khi sinh ra khoảng 3 tháng là có thể đem bán làm con giống, những con dúi thương phẩm sau 6 - 7 tháng có thể đạt trọng lượng từ 1,2 - 2kg”, anh Nhật cho biết.

Theo anh Nhật, thịt dúi rất ngon và bổ dưỡng nên trở thành đặc sản của nhiều địa phương. Giá thành dúi thương phẩm dao động từ 550.000 - 650.000 đồng/kg, con giống có giá bán từ 2,4 - 3 triệu đồng. “Từ nuôi dúi, mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập hơn 200 triệu đồng”, anh Nhật nói thêm.

Phát huy tiềm năng lợi thế nguồn thức ăn cho vật nuôi để khai thác từ tre, nứa trồng hoặc tự nhiên trong rừng, anh Nhật xây dựng quy mô trang trại có thể nuôi hơn 500 con dúi.

Ngoài việc ghép đôi nhân giống dúi mốc, anh Nhật mua thêm giống dúi má đào về nuôi. “Đây là hai loại dúi có nhiều ưu điểm vượt trội, như dễ thích nghi với môi trường, lớn nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại dúi khác”, anh Nhật nói.

Chế biến tre làm thức ăn cho dúi. Ảnh: T.P.

Chế biến tre làm thức ăn cho dúi. Ảnh: T.P.

Để tạo nguồn sản phẩm tốt và có thêm nhiều người phát triển nuôi dúi, anh Nhật cũng mong muốn, khuyến khích bà con các thôn, bản ở địa phương tham gia. Anh sẽ hỗ trợ bằng cách hướng dẫn kỹ thuật nuôi và bao tiêu sản phẩm cho người nuôi dúi trên địa bàn.

“Khi có nhiều người nuôi, tôi sẽ hướng đến liên kết phát triển mô hình sản xuất giống và nuôi dúi thương phẩm. Qua đó để cùng tạo dựng thương hiệu cơ sở nuôi và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn”, anh Nhật nói trong hy vọng.

Xem thêm
Hàng chục hổ, sư tử chết do cúm A/H5N1, cần cấm khu du lịch đón khách

Dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã gây tử vong hàng loạt con hổ, sư tử tại các vườn thú ở Long An, Đồng Nai, đe dọa sức khỏe cộng đồng và ngành chăn nuôi.

30ha đất vừa được khôi phục lại bị ngập trong bùn đất

Lào Cai Nhiều diện tích đất canh tác vừa mới khôi phục tiếp tục hứng chịu trận mưa lớn, phá tan công sức của bà con xã Quang Kim (huyện Bát Xát, Lào Cai).

Bước ngoặt công nghệ chế biến giống lúa của Vinaseed Quảng Nam

Với hệ thống máy móc, dây chuyền hiện đại, những sản phẩm của Vinaseed Quảng Nam đảm bảo đạt tiêu chuẩn tốt nhất, đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Bình luận mới nhất