| Hotline: 0983.970.780

Chặng đường 70 năm sự nghiệp đê điều, phòng chống thiên tai Việt Nam

Thứ Năm 27/08/2015 , 09:24 (GMT+7)

Ngày 28/8/1945, cách đây 70 năm, cơ quan quản lý đê điều đã được thành lập thuộc Bộ Giao thông công chính trong Chính phủ lâm thời. 

18-08-04_nh-ptct-trn-qung-hoid
Ông Trần Quang Hoài

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Ủy ban Trung ương hộ đê chịu trách nhiệm công tác hộ đê, bảo vệ an toàn đê điều.

70 năm qua, sự nghiệp đê điều, phòng, chống thiên tai đã không ngừng phát triển, thu được những thành tựu rất đáng khích lệ, đóng góp cho sự nghiệp thủy lợi nói chung, góp phần quan trọng đưa Việt Nam từng bước an toàn hơn trước thiên tai, hạn chế được sự phá hoại của thiên tai đối với môi trường sống, góp phần bảo vệ thành quả phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo phát triển bền vững của đất nước, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

I. NHỮNG THÁCH THỨC VỀ LŨ, BÃO VÀ THIÊN TAI Ở NƯỚC TA

Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, một trong năm ổ bão của khu vực châu Á - Thái Bình Dương thường xuyên phải đối mặt với các loại hình thiên tai đặc biệt là lũ lụt, bão, lũ quét, hạn hán.

Về lũ: Chúng ta đã chứng kiến trận lũ lịch sử tháng 8/1945 ở Bắc Bộ làm vỡ 79 đoạn đê, gây ngập 160.000 ha đất sản xuất; Trận lũ lịch sử tháng 8/1971 ở Bắc Bộ làm 16 điểm đê bị vỡ, làm chết và mất tích 100.000 người và ngập 200.000 ha; Trận lũ lịch sử trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung làm 900 người chết, mất tích; Trận lũ lớn năm 2000 tại đồng bằng sông Cửu Long làm 565 người chết (hơn 300 trẻ em), hơn 263.000 ha lúa bị hư hỏng.

Về bão: Theo thống kê từ năm 1976 đến năm 2014, đã xảy ra 464 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động ở biển Đông. Điển hình phải kể đến: cơn bão Kate đổ bộ vào Hải Phòng tháng 9/1955 gây nước dâng làm 699 người chết, 12.000 nhà bị đổ, tốc mái; cơn bão Linda đổ bộ vào Cà Mau tháng 11/1997 làm 2.900 người chết và mất tích, gần 3.000 tàu thuyền bị chìm, mất tích;

Về lũ quét, lũ bùn đá: Chúng ta đã chứng kiến trận lũ quét tháng 6/1990 trên suối Nậm Lay, thị xã Lai Châu đã quét toàn bộ phần cao trình thấp của thị xã, làm 82 người chết và mất tích; trận lũ quét tháng 9/2002 tại Hương Sơn, Hương Khê làm 83 người chết và mất tích, 370 căn nhà bị cuốn trôi;

Về ngập úng: Tình trạng ngập úng diễn ra thường xuyên tại một số thành phố ven biển: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ…, Hà Nội cũng chịu ngập úng lịch sử trong trận lụt tháng 11/2008 với 90 điểm ngập sâu từ 0.3 – 1,2 m, khu vực Hoàng Mai ngập tới 2,5 m.

Ngoài lũ, bão, nước ta còn chịu tác động của nhiều loại thiên tai khác như hạn hán, sa mạc hóa, xâm nhập mặn, tố lốc, sạt lở, động đất, sóng thần, nước biển dâng ở nhiều mức độ khác nhau.

Hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu đã làm thiên tai gia tăng hơn nhiều về quy mô cũng như chu kỳ lặp lại kèm theo những đột biến khó lường. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, chúng ta đã chứng kiến các sự kiện bất thường về thiên tai như: nắng nóng, hạn hán ở Ninh Thuận và Trung Bộ; mưa lớn trái mùa tại Quảng Ngãi, nhiệt độ giảm bất thường tại Sapa, Lào Cai, siêu dông lốc tại Hà Nội, mưa đặc biệt lớn tại Quảng Ninh, các cơn bão nối tiếp nhau ở Thái Bình Dương.

II. CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA SỰ NGHIỆP ĐÊ ĐIỀU, PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI

Trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai ở Việt Nam luôn được coi là cuộc đấu tranh sinh tồn, gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai ở Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc theo tiến trình lịch sử.

Năm 1945, trên cả nước có hơn 3.000 km đê các loại. Đến nay, trên cả nước đã có 8.000 km đê các loại trong đó hơn 5.000 km đê sông, gần 3.000 km đê biển. Ngoài ra còn hàng ngàn km bờ bao chống lũ, ngăn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương.

Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện được xây dựng đã đóng góp rất lớn trong việc nâng mức đảm bảo chống lũ ở Hà Nội lên 500 năm. Hệ thống công trình thủy lợi kết hợp kiểm soát lũ khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã góp phần đảm bảo ổn định sản xuất từ 2 đến 3 vụ lúa. Hệ thống cụm, tuyến dân cư vượt lũ góp phần ổn định chỗ ở, đảm bảo an toàn nhân dân vùng ngập lũ.

Tổ chức quản lý nhà nước về đê điều cũng từng bước hình thành, củng cố, phát triển từ 1 phòng đê điều thuộc Nha Công chính, Bộ Giao thông Công chính năm 1945 đến nay đã hình thành Cục Phòng, chống thiên tai, Vụ Đê điều trực thuộc Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN-PTNT và hệ thống ngành dọc tại địa phương.

Cơ quan điều phối hoạt động hộ đê, phòng chống lụt, bão cũng được hình thành phát triển từ Ủy ban Trung ương hộ đê năm 1946, đến nay là Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm trưởng ban.

Văn bản pháp luật cũng được rà soát, điều chỉnh, nâng cấp phù hợp với điều kiện thực tế từng thời kỳ từ những quy định tạm thời về công tác đắp đê những năm đầu thành lập nước, Điều lệ bảo vệ đê điều năm 1963, đến nay đã ban hành Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Định hướng chiến lược được điều chỉnh phù hợp với từng thời kỳ như: tăng cường quản lý đê, hộ đê, chống việc phá hoại đê điều trong chiến tranh thời kỳ 1945 – 1954 và 1965 – 1975. Tăng cường trị thủy và khai thác sông Hồng thời kỳ 1955 – 1965, tăng cường phòng chống bão, củng cố đê sông, phát triển đê biển, đê bao chống lũ sớm đầu vụ thời kỳ 1975 – 1985, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hợp tác quốc tế, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thời kỳ 1986 - 2007, từ 2007 đến nay chuyển dần từ việc tập trung thực hiện giải pháp công trình sang việc kết hợp giải pháp phi công trình. Năm 2015, tiếp tục rà soát chiến lược theo hướng quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp.

Quy hoạch phòng chống lũ được điều chỉnh theo từng thời kỳ nâng mức đảm bảo chống lũ với lưu lượng lớn nhất tại Sơn Tây là 32.500 m3/s (tương ứng với trận lũ tháng 8/1945) lên mức 37.800 m3/s (tương ứng với trận lũ tháng 8/1971), sau đó là mức 42.600 m3/s giai đoạn 2007 – 2010 (tương ứng với lũ có chu kỳ lặp lại 250 năm) và mức 48.500 m3/s giai đoạn 2010 – 2030 (tương ứng với lũ có chu kỳ lặp lại 500 năm).

15-03-53-31163718366
Lũ lụt ở Yên Bái

Giải pháp phòng chống lũ cho đồng bằng sông Hồng được bổ sung, hoàn chỉnh dần theo từng thời kỳ: năm 1964 xác định 4 biện pháp cơ bản, năm 1972 xác định 6 biện pháp cơ bản. Năm 2007 bổ sung và điều chỉnh thành 8 biện pháp cơ bản. Năm 2011, điều chỉnh bỏ các khu phân chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng.

Hợp tác quốc tể được đẩy mạnh, Việt Nam đã ký kết và tích cực tham gia tham gia Khung hành động Hyogo, Sendai, Hiệp định ASEAN về giảm nhẹ và ứng phó thảm họa, Ủy ban bão. Tăng cường hợp tác và triển khai các dự án do các tổ chức các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tài trợ...

III. NHỮNG NHIỆM VỤ TẬP TRUNG TRIỂN KHAI TRONG THỜI GIAN TỚI

Trên cơ sở nhìn nhận khách quan về những gì đã đạt được, nhưng mặt còn tồn tại, thuận lợi, khó khăn, thách thức trong thời gian tới và yêu cầu của sự phát triển, chúng ta sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ nhằm xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai, phục hồi nhanh sau thiên tai, đóng góp vào mục tiêu tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới, phát triển bền vững đất nước bao gồm:

- Củng cố tổ chức, bộ máy từ Trung ương đến Địa phương. Tăng cường năng lực cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở.

- Hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống thiên tai trong đó có tập trung vào các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chủ động phòng, chống thiên tai.

- Rà soát chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2020 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng hướng tới quản lý rủi ro.

- Rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, ngành, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển.

- Xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia, kế hoạch và phương án phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng quản lý tổng hợp, theo lưu vực sông.

- Nâng năng lực dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai đạt trình độ tương đương nhóm các nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

- Tiếp tục xây dựng, củng cố nâng cấp đê sông, đê biển, hồ chứa, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú, công trình phòng, chống thiên tai đảm bảo chống lũ, bão theo thiết kế, phấn đấu chống lũ, bão ở mức cao hơn, giảm tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn.

- Tiếp tục di dân tái định cư vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

- Tiếp tục tăng cường quản lý, hỗ trợ tầu, thuyền đánh bắt xa bờ, trang bị đủ thiết bị thông tin liên lạc.

- Tiếp tục tăng cường khoa học công nghệ, tư duy quản lý tiên tiến của thế giới.

- Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về thiên tai; tăng cường xã hội hóa, tạo môi trường, cơ chế, tăng cường vận động để doanh nghiệp, nhân dân, cộng đồng chủ động hơn trong phòng chống thiên tai.

- Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, tham gia tích cực, chủ động trong các diễn đàn, cơ chế hợp tác về phòng, chống thiên tai trong khu vực và trên thế giới.

(Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo TW về PCTT, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi)

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm