| Hotline: 0983.970.780

Chanh leo Sơn La trước thảm cảnh dịch bệnh

Thứ Ba 07/04/2020 , 09:00 (GMT+7)

Giống chanh leo trôi nổi, không đảm bảo chất lượng tung hoành đang đẩy nhiều vùng trồng chanh leo ở Sơn La trước bờ vực xóa sổ do dịch bệnh.

Anh Tráng A Cao, Giám đốc HTX Nông nghiệp A Cao bên

Anh Tráng A Cao, Giám đốc HTX Nông nghiệp A Cao bên "tàn tích" của vườn chanh leo bị dịch bệnh tàn phá. Ảnh: Lê Bền.

Chưa kịp làm giàu, đã tan giấc mộng

Tháng 3, khi hoa ban bung nở, cũng là mùa người Mông ở xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ, Sơn La) lên nương trồng cây, gieo hạt.

Ngày này những năm trước, không khí ở Vân Hồ rổn rảng như hội bên những vườn chanh leo xanh ngút, người chăm sóc bón phân tỉa tán, người hồ hởi đào hố, gánh bầu giống chanh leo lên nương. Thế nhưng năm nay, những vạt đồi trồng chanh leo chỉ còn trơ đất, lác đác một vài vườn chỉ còn trơ lại giàn cọc…

Anh Tráng A Cao, Giám đốc HTX Nông nghiệp A Cao buồn rười rượi cho biết: Đến đầu năm 2020, gần 100% diện tích chanh leo của HTX đã bị nhiễm bệnh, queo quắt, tàn lụi, đành phải phá bỏ để quay lại trồng ngô, trồng đậu như trước.

Riêng hộ của anh Cao, năm 2019 đầu tư trên 200 triệu đồng để mở rộng diện tích chanh leo lên 3ha thì đến nay chỉ còn lại mớ cọc giàn…

Tráng A Cao dẫn chúng tôi lên nương, chỉ còn lại loe ngoe mấy gốc chanh leo vàng úa bên khu giàn chỏng chơ kể: Chanh leo được Nafoods Tây Bắc đầu tư giống, tư vấn kỹ thuật, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với một số bà con trồng từ cuối năm 2017.

Đến năm 2018, HTX Nông nghiệp A Cao (bản Hua Tạt, xã Vân Hồ) do chính Tráng A Cao làm giám đốc được vận động thành lập, với cây trồng chính là cây chanh leo để liên kết cung cấp nguyên liệu với Nafoods Tây Bắc.

Năm 2018, chanh leo tốt bời bời, cho thu hoạch tới 35-40 tấn quả/ha, nhiều hộ trừ chi phí ngay năm đầu đã lãi ròng 300-400 triệu đồng. Cùng với cơn sốt chanh leo, từ giữa 2018, những đại lý từ huyện Mộc Châu bắt đầu bủa tới các thôn bản thu mua quả chanh leo.

Cánh đại lý luôn chọn những loại quả đẹp nhất, và trả giá cao nhất. Phía Công ty Nafoods ban đầu chỉ mua với giá từ 17-20 nghìn đồng/kg quả thì đại lý tới tận vườn tranh mua với giá 25.000 đ/kg, rồi tới 30.000-35.000 đ/kg…

Một số hộ dân đã không còn bán chanh leo cho Công ty Nafoods, mà quay sang bán cho đại lý. Không chỉ thu mua quả, các đại lý còn kiêm luôn cung cấp cây giống chanh leo cho các hộ dân. Nếu như ban đầu, chỉ có giống chanh leo có tên Đài Nông 1 do Công ty Nafoods Tây Bắc cung cấp, thì từ giữa năm 2018, đã bắt đầu xuất hiện những giống chanh leo khác.

Những giống chanh leo “lạ” này, với nhiều tên mà nông dân tại Vân Hồ hay gọi như Tai Nông, Tai Sang, Tai Oăn, Cao Tun..., được cánh đại lý quảng cáo là hàng nhập khẩu Đài Loan, có năng suất cao, quả to, vỏ dày, giá thu mua cao… Nhiều hộ đã tin tưởng mua giống chanh leo của các đại lý cung cấp để trồng xen trên các diện tích chanh leo do Công ty Nafoods cung cấp giống.

Sau một năm 2018 thắng lớn, cơn lốc chanh leo bùng lên khắp nơi ở Sơn La. Và xã Vân Hồ, nơi có trên 70ha chanh leo của HTX do Tráng A Cao làm giám đốc cũng thế.

Chỉ từ 20 hộ dân tham gia HTX, có hợp đồng liên kết với Công ty Nafoods Tây Bắc ban đầu, đến năm 2019, HTX đã có trên 70 hộ dân tham gia trồng chanh leo, với diện tích trên 70ha, trong đó bao gồm 3-4 loại giống khác nhau.

Tráng A Cao bảo rằng, chẳng biết bệnh từ đâu ra, nhưng khoảng tới giữa năm 2019, bắt đầu xuất hiện những vườn chanh leo bị bệnh, lá xoăn tít, quả sần sùi quăn queo, lâu dần bộ lá vàng lụi, chỉ còn trơ lại dây và giàn. Từ cuối năm 2019, nhiều vườn chanh leo đã bị tàn lụi, nông dân bỏ bê, và tới đầu năm 2020 đến nay thì hoàn toàn phá bỏ…

Nguy cơ phá vỡ vùng chanh leo nguyên liệu

Ông Mùi Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ) cho biết: Từ cuối năm 2017, Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc đã làm việc với các cơ quan liên quan cũng như UBND xã Vân Hồ triển khai chủ trương liên kết trồng cây chanh leo, bao tiêu sản phẩm.

Theo đó, chỉ có một giống chanh leo đã được địa phương thống nhất với doanh nghiệp và ngành nông nghiệp cho phép đưa vào sản xuất là giống Đài Nông 1 của Nafoods.

Không chỉ tại huyện Vân Hồ, dịch bệnh đang lan rộng ra nhiều địa phương trồng chanh leo tại tỉnh Sơn La. (Trong ảnh: Một thùng đựng giống chanh leo không nguồn gốc xuất xứ được nông dân tại huyện Mai Sơn mua về trồng). Ảnh: Lê Bền.

Không chỉ tại huyện Vân Hồ, dịch bệnh đang lan rộng ra nhiều địa phương trồng chanh leo tại tỉnh Sơn La. (Trong ảnh: Một thùng đựng giống chanh leo không nguồn gốc xuất xứ được nông dân tại huyện Mai Sơn mua về trồng). Ảnh: Lê Bền.

Trước tình hình chanh leo bị dịch bệnh lan rộng, gây thiệt hại nặng nề, nhất là tại HTX Nông nghiệp A Cao tại bản Hua Tạt, UBND xã đã nhiều lần kiểm tra, cho thấy có tình trạng người dân đã đưa vào trồng một số giống chanh leo khác, không đúng với giống do Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc cung cấp.

Đây là các giống chanh leo trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ, do các đại lý trên địa bàn tỉnh Mộc Châu trực tiếp tới từng hộ dân tiếp thị, bán cho bà con.

Mặc dù vậy, UBND xã rất khó nắm bắt để xử lí do các đại lí ở xã ngoài, huyện ngoài, lại làm việc không thông qua UBND xã… UBND xã cũng đã báo cáo thực trạng cho phòng nông nghiệp huyện để có phương án xử lí.

Trước tình hình dịch bệnh lan rộng, ông Mùi Văn Thủy cho biết đã có nhiều đoàn công tác, nhà khoa học về địa phương kiểm tra và đã triển khai một số biện pháp xử lí bệnh, tuy nhiên vẫn không có hiệu quả. Xã cũng đã xin ý kiến phòng nông nghiệp huyện có khuyến cáo nông dân tạm thời không tiếp tục trồng chanh leo trong năm 2020, đồng loạt chuyển sang các cây trồng khác như ngô, bí, đậu… để có thời gian cách ly nhằm ngắt mầm bệnh lưu truyền trong môi trường.

Trao đổi với NNVN, ông Mai Văn Quang, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc lo lắng: Qua kiểm tra của công ty thời gian qua, không chỉ tại nhiều xã của huyện Vân Hồ mà hiện bệnh trên cây chanh leo đã phát sinh và gây hại ở hầu hết các địa phương có liên kết trồng chanh leo nguyên liệu với công ty tại tỉnh Sơn La như Mộc Châu, Mai Sơn, Yên Châu, Thuận Châu… với tỉ lệ diện tích nhiễm khác nhau (tùy mức độ).

Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc lo ngại dịch bệnh có nguy cơ phá vỡ nhiều vùng nguyên liệu đã dày công xây dựng trong gần 3 năm qua. Ảnh: Lê Bền.

Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc lo ngại dịch bệnh có nguy cơ phá vỡ nhiều vùng nguyên liệu đã dày công xây dựng trong gần 3 năm qua. Ảnh: Lê Bền.

Bên cạnh việc gây thiệt hại cho nông dân, dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, nhất là nguy cơ nhiễm chéo từ diện tích chưa nhiễm bệnh sang diện tích sạch bệnh; từ các giống nhiễm bệnh sang các giống sạch bệnh…

Điều này đang đe dọa rất nguy hiểm tới vùng nguyên liệu, sản lượng và chất lượng quả để duy trì cho hoạt động chế biến xuất khẩu trong năm 2020, cũng như quy hoạch, kế hoạch, định hướng phát triển vùng nguyên liệu một cách bền vững của công ty.

Trước tình hình này, công ty đã tiến hành lấy mẫu phân tích, bước đầu cho thấy nguyên nhân gây bệnh trên cây chanh leo là do virus EAPV-AO (east asian passiflora virus) gây ra.

Biểu hiện của bệnh điển hình là chồi ngọn bị co rút, lá biến dạng, nhăn nheo, xuất hiện các vết phổng rộp trên lá khiến cây sinh trưởng phát triển kém, dần tàn lụi. Cây có quả thì quả bị sần sùi trên toàn bộ bề mặt quả, quả ra không đều, bị biến dạng ngay từ khi đậu quả, khiến năng suất, phẩm chất quả bị giảm rất mạnh…

Đây là bệnh virus, không thể chữa khỏi, nên đã khuyến cáo bà con không cố gắng chữa trị, nhất là nghe theo các đại lý, cơ sở, cá nhân kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật sử dụng các loại thuốc không theo quy định và khuyến cáo của ngành bảo vệ thực vật, cũng như khuyến cáo kỹ thuật của công ty.

Bên cạnh đó, công ty cũng đã đề nghị với các địa phương khuyến cáo nông dân có các diện tích bị nhiễm bệnh cần đồng loạt tiêu hủy, tạm thời không trồng chanh leo trong vòng 1-2 năm, cho đất nghỉ hoặc chuyển sang cây trồng khác để ngắt nguồn bệnh trong môi trường... 

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.