| Hotline: 0983.970.780

'Chắp cánh' cho trái vú sữa Kế Sách

Thứ Tư 06/11/2019 , 14:52 (GMT+7)

Còn khoảng một tháng nữa sẽ bắt đầu mùa thu hoạch vú sữa mới, niên vụ 2019 – 2020, ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng).

16-14-28_h1_trum_mung_cho_vu_su
Vú sữa "trùm mùng" tránh sâu bệnh.

Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sóc Trăng, Phòng NN-PTNT huyện Kế Sách đang phối hợp cùng các hợp tác xã (HTX) tích cực chăm sóc, bảo vệ để trái đạt tiêu chuẩn tốt nhất; đăng ký mã số vùng trồng và liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ trái vú sữa ở nhiều phân khúc khác nhau.

Đối với thị trường Hoa Kỳ, để trái vú sữa được chấp nhận thì ngoài các tiêu chuẩn về trọng lượng, quy cách đóng gói, mẫu mã, chất lượng… trái còn phải bảo đảm tuyệt đối không có đối tượng kiểm dịch thực vật, đặc biệt là ruồi (giòi) đục trái cây và không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Nguyễn Đình Mười, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VINA T&T đánh giá cao chất lượng vú sữa xuất khẩu của Kế Sách trong năm vừa qua, đồng thời hy vọng các HTX tiếp tục giữ vững tiêu chuẩn về mẫu mã và chất lượng mà đối tác nước ngoài yêu cầu.

Thời gian qua nhà vườn đã áp dụng biện pháp bao trái để trái không bị nhiễm ruồi đục trái và không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, việc bao trái bằng túi vải xốp vẫn có nguy cơ đối tượng kiểm dịch nguy hiểm này tấn công (tuy tỷ lệ nhiễm rất thấp), khó xác định chính xác độ chín của trái.

Trong khi đó, việc bao trái đúng cách bằng túi nylon giúp ngăn chặn triệt để ruồi đục trái nhưng trái thường có màu sắc kém tươi, trái có thể bị rạn nứt khi xảy ra mưa trái mùa.

Để khắc phục các hạn chế của biện pháp bao trái, một số nhà vườn ở xã Trinh Phú và Xuân Hòa đã áp dụng biện pháp “trùm mùng” cho cây vú sữa. Theo ông Hồ Văn Hội, Giám đốc HTXNN Trinh Phú, thời điểm thích hợp để “trùm mùng” cũng tương tự như thời điểm bao trái vú sữa, vào khoảng 4-5 tháng sau khi đậu trái (trước khi thu hoạch 3-4 tháng). Trước khi “trùm mùng” phải “rửa cây” để loại trừ các đối tượng dịch hại trong vườn vú sữa.

Đối với thị trường trong nước, trái vú sữa cũng phải bảo đảm các tiêu chuẩn về trọng lượng, mẫu mã, chất lượng trái; bao trái để không nhiễm ruồi đục trái; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; đối với trái để chưng (cúng) còn yêu cầu trái phải có cuống và lá tươi.

Hiện các HTX trồng vú sữa ở Kế Sách đang liên kết với các công ty xuất nhập khẩu như VINA T&T, Chánh Thu, Cao Nhuận Phát; HTX nông sản sạch Đồng Tháp để cung ứng cho thị trường xuất khẩu và hệ thống siêu thị trong nước. Thời điểm hiện nay, các đơn vị thu mua đang đến tận vườn để xác định sản lượng, đánh giá chất lượng, thời điểm thu hoạch và thương thảo ký kết hợp đồng.

16-14-28_h2_donh_nghiep_v_htx_gp_go_chun_bi_cho_vu_thu_hoch_moi
Doanh nghiệp gặp gỡ nông dân, HTX thời điểm chuẩn bị thu hoạch.

Với sự liên kết chặt chẽ và chuẩn bị chu đáo từ cả 2 bên bán và mua, sự hỗ trợ của các cấp và ngành nông nghiệp, hy vọng trái vú sữa Kế Sách sẽ tiếp tục vươn cao, bay xa.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.