| Hotline: 0983.970.780

'Chất bẩn' đổ vào môi trường thủy sản?

Thứ Hai 29/08/2016 , 13:30 (GMT+7)

Trong khi kháng sinh thủy sản đang ngày một siết chặt thì các loại hóa chất, men vi sinh dùng trong xử lý, cải tạo môi trường thủy sản do quan điểm “vô hại” nên gần như thả nổi, người nuôi sử dụng vô tội vạ.

6 triệu tấn hóa chất mỗi năm

Theo nhiều chuyên gia, trong nuôi tôm nước lợ, nước mặn, thì việc quản lý kiểm soát môi trường là yếu tố hàng đầu quyết định việc thành bại.

15-40-55_h1
Nhiều loại chế phẩm sinh học, men vi sinh dùng xử lý cải tạo môi trường đang “đổ” vào ao tôm

 

Từ đó, trên thị trường xuất hiện hàng ngàn sản phẩm hóa chất, men vi sinh dùng trong xử lý cải tạo môi trường, có loại nằm trong danh mục, có loại đang thử nghiệm, có loại nhập lậu của hàng trăm doanh nghiệp lớn, nhỏ đưa xuống bán cho các đại lý, hoặc trực tiếp tuồn thẳng vào ao nuôi.

Theo khảo sát của chúng tôi, trong các loại hóa chất xử lý ao nuôi để diệt cá tạp, vi khuẩn, vi sinh vật... trước khi thả tôm giống hiện nay nổi lên 4 loại phổ biến mà người nuôi tôm đang sử dụng là TCCA (còn gọi là Chlorine, trước khi thả tôm 15-20 ngày); Saponin (7 ngày), BKC (Benzalkonium Chloride, 4 ngày) và Iodine (1-2 ngày).

Nếu chỉ tính liều lượng tất cả các loại bình quân 10 kg/ha, mỗi năm với trên 600 ngàn ha nuôi tôm của cả nước tức sẽ có 6 triệu tấn hóa chất đổ vào ao tôm, trong đó đặc biệt có Chlorine (dạng bột) là một loại hóa chất chuyên dùng trong khử trùng nước, chất thải công nghiệp và một số sản phẩm tẩy rửa. Đây là hóa chất từng được các chuyên gia cảnh báo là phải sử dụng hợp lý, nếu không sẽ gây tác hại cho sức khỏe người tiêu dùng và cả môi trường xung quanh.

15-40-55_h4
Một loại men vi sinh xử lý môi trường

 

Theo TS Lê Hồng Phước, Giám đốc Trung tâm quan trắc, Cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh Thủy sản khu vực Nam bộ, Chlorine đặc biệt có hiệu quả trong việc diệt khuẩn, diệt các nhóm sinh vật có kích thước nhỏ, còn đối với bào tử vi sinh vật và virus thì hiệu quả không cao.

Thế nhưng, trong thực tế Chlorine đang được mua bán và sử dụng tràn lan trong môi trường thủy sản, ngoài hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có cả hàng chui, trôi nổi, không nhãn mác do các chủ hàng “giấu mặt” cung cấp.

Chẳng hạn, ngày 5/8 vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Long An bắt quả tang tài xế Nguyễn Phúc Toàn (TP Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận) đang vận chuyển bỏ mối tôm post tại huyện Cần Đước trước khi di chuyển đến huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, trên xe có đến gần nửa tấn hóa chất (dạng bột, 10kg/bịch) không nhãn mác, nghi là Chlorine dùng xử lý môi trường.

Sau đó, đoàn đã lập biên bản tạm giữ, yêu cầu chủ hàng mang giấy tờ chứng minh nguồn gốc đến thanh tra Chi cục Thú y tỉnh làm việc trước ngày 15/8. Thế nhưng, đến ngày 24/8 chủ hàng vẫn lặn mất tăm.

 

Sử dụng vô tội vạ

Cùng với các hóa chất nói trên là các loại chế phẩm sinh học (dạng dung dịch), men vi sinh (dạng bột) hiện cũng đang làm mưa làm gió trên thị trường, đang được các doanh nghiệp quảng bá như là “thần dược” trong việc cải tạo làm “sạch” môi trường như làm phân hủy mùn bã, thức ăn và các chất hữu cơ, cân bằng hệ sinh thái trong ao nuôi, biến môi trường “bẩn” thành “sạch”, giúp con tôm không bệnh tật để “ăn ngon mau lớn” do diệt được vi khuẩn trong nước, diệt tảo độc, ức chế khí độc...

15-40-55_h2
Người nuôi tôm chuẩn bị hóa chất để cải tạo môi trường

 

Với loại này, đổ vào ao tôm số lượng bao nhiêu cũng được, người nuôi sử dụng vô tội vạ vì xem nó vô hại. Thế nên, đây được xem là loại bát nháo nhất, không chỉ vô số tên thương mại mà chất lượng cũng được xem lôm côm nhất.

Cũng theo TS Phước, trên bao bì các chế phẩm sinh học, men vi sinh, trong đó không ít sản phẩm ghi thành phần mà nông dân đọc hoàn toàn mù tịt như số lượng vi khuẩn hiếu khí Bacillus lichenniformis (109 CFU/g); Saccharomyces cereviseae (109 CFU/g); Lactobacillus acidophilus (5x1011 CFU/kg); Bacillus subtilis (5x1011 CFU/kg); Saccharomyces cereviseae (5x1011 CFU/kg)…Thế nhưng, khi phân tích thử có khi cho kết quả bằng không. Tức càng đổ vào ao tôm càng chỉ làm “bẩn” môi trường.

Còn theo TS Lê Thanh Hùng, nguyên Trưởng khoa Thủy sản, Đại học Nông Lâm TP.HCM, men vi sinh không bao giờ điều trị được bệnh cả. Hiện nay cũng có một số loại có tác dụng làm hạ độ pH trong ao, tăng tiêu hóa cho con tôm, ức chế vi khuẩn gây hại, phân hủy khí độc trong bùn đáy ao, nhưng thật ra nó không nhiều. Nhìn chung, trên thị trường có mười cái thì hết chín cái (men vi sinh) tào lao.

Chúng tôi về xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, với diện tích tôm thả khoảng 100 ha, trong đó 30% là diện tích bán thâm canh với mật độ thả khá dày 60 con/m2 nên dễ làm môi trường nuôi nhanh “bẩn”.

Ông Nguyễn Đức Quang, thả 2 ao tôm với diện tích hơn 3.200 m2 cho biết đã tốn hơn 20 triệu đồng cho tiền hóa chất và men vi sinh xử lý môi trường trong thời gian nuôi 1 tháng 15 ngày.

15-40-55_h3
Gần nửa tấn hóa chất xử lý môi trường nghi Chlorine (dạng bột) được tạm giữ tại kho của Chi cục Thú y tỉnh Long An chủ hàng không đến nhận

 

“Vừa rồi trên đài, báo công bố danh mục các loại sản phẩm thủy sản bán cho nông dân nhưng không được nhà nước cho phép, nói thiệt tụi tui đành chịu. Ngay cả hóa chất đang dùng cũng không nhớ hết tên sản phẩm. Nên giả sử các Cty không thu hồi mà đem bán trực tiếp xuống cho ao tôm, tụi tui cũng mua bởi có nhớ hết đâu!”, ông nói.

Sau đó, ông Quang đưa cho chúng tôi xem một sản phẩm men vi sinh có tên Pro-Pak (dạng bột 500 gr/bịch) chuyên xử lý đáy ao của một Cty ở TP.HCM nhưng lại quảng cáo có tác dụng “nong to đường ruột” cho tôm ăn mau lớn được một đại lý cấp 2 giới thiệu bán giá 345 ngàn. Quảng cáo phản khoa học như vậy mà vẫn ngang nhiên tồn tại thì quả thật khó hiểu (?).

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, cho rằng: “Nông dân làm sao biết được hóa chất xử lý nào là có chất lượng hay không chất lượng. Chỉ thấy các nhân viên tiếp thị của các Cty thủy sản mang sản phẩm của họ vào tận ao tôm quảng cáo rầm rộ thế này, thế kia. Dùng loại vi sinh này xử lý không hết, chuyển sang dùng loại khác, riết rồi vô tình nông dân chúng tôi đem ao tôm của mình ra làm nơi “đổ” đủ các loại hóa chất mà hầu hết là “chất bẩn” của các doanh nghiệp mà không ai nói là có nguy hại về môi trường hay không?”.

Xem thêm
AgroViet 2024 - Cầu nối mở rộng thương mại nông sản

Ngày 20/11, Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 24 - AgroViet 2024 được khai mạc tại Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Hà Nội).

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.