Chất lượng cán bộ một lần nữa được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhắc đến trong Hội nghị Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 10/10, nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho 3 tháng cuối năm và năm 2024. Ông Nguyễn Văn Nên nhận định về một hệ lụy ở cấp độ khác: “Giữa thẩm quyền chung và trách nhiệm cá nhân tạo ra khoảng trống cho sự trì hoãn, né tránh, đùn đẩy một cách công khai, hết sức khéo léo và khó bắt lỗi”.
Rõ ràng, chất lượng cán bộ khiến cộng đồng âu lo. Bởi lẽ, chất lượng cán bộ không chỉ nằm ở trình độ chuyên môn mà còn nằm ở ý thức phụng sự. Đã xuất hiện nhiều văn bản hành chính liên quan đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, nhưng các đơn vị lại trả lời bằng những ngôn từ mập mờ mà phía nhận được phúc đáp không hiểu thái độ ra sao và không biết làm thế nào.
Thực trạng trên không chỉ xảy ra tại đô thị lớn nhất phương Nam. Chất lượng cán bộ “không thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn trong thực thi công vụ” cũng được phản ánh đầy băn khoăn ở những phiên họp của Hội đồng Nhân dân các địa phương năng động như Đà Nẵng hoặc Bình Dương. Ngay trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Trần Quốc Tuấn của tỉnh Trà Vinh cho rằng cán bộ né tránh trách nhiệm cá nhân cũng là biểu hiện suy thoái đạo đức và giải pháp cấp thiết cần phải làm ngay là ưu tiên thay thế bằng những cán bộ tâm huyết hơn.
Cán bộ né tránh trách nhiệm cá nhân có thể chia làm hai nhóm. Thứ nhất là những người sợ rủi ro “bút sa gà chết” vi phạm pháp luật. Thứ hai là những người không muốn làm vì không có lợi ích riêng. Cả hai nhóm này đều trực tiếp gây ra sự trì trệ và sự bế tắc cho các hoạt động phục vụ mục tiêu tăng trưởng.
Để chấn chỉnh chất lượng cán bộ, không thể kêu gọi hay động viên một cách đơn giản. Giải pháp trước mắt là rà soát và hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến công chức và viên chức để đảm bảo tính đồng bộ quản lý, tạo cơ sở khuyến khích những cán bộ sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Giải pháp lâu dài là thay đổi cơ chế thu nhập từ tiền lương để cán bộ yên tâm tận tụy cống hiến. Lãnh đạo Chính phủ cũng nhận ra điều then chốt này, nên mới đây đã đề xuất với Quốc hội về lộ trình cải cách tiền lương, dự kiến thực hiện từ 1/7/2024.
Bệ phóng thu nhập từ tiền lương rất quan trọng cho chất lượng cán bộ. Bởi lẽ, nếu tiền lương không đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt trước vật giá leo thang, thì những người tài năng và tự trọng sẽ tìm kiếm cơ hội khác ở ngoài biên chế Nhà nước. Và khi cán bộ còn có tâm lý trông chờ vào các thu nhập không chính thức từ tiền lương, theo kiểu “chân ngoài dài hơn chân trong” hoặc “nhận lương nhưng không sống bằng lương”, sẽ có những biến tướng tiêu cực khó lường.