Cống Cần Chông trong Hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít |
Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, tại Hệ thống công trình thủy lợi Ô Môn – Xà No và Hệ thống công trình thủy lợi Nam Mang Thít, vị trí các trạm quan trắc chất lượng nước đều được đặt ở những điểm các kênh trục quan trọng trong khu vực nội đồng, tầm ảnh hưởng lớn đến các khu vực xung quanh. Những kênh cống thì trạm quan trắc được đặt gần cống, phía trong đồng nhằm mục đích đánh giá được chính xác và tổng quan nhất chất lượng của nguồn nước khi vận hành công trình.
Trong kỳ quan trắc 16 (đợt đo ngày 22/4/2019) ở Hệ thống công trình thủy lợi Ô Môn – Xà No, các thành phần lơ lửng (TSS), độ đục và ôxy hòa tan (DO) được cải thiện đáng kể. Theo kết quả tính chỉ số chất lượng nước WQI, chất lượng nước tại đầu kênh KH8 (trạm OX1) bị xếp loại ô nhiễm rất nặng, còn tất cả các vị trí còn lại đều phù hợp với nhu cầu tưới tiêu. Thành phần dinh dưỡng như nitrat, photphat diễn biến tăng nhẹ so với kỳ thực đo trước, tuy nhiên sự biến động là không nhiều. Các điểm quan trắc chưa bị nhiễm mặn, nhiễm phèn.
Dự báo, trong thời gian tiếp theo, nhìn chung chất lượng nước dựa trên các yếu tố dự báo đảm bảo phục vụ cho tưới tiêu. Một số khu vực trung tâm, do ảnh hưởng của giáp triều nên hàm lượng DO sẽ xu thế giảm so với khu vực gần sông chính, các yếu tố BOD và NH4 xu thế lớn hơn như các trạm OX4 (giao giữa kênh KH9 và kênh Ranh 4000), OX5 (cống Tô Ma), OX6 (giao giữa kênh KH9 và kênh 14000), OX7 (giao giữa kênh KH9 và kênh lộ 62) và OX10 (kênh Ô Môn – cống Cầu Nhiễm).
Kết quả dự báo của kỳ quan trắc 15 tại Hệ thống công trình thủy lợi Ô Môn – Xà No, cho thấy, ở một số khu vực trung tâm, do ảnh hưởng của giáp triều, hàm lượng DO sẽ xu thế giảm so với khu vực gần sông chính, các yếu tố BOD và NH4 xu thế lớn hơn như các trạm OX5, OX6, OX7 và OX9 (cuối kênh KH8). Chất lượng nước dự báo nhìn chung tốt hơn so với cùng thời kỳ năm 2018.
Ở Hệ thống công trình thủy lợi Nam Măng Thít, các kết quả quan trắc kỳ 16 (ngày 15/4/2019) cho thấy nguồn nước tại các cống ngăn mặn hiện tượng tích tụ ô nhiễm dinh dưỡng và vi sinh cao hơn các cống nội đồng, thực đo kỳ này các thông số dinh dưỡng như nitrit, nitrat, photphat xu hướng giảm, đồng thời các thông số TSS và độ đục cũng giảm nhẹ. Theo kết quả tính WQI, có 11/13 vị trí chất lượng nước phù hợp với mục đích tưới tiêu, riêng trạm MT2 (cống Bàu Xếp) và MT7 (rạch Cần Chông) kết quả tính WQI < 20 do ảnh hưởng của thành độ đục và TSS cao.
Kết quả quan trắc kỳ này cho thấy chất lượng nước ở Hệ thống công trình thủy lợi Nam Măng Thít đã được cải thiện, tại các cống ngăn mặn hiện tượng tích tụ dinh dưỡng cũng không còn nhiều. Tuy nhiên, hàm lượng clorua tại các cống này vẫn còn rất cao mặc dù độ mặn xu hướng giảm, cần chú ý khi sử dụng nước trực tiếp. Qua kết quả dự báo, nhìn chung chất lượng nước dựa trên các yếu tố dự báo vẫn đảm bảo phục vụ cho tưới tiêu. Nhưng cần lưu ý một số khu vực trung tâm và sau các cống, do ảnh hưởng của giáp triều và nước bị ứ đọng, dẫn đến chất lượng nước xấu đi, các yếu tố BOD5, và NH4 dự báo vẫn ở mức cao tại khu vực các trạm MT4 (kênh Mây Tức – Ngã Hậu), MT5 (kênh Trà Ngoa), MT9 (cống Trà Cú), MT10 (cống La Ban), MT11 (kênh Ba So).
Cũng tại Hệ thống công trình thủy lợi Nam Măng Thít, kết quả dự báo của đợt quan trắc kỳ 15, cho thấy, nhìn chung chất lượng nước dựa trên các yếu tố dự báo vẫn đảm bảo phục vụ cho tưới tiêu. Tuy nhiên cần lưu ý một số khu vực trung tâm và sau các cống do ảnh hưởng của giáp triều và nước bị ứ đọng dẫn đến chất lượng nước xấu đi, các yếu tố BOD5, COD và NH4 dự báo vẫn ở mức cao tại khu vực các trạm MT4, MT5, MT7, MT9, MT10, MT11. Các cơ quan chuyên trách cần thực hiện việc theo dõi thường xuyên diễn biến mặn tại các khu vực gần biển để kịp thời vận hành mở cống lấy nước cho sản xuất và tạo dòng chảy giảm tích tụ ô nhiễm.