| Hotline: 0983.970.780

Châu chấu tre lưng vàng gây hại diện rộng ở Cao Bằng

Thứ Ba 04/06/2024 , 18:42 (GMT+7)

Châu chấu tre lưng vàng bùng phát, gây hại gần 500ha, trong đó có gần 35ha cây trồng, nếu không phun trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.

Tại Cao Bằng, từ cuối tháng 4/2024 đến nay, châu chấu tre lưng vàng xuất hiện tại một số địa phương, gây hại nghiêm trọng đến cây trồng. Tính đến đầu tháng 6, tổng diện tích bị gây hại khoảng 500ha. Trong đó, châu chấu tre đã gây hại hơn 315ha rừng vầu, 6,4ha lúa, gần 25ha ngô, 3,5ha thuốc lá, còn lại là diện tích cỏ dại. Tuy nhiên, diện tích gây hại có thể còn lớn hơn nhiều do châu chấu gây hại ở nhiều nơi, khó thống kê kịp thời. Hiện nay, mật độ châu chấu gây hại gia tăng và có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, môi trường và đời sống nhân dân.

Tại tỉnh Cao Bằng, nạn châu chấu phá hại cây trồng thường xuyên diễn ra theo chu kỳ. Ảnh: NT. 

Tại tỉnh Cao Bằng, nạn châu chấu phá hại cây trồng thường xuyên diễn ra theo chu kỳ. Ảnh: NT. 

Tại thời điểm đầu tháng 4, ở các xã Vũ Minh, Triệu Nguyên (huyện Nguyên Bình); Bạch Đằng, Hồng Việt (huyện Hòa An); Minh Khai (huyện Thạch An) châu chấu bắt đầu nở và gây hại trên cây ngô và cỏ dại ven bờ ruộng, sông suối. Trên cây ngô mật độ châu chấu non phổ biến 2 - 4 con/m2, nơi cao 15 - 20 con/m2, trên cỏ dại mật độ châu chấu non phổ biến 100 - 200 con/m2, nơi cao 300 - 400 con/m2.

Bà Đàm Thị Sông, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Khai (huyện Thạch An) cho biết, châu chấu gây hại từ đầu tháng 4 đến giờ, toàn xã hiện có hàng chục ha ngô và lúa bị ảnh hưởng. Thời điểm châu chấu phá hại ngô đã chắc hạt nên ảnh hưởng không nhiều đến năng suất, tuy nhiên một số diện tích đã bị châu chấu ăn trụi lá. Riêng đối với cây lúa, mật độ châu chấu vẫn rất cao, hiện nay lúa đang giai đoạn trổ đòng nên sẽ ảnh hưởng nhiều đến năng suất. Xã đã cấp thuốc BVTV cho người dân phun phòng, trừ, nhưng mật độ châu chấu vẫn còn ở mức cao.

Đến đầu tháng 6/2024, châu chấu tre chuyển sang giai đoạn di chuyển mạnh và tấn công gây hại cây trồng với mật độ cao hơn. Trên rừng vầu mật độ phổ biến 600 - 1.000 con/m2, nơi cao 2.500 - 3.000 con/m2, cục bộ có nơi 7.000 - 8.000 con/m2.

Dự báo từ tháng 6 đến tháng 9 là thời điểm có nguy cơ cao bùng phát dịch châu chấu. Ảnh: NT. 

Dự báo từ tháng 6 đến tháng 9 là thời điểm có nguy cơ cao bùng phát dịch châu chấu. Ảnh: NT. 

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cao Bằng, mật độ châu chấu gây hại cao hơn từ 7 đến 8 lần so với năm 2023, nguy cơ lây lan diện rộng, vượt quá khả năng kiểm soát của các nông hộ, hời gian tới nếu không phun trừ kịp thời, châu chấu tre sẽ gây hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.

Năm 2023, tại các huyện Hoà An, Hà Quảng, Nguyên Bình, Thạch An, Hạ Lang, Bảo Lâm và TP Cao Bằng châu chấu tre cũng phát sinh, gây hại trên diện tích hơn 362ha.

Ông Hoàng Văn Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh Cao Bằng cho biết, đơn vị đã cử cán bộ xuống cơ sở hỗ trợ các huyện có ổ dịch châu chấu phá hại để kiểm tra, theo dõi diễn biến, mức độ gây hại, xác định chính xác thời gian nở để phòng trừ ngay từ khi châu chấu còn non và hướng dẫn biện pháp phòng trừ. Các huyện có ổ dịch châu chấu đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống, bố trí nguồn kinh phí dự phòng hỗ trợ thuốc BVTV, bảo hộ lao động, bình phun để phun trừ kịp thời.

Tại các xã đã thành lập tổ, nhóm hoặc thuê người dân phun trừ ngay khi phát hiện có ổ dịch châu chấu phát sinh. Hiện nay, các địa phương đang sử dụng các thuốc thuốc BVTV đặc hiệu như Wamtoc 100EC, Ta Siêu 1.9EC, Crymerin 50 EC, Kasakiusa 95 EC để diệt trừ châu chấu. Tại các huyện Nguyên Bình, Hoà An, Thạch An, tỷ lệ châu chấu chết sau khi phun đạt trên 90%.

Châu chấu tràn vào vườn nhà dân phá hại cây trồng, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Ảnh: NT. 

Châu chấu tràn vào vườn nhà dân phá hại cây trồng, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Ảnh: NT. 

Dự báo, từ tháng 6 đến tháng 9 là thời điểm có nguy cơ cao bùng phát dịch hại châu chấu, Sở NN-PTNT tỉnh Cao Bằng đã đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng công bố dịch châu chấu tre hại cây rừng và cây trồng nông nghiệp trên địa bàn các huyện Nguyên Bình, Thạch An, Hoà An. Tỉnh Cao Bằng cũng đã yêu cầu ngành chuyên môn và các địa phương bố trí kinh phí phòng chống dịch, huy động mọi nguồn lực của địa phương phòng trừ châu chấu tre lưng vàng hiệu quả nhất.

Khó khăn hiện nay là châu chấu tre phát sinh và gây hại trong rừng sâu, xa khu dân cư, địa hình khó khăn, hiểm trở, thiếu nước để phun trừ. Ngoài ra, có những diện tích nhiễm châu chấu phân bố gần nguồn nước, khu vực chăn thả vật nuôi nên không thể sử dụng thuốc BVTV.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất