| Hotline: 0983.970.780

Chè sạch Tuyên Quang

Thứ Ba 20/10/2020 , 08:30 (GMT+7)

Mô hình sản xuất chè VietGAP của các hộ dân ở xã Kim Quan, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đang cho hiệu quả vượt trội về năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang kiểm tra mô hình sản xuất chè VietGAP tại xã Kim Quan. Ảnh: Đình Tam.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang kiểm tra mô hình sản xuất chè VietGAP tại xã Kim Quan. Ảnh: Đình Tam.

Tháng 8/2019, được sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Sơn và UBND xã Kim Quan xây dựng và thực hiện mô hình sản xuất chè an toàn để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2019-2020.

Mô hình được thực hiện trên quy mô 8 ha, với 15 hộ tham gia. Mô hình tập trung vào đầu tư thâm canh chè an toàn, áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác tiến tiến, hiệu quả theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, an toàn thực phẩm; hướng tới thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cho biết, để các hộ sản xuất theo chuẩn VietGAP, đơn vị đã ký hợp đồng thuê 1 cán bộ chỉ đạo kỹ thuật mô hình, theo dõi, hướng dẫn các hộ thâm canh chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại và thu hái, bảo quản chè búp tươi. Cán bộ của Trung tâm cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ, kết quả mô hình trong thời gian triển khai; hướng dẫn các hộ ghi chép sổ sách về kết quả, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của mô hình.

Gia đình ông Vi Ngọc Khuyến, thôn Khuôn Hẻ, xã Kim Quan tham gia mô hình với diện tích 0,4 ha. Những năm trước việc chăm sóc bón phân nương chè của gia đình ông chỉ sử dụng phân đạm, phân lân để bón mà không sử dụng phân hữu cơ. Bởi thế một số diện tích chè cằn cỗi, có hiện tượng vàng lá thiếu chất dinh dưỡng và cho năng suất thấp. Từ khi tham gia mô hình, ông được tập huấn kỹ thuật sản xuất chè an toàn theo chuẩn VietGAP; hướng dẫn bón phân theo quy trình kỹ thuật và có sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây chè.

Ông Khuyến cho biết, từ khi bón phân hữu cơ vi sinh, vườn chè của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt, lá có màu xanh đậm, cây chè khoẻ, có sức sống hơn; năng suất đạt khoảng 12,5 tấn/ha. Nhờ thực hiện đúng quy trình chăm sóc bón phân, nên cây chè cũng đã giảm được bệnh phồng lá, bệnh thối búp không xuất hiện như những năm trước.

Mô hình chè VietGAP cho năng suất và chất lượng vượt trội so với chè sản xuất đại trà. Ảnh: Đình Tam.

Mô hình chè VietGAP cho năng suất và chất lượng vượt trội so với chè sản xuất đại trà. Ảnh: Đình Tam.

Qua hơn 1 năm triển khai, mô hình chè VietGAP tại xã Kim Quan cho những tín hiệu tích cực. Như số lứa hái bình quân đạt 15 lứa hái/năm, tăng 2 lứa hái so với sản xuất đại trà; thời gian mỗi lứa hái rút ngắn 3 ngày; số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm 3 lần phun so với sản xuất đại trà. Đặc biệt là mô hình không sử dụng thuốc trừ cỏ đã giúp cho sản phẩm chè an toàn hơn; năng suất bình quân đạt 12 tấn/ha tăng 3,8 tấn/ha so với sản xuất thông thường.

Sau khi áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn theo VietGAP, tỷ lệ chè loại A trong mô hình đã tăng trung bình 9% so với sản xuất đại trà; tỷ lệ chè B giảm trung bình 3,3% so với sản xuất đại trà. Tỷ lệ chè C trong mô hình giảm 5,7% so với sản xuất đại trà. Điều đó chứng tỏ rằng, sản xuất chè an toàn theo VietGAP đã làm tăng tỷ lệ chè loại A và giảm tỷ lệ chè C, do đó đã nâng cao được chất lượng nguyên liệu búp chè trong sản xuất.

Vườn chè chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật sản xuất chè an toàn, chất lượng chè búp tươi nâng lên, sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng cao và được thị trường tin dùng. Một tín hiệu mừng là sản phẩm chè búp tươi của các hộ được Hợp tác xã sản xuất, chế biến chè Kim Quan ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trong năm.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh, thành công của mô hình sẽ là tiền đề để tuyên truyền, nhân rộng kỹ thuật sản xuất chè an toàn theo VietGAP ra các xã lân cận. Qua đó nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, kỹ thuật làm chè để phát triển sản xuất chè an toàn, nâng cao thu nhập cho người dân.

  • Tags:
Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.