Trong 5 năm (2016 – 2019) Chi Cục Thú y (CCTY) vùng VII thực hiện theo lộ trình cải cách hành chính Một cửa quốc gia theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Cục Chăn nuôi. CCTY vùng VII đã nỗ lực đạt được nhiều bước tiến mới trong hoạt động kiểm dịch, nhất là đơn giản hóa thủ tục, rút ngăn thời gian và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp (DN) trong vùng ĐBSCL.
CCTY vùng VII hoạt động trên phạm vi khá rộng ở 10 tỉnh, thành phố Nam sông Tiền, gồm: TP Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Thực thi nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ động vật tại các cơ sở giết mổ xuất khẩu. Đồng thời tham gia tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật, thanh tra chuyên ngành thú y và tham gia thực hiện khuyến nông và vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thú y tại các tỉnh trong vùng.
Ông Tiền Ngọc Tiên, Chi Cục trường Chi Cục Thú y vùng VII, cho biết: Việc triển khai thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin gặp nhiều thuận lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, DN đăng ký nộp hồ sơ trực tiếp với CCTY thông qua cổng thông tin điện tử. So với trước đây, các đơn vị, DN nộp hồ sơ giảm thời gian đi lại tới trụ sở cơ quan CCTY vùng VII.
Trên trang chủ của CCTY vùng VII hoạt động online 24/24, các đơn vị và DN có thể gởi hồ sơ, kể cả thời gian ngoài khung giờ hành chính. Sau khi tiếp nhận hồ sơ DN yêu cầu kiểm dịch hàng xuất khẩu hợp lệ, cán bộ CCTY vùng VII sẽ tiến hành lấy mẫu và kiểm nghiệm.
Việc kiểm nghiệm mẫu được tiến hành nhanh hơn, đối với một số lô hàng kiểm nghiệm bằng phương pháp xét nghiệm sinh học phân tử chỉ trong 1-2 ngày. Trong khi so với xét nghiệm theo phương pháp vi sinh truyền thống phải mất thời gian ít nhất 3 ngày. Sau khi kiểm nghiệm xong có kết quả, CCTY Vùng VII cấp chứng nhận và trả về đồng thời qua mạng điện tử cho DN và cơ quan Hải Quan phụ trách tại khu vực xuất hàng.
Hiện nay ở khu vực 10, tỉnh thành vùng Nam sông Tiền có 2 sân bay quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc, cảng biển và các cửa khẩu biên giới Tây Nam tiếp giáp Vương quốc Campuchia. Hàng hóa xuất nhập khẩu chính ngạch của DN có yêu cầu thông qua cảng quốc tế, CCTY vùng VII sẽ tiếp nhận hồ sơ và thực hiện quá trình kiểm dịch. Hàng hóa Nông-thủy sản xuất khẩu chiếm phần nhiều, trong đó có sản phẩm trứng gia cầm, lông vũ, sản phẩm may mặc lông vũ…sẽ được kiểm dịch theo yêu cầu của DN và nước nhập khẩu hàng.
Từ năm 2005 đến nay, tại trụ sở (số 88 CMT8, Phường Bùi Hữu Nghĩa, Quận Bình Thuỷ, Cần Thơ) CCTY không ngừng trang bị đầy đủ nhiều thiết bị máy móc mới theo chuyên ngành, phục vụ kiểm dịch sản phẩm động vật trên cạn, thủy sản và xét nghiệm nghiệm bệnh.
Trong các đợt dịch heo tai xanh, dịch tả heo Châu Phi, cúm gia cầm…vừa qua, lúc dịch phát cao điểm, Nhiều tỉnh, thành phố trong vùng phát hiện các ổ dịch, lấy mẫu bệnh phẩm gởi về CCTY xét nghiệm. Khi cùng lúc nhiều mẫu gởi về nhưng CCTY vùng VII tăng cường nhân sự thực hiện xét nghiệm và trả kết quả trong ngày.
Theo ông Tiên, muốn tiếp cận và thực hiện nhanh chóng cải cách hành chính về phía các DN cần đầu tư thiết bị công nghệ thông tin kết nối CCTY vùng VII để thực hiện kiểm dịch sản phẩm hàng hóa thông qua mạng điện tử. Mặt khác khi kinh tế phát triển, mật độ giao thương xuất nhập khẩu tăng lên cao và phòng chống dịch bệnh động vật, hoạt động lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu sản phẩm kiểm dịch cần bổ sung thêm nhân sự chuyên môn để thực hiện kịp thời, tốt hơn trong công tác cải cách hành chính.
Từ năm 2020, CCTY vùng II cho biết sẽ tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, dự kiến với 6 thủ tục chủ yếu về kiểm dịch động vật trên cạn và thủy sản.