Tính cấp thiết
Chiều 27/3, Sở NN-PTNT Nghệ An tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 05/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng thâm canh chất lượng cao gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và công nghiệp chế biến lâm sản giai đoạn 2021 – 2025. Hội nghị cũng tổng kết ngành lâm nghiệp năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Theo ghi nhận, phương án phát triển lâm nghiệp tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt thể hiện địa phương này sở hữu diện tích rừng và đất lâm nghiệp thuộc tốp đầu cả nước.
Theo kết quả cập nhật diễn biến rừng năm 2023, diện tích đất có rừng của Nghệ An là 961.774 ha, độ che phủ rừng đạt 58,33%, trữ lượng gỗ đạt 91,535 triệu m3, chưa kể 505 triệu cây tre nứa các loại cùng nhiều loài cây dược liệu quý.
Ông Phùng Thành Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT thông tin: Thời gian qua công tác quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản trên địa bàn đạt được nhiều kết quả tích cực, chủ trương xã hội hóa nghề rừng được hiện thực hóa. Điều này góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân, qua đó thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh, đồng thời ứng phó hiệu quả với biển đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng- an ninh.
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế, điển hình như việc phát triển nguyên liệu rừng trồng thâm canh chất lượng cao gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và phát triển công nghiệp chế biến lâm sản còn chậm; năng suất chất lượng giá trị rừng trồng còn thấp; ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao còn hạn chế; thiếu liên kết trong trồng, chế biến và tiêu thụ lâm sản.
Để khắc phục, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 05/10/2021 về đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng thâm canh chất lượng cao gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và công nghiệp chế biến lâm sản giai đoạn 2021 – 2025.
Bệ phóng
Qua 2 năm triển khai Chỉ thị số 10-CT/TU, Nghệ An đã gặt hái được nhiều tín hiệu tích cực, bức tranh lâm nghiệp có nhiều khởi sắc mang tính căn cơ. Chỉ thị sớm hòa vào nhịp đập đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, cán bộ, đảng viên và người dân.
Điều này được thể hiện qua chỉ số trồng rừng tập trung 62.725 ha /55.000 ha KH, đạt 114%; khai thác gỗ rừng trồng 4.912.118 m3/4.605.000 m3, đạt 106% KH; tốc độ tăng trường giá trị sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2021-2023 đạt bình quân 7,86%; kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ giai đoạn 2021-2023 đạt 781 triệu USD.
Không dừng lại ở đó, hiện Nghệ An hiện có hơn 32.000 ha rừng trồng gỗ lớn, chiếm 20% rừng trồng của cả tỉnh. Với lộ trình bài bản, mục tiêu nâng quy mô gỗ lớn, rừng trồng thâm canh chiếm 30% vào năm 2025 hoàn toàn có thể đạt được. Chưa hết, Nghệ An có quyền tự hào với 24.826 ha được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, đạt 50% mục tiêu đề ra.
Ngoài ra, toàn bộ diện tích rừng của các Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ và các chủ rừng là tổ chức thuộc các thành phần kinh tế đã được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững (585.423 ha/585.423 ha, đạt 100%). Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để giảm tải áp lực bảo vệ, đồng thời nâng cao giá trị đa dụng của rừng trong xu thế mới.
Nhắc đến lâm nghiệp Nghệ An không thể bỏ qua Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ. Nhờ sự quan tâm, định hướng của Trung ương, của các Bộ, ngành liên quan, kết hợp với sự nhập cuộc nghiêm túc của tỉnh, Khu lâm nghiệp đang từng bước hình thành. Dự kiến khi đi vào hoạt động là “thỏi nam châm” hút các doanh nghiệp lớn mạnh tham gia đầu tư, qua đó tạo nên bước đột phá cho địa phương và toàn vùng.
Ở chiều ngược lại, rừng Nghệ An dẫu lớn nhưng diện tích rừng sản xuất phân bổ manh mún, nhỏ lẻ, mỗi gia đình chỉ sở hữu 1 – 2 ha, tựu chung rất khó để áp trồng rừng gỗ lớn hay ứng dụng công nghệ cao. Thêm nữa, đời sống của số đông đồng bào dân tộc miền núi còn nhiều khó khăn, phần đa thiếu vốn đầu tư, thiếu kiến thức kỹ thuật, chưa có ý thức đầu tư thâm canh, do đó nghiêng về trồng rừng chu kỳ ngắn, đồng nghĩa năng suất, chất lượng không cao.