Quang cảnh buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá chình bán công nghiệp
Ngày 23/2, tại phường Tân Thành (TP.Cà Mau), Hội Thủy sản TP.Cà Mau kết hợp cùng Chi hội Cá Chình Việt Nam và Cty TNHH Công nghệ Sinh học Mega (Cty Mega) cùng chia sẻ, hướng dẫn người dân cách nuôi cá chình cải tiến.
Kỹ thuật nuôi cá chình của bà con hiện nay chủ yếu theo kiểu truyền thống, nuôi trong ao đất. Sau nhiều năm, các ao tù người dân sử dụng càng bị ô nhiễm nặng, dịch bệnh nhiều, hiệu quả giảm. Bà con được các chuyên gia khuyến cáo nên chuyển từ nuôi quảng canh truyền thống sang nuôi bán công nghiệp, phù hợp hơn.
Theo ông Phan Văn Hùng, Chi hội phó, Chi hội Cá chình Việt Nam, Nuôi cá trình truyền thống và bán công nghiệp khác nhau không nhiều. Cái cơ bản nhất là ở thức ăn.
Trước nay, bà con vẫn nuôi cá chình bằng thức ăn tươi, là các loại cá tạp tận dụng tại địa phương, nguồn thức ăn này thiếu dinh dưỡng, cá chậm lớn.
Hiện nay, theo xu hướng nuôi bán công nghiệp, bà con cho ăn thêm thức ăn công nghiệp theo công thức 40/60 hoạc 50/50, sẽ có nhiều ưu điểm như ít gây ô nhiễm môi trường, dễ xử lý nước; Nhanh lớn, rút ngắn thời gian nuôi; Hiệu quả kinh tế cao hơn (trên 1 kg cá thương phẩm cho ăn thức ăn công nghiệp lợi nhuận tăng thêm 80.000 đồng/kg so với thức ăn tươi).
Ông Hùng cũng khuyến cáo bà con, nên thả nuôi cá trong lồng. “Mặc dù nuôi trong ao đất, bà con vẫn nên làm lồng. Vì như vậy, rất dễ dàng trong quản lý, phân cỡ cá (cá lớn không đều, khi đói cá lớn sẽ ăn thịt cá nhỏ); Nuôi được mật độ cao hơn; Rất dễ xử lý ao khi bị ô nhiễm, ảnh hưởng thời tiết; Nuôi thêm được cá bống tượng hoặc các loại cá khác ngoài lồng, có thêm nguồn lợi kinh tế”.
Vấn đề nan giải nhất đối với người nuôi cá chình hiện nay là nguồn giống và dịch bệnh
Về nguồn giống không ổn định, chủ yếu giống trôi nổi không rõ nguồn gốc, thời gian tới Chi hội Cá chình sẽ kết hợp cùng một số đơn vị xây dựng cơ sở ươm nuôi cá chình để cung ứng nguồn giống chất lượng cho người dân.
Còn vấn đề dịch bệnh, được đại diện Cty Mega trao đổi rằng, bệnh phổ biến nhất trên cá chình là bệnh bạch biến. Nếu nuôi đúng quy trình kỹ thuật, hoàn toàn có thể khắc phục được, không có gì đáng ngại.