Xây trong 10 năm
Ngôi nhà cổ ông Kiệt tọa lạc ở ấp Phú Hòa, xã Đông Hòa Hiệp, được xây dựng và hoàn tất năm 1838, có kiến trúc kiểu chữ Đinh với 3 gian, 2 chái, rộng gần 1.000m2, với 108 cây cột, toàn bộ được làm từ các loại gỗ quý như lim, cẩm lai, giáng hương, căm se. Tất cả đều được chạm trổ hoa văn tinh xảo.
Bên ngoài ngôi nhà cổ “Cửu đại mỹ gia” của ông Trần Tuấn Kiệt
Mái nhà lợp ngói âm dương, một hàng sấp, một hàng ngửa xen kẽ. Kèo cột được thiết kế kiểu chồng rường đặc trưng. Phần liễn song hồng phíc trước nhà được làm bằng gỗ căm se hình vuông xếp so le để lấy ánh sáng và khí trời.
Các liễn đối bên trong và tranh treo tường đều được khảm xà cừ lộng lẫy. Nối liền các trụ chính của căn nhà là hệ thống bao lơn chạm trổ công phu từ những tấm gỗ vuông với họa tiết mô phỏng các hình thức sinh hoạt dân gian và tín ngưỡng văn hóa của người phương Nam.
Đèn trong nhà đều là những chiếc đèn dầu quen thuộc của người dân Việt nhưng rất đẹp với những dây treo được đúc hoa văn cầu kì. Các chân đèn bàn là những tượng phụ nữ với thân hình mềm mại, dù là tượng, nhưng nhìn không kém phần quyến rũ, sinh động.
Chứng tỏ bàn tay tài hoa của người thợ cách đây gần 200 năm. Bàn và sập cũng đều là gỗ quý nguyên tấm, đen bóng màu thời gian. Các bộ ghế cũng được làm kì công, họa tiết tinh xảo mà đường nét khoáng đạt, hài hòa. Nền nhà lại xếp gạch tấm vuông được nung thô, hợp với tường gỗ, mái ngói.
Đây là căn nhà đầu tiên (nối liền với nhà lớn) được ông tổ họ Trần mua khi di cư từ Huế vào
Năm 2011, ông Kiệt qua đời vì bạo bệnh, ngôi nhà cổ ngót 180 năm tuổi, trải qua 5 đời này do vợ ông là bà Lê Thị Chính, 52 tuổi, gìn giữ.
Về lịch sử ngôi nhà, bà Chính kể: “Nghe ba chồng tôi kể, cách đây khoảng 200 năm, ông cố nội là người gốc Huế, do loạn lạc nên di cư vào đây. Khi mới vào, ông mua một căn nhà gỗ nhỏ, ở đến đời ông nội mới làm thêm căn nhà gỗ lớn như bây giờ.
Hồi đó, do không có phương tiện như bây giờ nên phải mất đến 10 năm mới hoàn thành căn nhà này. Toàn bộ vật liệu gỗ làm nhà đều mua từ bên Campuchia, sau đó vận chuyển theo đường sông bằng ghe, bè, hoặc kết bè gỗ thả trôi theo dòng nước.
Còn đây là gian chính thờ ông cố dòng họ Trần ở ngôi nhà chính
Về đến bến nhà, lại dùng sức người, xe kéo, trâu kéo đưa về. Nghe chồng tôi kể, hồi đó, thợ làm nhà ăn bưởi, vứt hạt ra vườn, hạt nảy mầm, lên cây, đến 5 - 7 năm sau, cây ra mấy đợt hoa trái, căn nhà mới hoàn tất. Ở đây bây giờ có nhiều gia đình gốc gác là con cháu thợ làm nhà cổ ngày xưa. Vì toàn bộ thợ làm nhà được tuyển từ miền ngoài vào.
Do thời gian làm nhà rất lâu nên họ mang cả gia đình, vợ con theo, nhiều gia đình vào đây khi con còn nhỏ xíu, đến khi lớn lên, lập gia đình nhà vẫn chưa xong. Hồi đó, thợ ăn ở ngay trong nhà gia chủ, nên tình cảm như ruột thịt, khi gia đình thợ có việc lớn như hiếu, hỉ, chủ nhà đều đứng ra cáng đáng hết. Vì thế, họ làm bằng cái tâm, trách nhiệm, như làm nhà cho họ, nên chẳng bao giờ có chuyện chủ nhà phải giám sát thợ vì sợ làm gian dối”.
Đẹp nhất Việt Nam
Năm 2002, tổ chức JICA Nhật Bản sang khảo sát và xác định ngôi nhà cổ ông Kiệt là một trong những căn nhà đẹp nhất Việt Nam, nhưng đang xuống cấp nghiêm trọng, nên quyết định đầu tư cho trùng tu. Năm 2004, sau hơn 1 năm làm việc cật lực, ngôi nhà hoàn thành và trở thành 1 trong những điểm đến của du khách quốc tế.
Ngôi nhà do JICA Nhật Bản trùng tu và Bằng chứng nhận Di sản Văn hóa do tổ chức UNESCO châu Á trao tặng cho ngôi nhà cổ ông Kiệt
Bà Chính kể: “Người Nhật họ làm kỹ lắm. Như phần gỗ chẳng hạn, 1 ít bị mối mọt, trước khi thay, họ nghiên cứu kỹ về loại gỗ, nơi sinh trưởng, chất lượng, hình thức, sau đó tìm đúng loại gỗ ấy, cùng kích cỡ về thay.
Vì thế, những thứ thay mới đều giống y như cũ, chỉ khác màu, vì họ không sơn. Riêng mái ngói, do đã mục nên được thay mới toàn bộ. Hồi đó, họ mang chiếc máy ép ngói trị giá cả trăm triệu đồng sang Việt Nam, về một cơ sở gạch ngói lâu đời ở Sa Đéc, Đồng Tháp, thuê ép ngói theo tiêu chuẩn của họ. Sau khi ngói nung xong, trước khi lợp, họ lại ngâm vào hóa chất nữa. Không biết do hóa chất hay do nung kỹ mà 14 năm rồi, mái ngói nhìn vẫn như mới. Đến khi làm đủ ngói cho căn nhà, họ tặng luôn chiếc máy ép cho cơ sở này”.
“Sau khi nhà trùng tu xong, trước khi về nước, những người Nhật trong tổ chức JICA còn hướng dẫn tôi làm du lịch. Nhờ vậy mà ngôi nhà cổ này được nhiều đoàn du khách quốc tế ghé thăm", bà Chính cho biết.
Một điều khiến gia đình bà Chính không khỏi bất an là vấn đề an ninh trật tự địa phương. “Cách đây khoảng hơn tháng, kẻ trộm đột nhập vào rinh mất 4 con voi cổ dựng ở 4 cạnh bên 2 cửa chính ngoài sân. Theo những người trong tổ chức JICA nói thì 4 con voi này được ghép bằng miểng (thủy tinh) màu, rất đẹp, tuổi cũng hơn trăm năm. 4 con voi này vừa là để trấn yểm cho gia chủ và ngôi nhà vững chãi, vừa là chân đế chậu kiểng”, bà Chính kể.
Gian bên cạnh gian chính ngôi nhà lớn và một số nội thất bên trong