Thông tin trên được chia sẻ tại Hội thảo “Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững” do Cục Chăn nuôi, phối hợp Cục Thủy sản, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) tổ chức trong khuôn khổ ILDEX Vietnam 2024.
Theo ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, trong những năm qua ngành chăn nuôi tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế trong sự phát triển kinh tế của đất nước.
Năm 2023, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, sức tiêu thụ giảm, dịch bệnh, biến đổi khí hậu nhưng ngành chăn nuôi vẫn duy trì tăng trưởng và là trong một trong những lĩnh vực tăng trưởng tốt nhất của ngành nông nghiệp. Qua đó, góp phần vào sự tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.
Đặc biệt, đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu thực phẩm cho 100 triệu dân và bắt đầu tham gia vào xuất khẩu. Ngành chăn nuôi đã duy trì phát triển 5,7%, đóng góp khoảng 26% GDP ngành nông nghiệp.
Trong quá trình phát triển, một số vấn đề liên quan đến giá trị, lợi nhuận, lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi ngành hàng chăn nuôi, đặc biệt là người sản xuất đã được ngành nhận diện.
Do đó, trong những năm qua, để duy trì phát triển chăn nuôi bền vững, ngành chăn nuôi đã tập trung xây dựng Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để thực hiện Chiến lược này, Cục Chăn nuôi đã tham mưu Chính phủ ban hành 5 đề án: công nghiệp giống; công nghiệp thức ăn chăn nuôi, chế biến, giết mổ, vấn đề chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi, đề án liên quan khoa học công nghệ.
Đồng thời, tham mưu Chính phủ xây dựng Nghị định về Chính sách chăn nuôi, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, dự kiến Nghị định này sẽ được ban hành trong vài tuần tới thay thế Nghị định 50.
Đặc biệt, Cục Chăn nuôi đã tham mưu Chính phủ đưa đất chăn nuôi tập trung vào Luật đất đai.
Thông tin về Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn 2045, ông Lã Văn Thảo, Quyền Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Cục Chăn nuôi cho biết, Chiến lược xác định phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái để phát triển toàn diện, bền vững theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, chăn nuôi an toàn, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đối xử nhân đạo với vật nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời, phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ gắn với chăn nuôi truyền thống.
Tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ của thế giới, chú trọng ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi.
Xã hội hóa các hoạt động trong chăn nuôi, phát triển chăn nuôi phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển.
Đặc biệt, đến năm 2025, xây dựng được ít nhất 10 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, năm 2030 xây dựng được ít nhất 20 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện.
Theo ông Lã Văn Thảo, tầm nhìn đến năm 2045, chăn nuôi là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở đa số các khâu, trong đó, trình độ và năng lực sản xuất ngành chăn nuôi thuộc nhóm đầu của các nước khu vực Đông Nam Á.
Khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh lây nhiễm sang người. Một số sản phẩm chăn nuôi chính (thịt, trứng, sữa) được sản xuất trong các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học và thân thiện với môi trường.
100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 70% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, 30% được chế biến sâu.
Đại diện Cục Chăn nuôi cũng cho biết, để triển khai Chiến lược hiệu quả, ngành cũng đưa ra những giải pháp trọng tâm để phát triển chăn nuôi bền vững trong thời gian tới, như tiếp tục xây dựng, thực hiện hiệu quả thể chế ngành chăn nuôi.
Nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển giống vật nuôi (quy hoạch, chính sách hỗ trợ). Chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi. Tổ chức liên kết gắn với thị trường, bảo đảm an toàn sinh học và an toàn thực phẩm.
Ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến nông trong chăn nuôi. Tăng cường chế biến gắn với thị trường. Phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tích hợp đa giá trị, sản xuất theo chuỗi. Áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý chăn nuôi.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Phạm Kim Đăng cho biết, Chiến lược của ngành chăn nuôi hiện có nhiều mục tiêu đã đạt và vượt. Đơn cử như, mục tiêu đến năm 2030 đạt sản lượng về thịt là 6,5 triệu tấn, nhưng năm 2023 đã đạt 7,79 triệu tấn. Đây là những tín hiệu tích cực để kỳ vọng chăn nuôi Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Do đó, rất cần sự chung tay của các bên trong chuỗi giá trị, sản xuất theo yêu cầu của thị trường, cũng như đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường thế giới, từ đó, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.