Vậy, chúng ta cần làm gì để chủ động nguồn giống và trong tương lai có SX được con giống hay không? NNVN đã trao đổi với TS. Nguyễn Thị Bích Thúy (ảnh), nguyên Trưởng phòng Thông tin Hợp tác Quốc tế, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Viện III), người tham gia đề tài nghiên cứu SX giống tôm hùm.
Thưa bà, hiện nay nguồn giống tôm hùm chủ yếu khai thác ngoài tự nhiên có đáp ứng đủ nhu cầu của người nuôi?
Trước tiên tôi có thể khẳng định rằng, tôm hùm là một loại hải đặc sản có giá trị kinh tế cao được người dân chú trọng trong nuôi trồng thủy sản, bởi thịt thơm ngon, giàu đạm, được nhiều người ưa thích và là đối tượng nuôi có giá trị xuất khẩu cao.
Ở Việt Nam, tôm hùm phân bố từ Quảng Bình đến Bình Thuận nhưng phân bố nhiều ở các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận. Trong các loại giống tôm hùm thì loài tôm hùm bông (hùm sao) tên khoa học là Panulirus ornatus có kích thước lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh và có thể nuôi được mật độ cao, đã và đang được nuôi nhiều ở các tỉnh miền Trung.
Hiện cả nước có khoảng 43.000 lồng nuôi, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định, sản lượng hàng năm đạt từ 1.500 - 2.000 tấn, đã mang lại nguồn thu nhập hàng nghìn tỷ đồng cho hàng chục ngàn hộ nuôi.
Việt Nam là một trong số ít nước phát triển nghề nuôi tôm hùm thương phẩm, đã mang lại hiệu quả rất cao nhưng lại đang đối mặt với tình trạng khan hiếm con giống do chúng ta chưa SX được trong môi trường nhân tạo mà hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên.
Mặc dù mỗi năm, cả nước khai thác được từ 7,5 - 9 triệu con tôm hùm giống ngoài tự nhiên nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu người nuôi nên giá tôm hùm giống rất cao, có năm giá giống lên đến 350 - 400 ngàn đồng/con và buộc phải nhập tôm hùm giống từ các nước trong khu vực.
Trước nhu cầu thực tế về con giống, từ trước đến nay chúng ta đã có nghiên cứu gì trong SX giống tôm hùm và kết quả ra sao, thưa bà?
Điểm mốc khởi đầu về nghiên cứu tôm hùm ở Việt Nam được đánh dấu bằng chuyến khảo sát của Serene và các cộng tác viên vào năm 1937 ở vùng biển Nam Trung bộ, đã xác định có 3 loài tôm hùm gai thuộc giống Panulirus là P.homarus, P.longipes, P.penicillatus.
Sau đó, do biến động của chiến tranh và nhiều thay đổi về chính trị và kinh tế ở nước ta từ sau năm 1937 đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng (1975), những nghiên cứu về tôm hùm đã bị gián đoạn.
Từ năm 1990 đến nay chúng ta mới có 2 đề tài nghiên cứu ứng dụng cấp Nhà nước liên quan đến ấu trùng tôm hùm được Nhà nước đầu tư và do Viện III chủ trì gồm đề tài “Thử nghiệm SX giống một số loài tôm hùm có giá trị kinh tế ở vùng biển miền Trung” vào năm 1991-1992 và đề tài “Nghiên cứu đặc điểm sinh học ấu trùng tôm hùm bông (Panulius ornatus) làm cơ sở cho việc tạo công nghệ SX giống” được thực hiện năm 2009-2010.
Ngoài ra chúng tôi còn có đề tài “Thử nghiệm SX giống tôm hùm bông ở Khánh Hoà” do UBND tỉnh Khánh Hoà đặt hàng thực hiện trong 2 năm 1995 - 1996.
Kết quả quả của các đề tài nghiên cứu về ương nuôi ấu trùng tôm hùm gai ở Việt Nam chúng tôi mới thu được ấu trùng ở giai đoạn 5 của hai loài tôm hùm đá P.homarus và tôm hùm bông P.ornatus trong điều kiện các phương tiện nghiên cứu chưa được đầu tư.
Chỉ tính riêng giai đoạn phát triển của ấu trùng đã qua 12 biến thái ấu trùng với 24 lần lột xác. Các số liệu thu được từ các công trình nghiên cứu về ấu trùng cùng với những kết quả đã đạt được trong các công trình nghiên cứu khác về tôm hùm do Viện III chủ trì và thực hiện từ năm 1991 - 2008 về các đặc điểm sinh học của 4 loài tôm hùm, kỹ thuật nuôi tôm hùm lồng, một số bệnh thường gặp trên tôm hùm nuôi lồng... là nền móng căn bản để chúng tôi tiếp tục nghiên cứu về các đặc điểm sinh học của ấu trùng tôm hùm bông, làm cơ sở tạo ra công nghệ SX giống trong tương lai.
Theo bà, cái khó trong SX giống tôm hùm là gì?
Với những giá trị kinh to lớn từ nuôi tôm hùm, từ rất sớm trên thế giới có nhiều quốc gia như Nhật Bản, Australia, New Zealand, Malaysia, Singapore... nghiên cứu quy trình SX tôm hùm giống.
Tại Nhật Bản họ nghiên cứu quy trình SX tôm hùm giống từ những năm 1950 và sau gần 40 năm nghiên cứu, đến năm 1988 họ mới nghiên cứu thành công quy trình SX con giống, nhưng đó là con tôm hùm vùng cận nhiệt đới khác với con tôm hùm của nước ta.
Còn Australia họ cũng mất vài chục năm mới nghiên cứu thành công quy trình SX con tôm hùm. Nói như vậy để thấy rằng việc nghiên cứu quy trình SX tôm hùm giống rất phức tạp và nhiều giai đoạn khác nhau bởi tôm hùm có chu kỳ biến thái ấu trùng dài khoảng 120 ngày, dài nhất trong các loài giáp xác nhiệt đới.
Tôm hùm giống
Trong khi đó để SX được giống tôm hùm chúng ta phải hoàn thành được 5 quy trình kỹ thuật nuôi tôm thành thục sinh dục; quy trình kỹ thuật SX thức ăn tươi sống; quy trình kỹ thuật SX thức ăn tổng hợp; quy trình kỹ thuật ương nuôi ấu trùng và quy trình kỹ thuật quản lý môi trường nuôi và bệnh.
Vậy chúng ta có SX được con giống nhân tạo trong tương lai không, thưa bà?
Tôi đã từng có 5 năm công tác tại Úc và Nhật Bản trong lĩnh vực SX giống tôm hùm. Tại các cơ sở SX giống tôm hùm mà tôi tham quan đều nhận thấy rằng họ không chỉ có sự đầu tư cao về nhân lực, trang thiết bị hiện đại, mà họ còn có cơ chế thu hút các tổ chức quốc tế hợp tác đầu tư trong SX giống.
Ngay cả tại Malaysia, hiện nay có sự hợp tác đầu tư vốn của Mỹ; công nghệ của Úc và theo kết quả được công bố thì hiện nước này đã nghiên cứu cho tỷ lệ ấu trùng sống đạt 4%, trong khi đó tỷ lệ ấu trùng sống sót phát triển trong tự nhiên thành tôm giống chỉ đạt ở mức 0,001%. Như vậy đây là kết quả thật sự quá thành công.
"Để SX được chúng ta cần có chiến lược dài hơi, trong đó ít nhất có sự đầu tư thích đáng về trang thiết bị và cần có thêm những đề tài nghiên cứu cho từng giai đoạn từ khi chọn đàn bố mẹ đến tôm đẻ trứng, các giai đoạn phát triển của ấu trùng… Một thuận lợi là thời điểm này chúng ta đã nắm bắt được nhiều thông tin về lĩnh vực SX giống", bà Bích Thúy. |
Như tôi đã nói ở trên việc nghiên cứu ra quy trình SX tôm hùm giống của các nước qua thời gian rất dài. Còn ở Việt Nam, tôi nghĩ chúng ta có thể hoàn toàn SX được con giống nhân tạo nếu chúng ta có đề tài nghiên cứu liên tục trong khoảng 10 năm mà không mất nhiều thời gian như các nước khác.
Chúng ta phải đầu tư những gì để phục vụ nghiên cứu, thưa bà?
Trước mắt cần quy hoạch mặt bằng và thiết kế mới khu hạ tầng cơ sở để bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh sinh học của một trang trại giống thủy sản.
Trong đó cần có khu vực xử lý nước biển gồm hệ thống lọc và hệ thống bể chứa nước biển. Khu vực nuôi tôm bố mẹ gồm: Hệ thống bể nuôi vỗ thành thục và nuôi tuyển chọn tôm bố mẹ, hệ thống tôm mẹ ấp trứng, hệ thống tôm mẹ nở trứng, hệ thống tôm mẹ sau khi nở trứng và hệ thống nuôi tôm bố mẹ phục vụ di truyền, chọn giống.
Khu vực nuôi thức ăn tươi sống gồm: hệ thống bể nuôi một số loài tảo khuê, tảo lục; hệ thống bể nuôi một số loài động vật phù du; hệ thống bể nuôi các đối tượng khác để lấy tuyến sinh dục tươi làm thức ăn cho ấu trùng; phòng phân lập, lưu giữ giống...
Khu vực ương nuôi ấu trùng gồm hệ thống bể ương ấu trùng có hình dạng và thể tích khác nhau để phù hợp với từng pha phát triển của ấu trùng, bao gồm pha đầu phyllosoma (giai đoạn 1 - 4), pha giữa phyllosoma (giai đoạn 5 - 8), pha cuối phyllosoma (giai đoạn 9 - 11). Khu vực phòng thí nghiệm về di truyền, bệnh, chế biến thức ăn tổng hợp cho ấu trùng và khu vực xử lý nước thải.
Không còn công tác tại Viện III, vậy thời gian tới bà còn tiếp tục nghiên cứu quy trình SX giống tôm hùm?
Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng các công trình nghiên cứu về quy trình SX tôm hùm giống vẫn còn dang dở, do vậy tôi tiếp tục theo đuổi nó.
Trước mắt trong năm 2015, chúng tôi sẽ thực hiện dự án "Nghiên cứu phát triển công nghệ SX giống tôm hùm bông phục vụ nuôi công nghiệp tôm hùm thương phẩm" và làm cơ sở để gia hóa, tạo dựng đàn tôm bố mẹ, chọn giống có chất lượng tốt do Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Nuôi trồng & khai thác thủy sản bền vững chủ trì.
Hiện dự án này chưa được phê duyệt. Tuy nhiên nếu dự án được triển khai trong tương lai khả năng chúng ta sẽ tạo ra được công nghệ SX giống tôm hùm bông ở quy mô lớn với các quy trình kỹ thuật về ương nuôi ấu trùng, thức ăn tươi sống, thức ăn chế biến, quản lý môi trường ương nuôi và bệnh học của một trại SX giống thủy sản đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu con giống cho các vùng nuôi tôm hùm thương phẩm.
Đồng thời, tạo ra vật liệu ban đầu cho nghiên cứu di truyền và chọn giống tôm hùm bố mẹ chất lượng cao.
Xin cảm ơn bà!