| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả nguồn vốn ODA trong nông nghiệp

Chiến lược thu hút nguồn vốn vay giai đoạn hậu 'tốt nghiệp' ODA

Thứ Hai 17/08/2020 , 09:28 (GMT+7)

Trong bối cảnh khu vực và toàn cầu đang giảm dần nguồn vốn ODA truyền thống, thì vai trò của vốn ODA đối với ngành NN- PTNT cũng đang có sự thay đổi.

Ông Lê Văn Hiến - Trưởng Ban quản lý Các dự án Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Minh Phúc.

Ông Lê Văn Hiến - Trưởng Ban quản lý Các dự án Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Minh Phúc.

ODA đang giảm dần về tỷ trọng, trong khi viện trợ không hoàn lại và vay ưu đãi sẽ chấm dứt để thay thế bằng các khoản vay sát với giá thị trường.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Hiến – Trưởng Ban quản lý Các dự án Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) chia sẻ, trong thời gian tới, dòng vốn ODA và dòng vốn ưu đãi từ nước ngoài vẫn đóng vai trò quan trọng đối với ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Thưa ông, chúng ta mất gì và được gì sau khi Việt Nam “tốt nghiệp” ODA?

Ở giai đoạn trước, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn vốn ODA từ các nhà tài trợ quốc tế, với các khoản vay lãi suất thấp (chỉ hơn 1%) hoặc viện trợ không hoàn lại. Tuy nhiên, các nhà tài trợ áp đặt nhiều điều khoản ràng buộc, ví dụ như sử dụng dịch vụ tư vấn, thiết kế do nhà tài trợ lựa chọn; sử dụng thiết bị, máy móc, công nghệ của nhà thầu do nhà tài trợ chỉ định...

Và trong quá trình thực hiện dự án, nhiều lúc chúng ta muốn bổ sung, sửa đổi một hạng mục nào đó cho phù hợp, nhưng nếu nhà tài trợ không đồng ý thì không làm được. Các dự án vay vốn ODA cũng thường tập trung vào vùng sâu, vùng xa có điều kiện khó khăn; quy mô các tiểu dự án nhỏ và phân tán nên triển khai không hề dễ dàng.

Còn khi chuyển từ vay vốn ODA sang vay ưu đãi với lãi suất cao, Chính phủ Việt Nam, các Bộ, ngành và địa phương sẽ thoát khỏi áp lực, mà chúng tôi vẫn nói vui là “một cổ hai tròng” (vừa chịu sự dàng buộc bởi các điều khoản mà nhà tài trợ áp đặt; vừa phải tuân thủ các quy định pháp luật trong nước) trong quá trình thực hiện dự án.

Giai đoạn 2021 - 2025, Bộ NN-PTNT đang đề xuất một dự án đầu tư phát triển ngành hàng tiêu và điều. Ảnh: Minh Phúc.

Giai đoạn 2021 - 2025, Bộ NN-PTNT đang đề xuất một dự án đầu tư phát triển ngành hàng tiêu và điều. Ảnh: Minh Phúc.

Chúng ta hoàn toàn chủ động trong việc thiết kế xây dựng dự án mà không bị ràng buộc bởi các điều khoản nhà tài trợ áp đặt. Đồng nghĩa với việc vị và thế của chúng ta cũng được nâng lên.

Do đó, ta có điều kiện để triển khai các dự án đầu tư lớn giải quyết nút thắt về hạ tầng, phát triển nông nghiệp thông minh, thay vì tập trung vào các dự án hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật như giai đoạn trước.

Vậy so với việc huy động nguồn vốn vay trong nước, khi vay ưu đãi lãi suất cao từ nước ngoài, chúng ta được lợi gì?

Có 4 lý do chúng ta cần tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất cao từ nước ngoài sau khi “tốt nghiệp ODA”.

Thứ nhất là lãi suất cho vay chỉ dao động khoảng từ 3,2% đến dưới 4%/năm, thấp hơn so với lãi suất từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và nguồn vốn huy động tiền tiết kiệm của người dân trong nước.

Thứ hai, thời gian ân hạn trả nợ gốc kéo dài hơn các khoản vay trong nước, nên chủ đầu tư có thể thực hiện các dự án khai thác dài hạn.

Thứ ba, các chủ đầu tư (ví dụ như các tỉnh, thành phố) có thể nhanh chóng tiếp cận các nguồn vốn có sẵn từ nước ngoài để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội lớn lên tới hàng chục ngàn tỷ, mà không phải “xếp hàng” chờ nhà nước giải ngân vốn đầu tư công.

Thứ tư, thông thường các hiệp định vay vốn ưu đãi lãi suất cao thường đi kèm một nguồn viện trợ không hoàn lại, tức là cho không với tỷ lệ khoảng 15 – 20% từ nhà tài trợ.

Ngoài ra, chúng ta còn được các chuyên gia quốc tế hỗ trợ trong quá trình xây dựng và vận hành dự án, cung cách quản lý, chuyển giao khoa học - công nghệ (đặc biệt là các phền mềm ứng dụng) thông minh mà Việt Nam không có.

Với các quy định mới của Chính phủ, sẽ không còn các dự án “Ô”, là dự án trong đó có một cơ quan giữ vai trò chủ quản chương trình, dự án, thực hiện chức năng điều phối chung. Điều này có gây trở ngại gì trong việc xây dựng các dự án triển khai trên diện rộng, mang tầm chiến lược quốc gia, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp?

Theo Nghị định 56 của Chính phủ năm 2020 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, việc xây dựng dự án mới không còn dự án “Ô”. Bởi vậy, đơn vị nào xác định được mục tiêu, nhiệm vụ và khả năng trả nợ thì tự xây dựng dự án.

Ông Lê Văn Hiến cho rằng, dòng vốn ưu đãi từ nước ngoài vẫn đóng vai trò quan trọng đối với ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Lê Văn Hiến cho rằng, dòng vốn ưu đãi từ nước ngoài vẫn đóng vai trò quan trọng đối với ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Ảnh: Minh Phúc.

Đối với ngành NN-PTNT, các tỉnh chưa quen xây dựng các dự án sử dụng vốn ODA và các khoản vay ưu đãi từ nhà tài trợ nước ngoài nên vẫn ủy quyền cho Bộ NN-PTNT làm đầu mối xây dựng các dự án mới.

Tuy nhiên, tiến độ xây dựng các dự án bị chậm do liên quan đến vấn đề nợ công tăng cao và phải hoàn thành các thủ tục liên quan đến nhiều Bộ, ngành, địa phương.

Để làm tốt hơn vấn đề này, chúng ta phải sàng lọc các tỉnh có trần nợ công thấp và có khả năng trả nợ để đảm bảo khi đề xuất dự án được Hội đồng nhân dân cũng như Thường vụ Tỉnh ủy thông qua nhanh; bên cạnh đó việc thẩm định thông qua Bộ Tài chính cũng nhanh hơn.

Xin cảm ơn ông!

Vậy trong giai đoạn 2021 - 2025, Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp được Bộ NN-PTNT giao kế hoạch chuẩn bị và xây dựng các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ODA và các nguồn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nào?

Hiện nay chúng tôi được Bộ NN-PTNT chỉ đạo chuẩn bị, xây dựng dự án để trình Bộ gửi sang Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, thẩm định 4 dự án mới vay vốn ưu đãi từ ngước ngoài trong giai đoạn 2021-2025.

Trong đó có dự án phát triển Thủy sản bền vững vay vốn Ngân hàng Thế giới với số vốn khoảng 9.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các trung tâm hậu cần nghề cá 3 cấp vùng, các cảng cá loại 1 và khu tránh trú bão cấp vùng.

Ngoài ra, dự án còn đầu tư cải thiện hạ tầng phục vụ chọn tạo tôm giống bố mẹ, giống nuôi biển giúp chủ động được nguồn tôm giống, giống nuôi biển có chất lượng cao, giảm thiểu dịch bệnh, góp phần nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng triệu lao động trực tiếp và gián tiếp.

Xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho ngành kiểm ngư phục vụ khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản hiệu quả, bền vững; tăng cường năng lực quản lý, tổ chức sản xuất chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU), quản lý bền vững nguồn lợi thủy sản.

Ngoài ra, một dự án khác cũng rất khả thi, đó là Phát triển hạ tầng chuỗi giá trị rau quả thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (tới đây, dự án này có thể tích hợp với dự án Hỗ trợ phát triển ngành hàng tiêu, điều và cây ăn quả) vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB).

Dự án sẽ thực hiện theo cơ chế phân cấp triệt để cho các cấp chính quyền địa phương và đượcyêu cầu tham vấn rộng rãi tới người dân vùng hưởng lợi.

Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT sẽ là cơ quan hỗ trợ kỹ thuật và kết nối với chính quyền các tỉnh hưởng thụ dự án trong quá trình làm việc với nhà tài trợ để xây dựng và triển khai, đảm bảo thống nhất các hợp phần của các tỉnh gắn kết được với các chương trình hành động và chính sách của Chính phủ cũng như nhà tài trợ.

Sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và PTNT vào dự án ở hợp phần này với tư cách là đơn vị hỗ trợ kỹ thuật và sử dụng kinh phí từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại.

Dự án thứ 4 cũng được Bộ NN-PTNT đề xuất, đó là dự án Thực phẩm nông nghiệp an toàn Việt Nam, dự kiến triển khai tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và những tỉnh vệ tinh.

Ngoài ra, một số dự án khác gồm Hiện đại hóa thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu (vay vốn ADB); Dự án Phục hồi và quản lý rừng bền vững tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam - giai đoạn 2 (vay vốn của Chính phủ Đức); Cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi vùng Đồng bằng sông Hồng theo hướng quản lý nước hiệu quả phục vụ Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nông thôn (vay vốn KEXIM, Hàn Quốc) cũng đang được Bộ NN-PTNT đề xuất triển khai.

Tất cả các dự án kể trên đều bám sát chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp, trong đó tập trung tái cơ cấu và phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực xuất khẩu mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, gắn với chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Xem thêm
80% sản lượng dừa sáp Trà Vinh bán dưới hình thức nguyên liệu thô

Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích dừa hữu cơ gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu tại Trà Vinh, cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Chất lượng là yếu tố số 1 để nâng cao thương hiệu rau quả Việt Nam

‘Để nâng cao giá trị thương hiệu ngành rau quả Việt Nam, chất lượng là yếu tố số 1, sau đó mới đến giá cả', Phó Tổng Giám đốc Doveco Nguyễn Thanh Tùng cho hay.

Hà Nội sắp phê duyệt chủ trương cải tạo lại ba chung cư cũ

UBND TP. Hà Nội có văn bản kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Dương Đức Tuấn về việc thực hiện đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở Hà Nội.