Chính quyền số đang trở thành một đòi hỏi cấp thiết để công tác quản lý nhà nước theo kịp nhu cầu phát triển xã hội. Chính quyền số đã được nhắc đến trong nhiều văn bản chiến lược, những việc triển khai vẫn chưa thấy tín hiệu tích cực. Vì vậy, không có gì khó hiểu khi trọng tâm phải đẩy mạnh chính quyền số được đề cập một lần nữa tại hội nghị giao ban “Thực trạng, giải pháp trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị tại phường, xã, thị trấn” do Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 16/5.
Với một đô thị có tầm vóc quốc tế như TP.HCM, nếu không nhanh chóng áp dụng chính quyền số, thì khó tránh khỏi những bất cập trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Bởi lẽ, đội ngũ cán bộ công chức hiện nay gần như không đủ thời gian và sức lực, để giải quyết các thủ tục hành chính bằng phương pháp thủ công cho một khu vực có mật độ dân cư đông đúc.
Theo khảo sát, mỗi năm một cán bộ công chức của phường Bình Hưng Hòa A thuộc quận Bình Tân, phải giải quyết hơn 3.200 hồ sơ. Cho nên, tình trạng ùn ứ đơn từ sẽ còn tái diễn, dẫu cán bộ công chức có làm việc đến nửa khuya và làm việc cả ngày nghỉ lễ.
Năm ngoái, trong chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” phát sóng trực tiếp trên truyền hình, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi kiến nghị tăng cường dịch vụ công trực tuyến để cải thiện chỉ số cải cách hành chính PAR Index, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Đáng tiếc, ý chí ấy vẫn đang dậm chân tại chỗ.
Mặc dù Bộ Công an đã tiến thành chuyển đổi Giấy chứng minh nhân dân thành Căn cước công dân có gắn chíp, nhưng hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia vẫn chưa tác động đến quá trình xây dựng chính quyền số. Người dân còn phải chen chúc xếp hàng ở UBND phường để được làm các loại chứng từ liên quan đến nhân thân. Câu hỏi đặt ra, Đề án 06 bao giờ góp phần hỗ trợ cho chính quyền số phục vụ cộng đồng?
Đề án 06 có tên gọi đầy đủ là “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với các bộ ngành để kích hoạt Đề án 06. Có 4 nhóm vấn đề gặp nhiều vướng mắc khi thực hiện Đề án 06 là pháp lý, hạ tầng công nghệ, dịch vụ công và nguồn nhân lực. Trong đó, vướng mắc lớn nhất vẫn là pháp lý.
Muốn có chính quyền số, thì về mặt pháp lý, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư. Thế nhưng, việc rà soát sửa đổi các văn bản dưới nghị định còn chậm, chưa công bố để các địa phương chấn chỉnh. Ngược lại, các địa phương cũng chưa chủ động tái cấu trúc theo thẩm quyền thủ tục hành chính.
Vì vậy, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu tăng tốc kiến tạo chính quyền số, để xóa thực trạng “chuyển đổi số mà bắt người dân phải chạy đến chỗ nọ gửi hồ sơ chạy đến chỗ kia xin chữ ký là cải cách nửa vời”.