| Hotline: 0983.970.780

Chợ đầu tư tiền tỷ, mỗi phiên có khoảng chục người họp

Thứ Ba 07/09/2021 , 08:32 (GMT+7)

Chợ Trường Hà, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng được đầu tư tiền tỷ để đủ tiêu chí về đích nông thôn mới nhưng hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí.

Ngày họp chợ phiên xã Trường Hà, huyện Hà Quảng chỉ có khoảng chục người kinh doanh. Ảnh: C.H.

Ngày họp chợ phiên xã Trường Hà, huyện Hà Quảng chỉ có khoảng chục người kinh doanh. Ảnh: C.H.

Trường Hà là xã đầu tiên của huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Chợ nông thôn là một trong những hạng mục được huyện đầu tư cho xã để về đích nông thôn mới.

Chợ xã Trường Hà do huyện Hà Quảng làm chủ đầu tư với kinh phí hơn 3,4 tỷ đồng. Thời gian xây dựng từ tháng 3 - 7/2016. Chợ có tổng diện tích hơn 500m2 gồm đình chợ, dãy ki ốt, sân để xe, nhà vệ sinh… Phiên chợ xã họp vào ngày 3, ngày 8 âm lịch hàng tháng.

Đến xã vào đúng ngày chợ phiên, dù mới chỉ hơn 7 giờ sáng nhưng cả chợ chỉ có khoảng chục người kinh doanh, trong đó có 6 - 7 người bán các sản phẩm như rau củ, đậu phụ tại sân của chợ, trong đình chợ chỉ có 2 bàn bán thịt lợn. Các ki ốt của chợ đóng cửa im lìm vì không có người thuê kinh doanh.

Đình chợ không có người kinh doanh. Ảnh: C.H.

Đình chợ không có người kinh doanh. Ảnh: C.H.

Bà Dương Thị Nha ở xóm Bản Hoàng chia sẻ: Trước đây tôi đã bán hàng tại chợ cũ của xã. Từ năm 2016 khi chợ mới xây xong thì chuyển qua đây bán nông sản. Mỗi ngày chợ, tôi đem bán các loại nông sản gia đình tự trồng như rau xanh, củ, quả. Chợ bao năm nay vẫn thưa thớt như này, chủ yếu có một số hộ dân nhà gần chợ và giáo viên các trường học ở xã hay đến mua sắm các loại thực phẩm, còn gần như không có người dân ở các xóm xa đến họp chợ.

Chưa đến 8 giờ sáng, những hộ bán hàng tại chợ đã dọn dẹp hết đồ để về vì không có khách. Trong khi những chợ phiên khác thường họp đến tận trưa các tiểu thương mới dọn hàng.

Ông Triệu Văn Duy, Chủ tịch UBND xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng cho biết: Theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới phải có chợ nông thôn nên xã vẫn xin huyện đầu tư xây chợ mới cho xã Trường Hà. Từ ngày đưa vào sử dụng đến nay, mỗi ngày chợ phiên nếu đông cũng chỉ có khoảng 20 hộ bán các mặt hàng như rau, thịt, nông sản do người dân tự nuôi trồng, sản xuất. Những ngày thường trung bình chỉ có khoảng chục hộ bán hàng.

Gần 8 giờ sáng người dân đã dọn hàng về nhà. Ảnh: C.H.

Gần 8 giờ sáng người dân đã dọn hàng về nhà. Ảnh: C.H.

Chợ Trường Hà nằm ngay cạnh đường Hồ Chí Minh, đối diện trụ sở UBND xã, rất thuận tiện cho việc giao lưu buôn bán nhưng người dân trong xã chủ yếu tự cung tự cấp các sản phẩm nông sản nên vắng người đến chợ mua bán. Một số người dân có thói quen đi mua bán thực phẩm, nông sản tại ngã ba Đôn Chương, chợ thị trấn Xuân Hòa nên chợ luôn trong tình trạng vắng người mua bán.

Thời gian tới, để chợ hoạt động có hiệu quả hơn, xã sẽ tích cực vận động người dân chăn nuôi, trồng các loại nông sản sạch, không bón phân hóa học hay thức ăn tăng trọng để thu hút lượng khách du lịch đến Khu du lịch Quốc gia đặc biệt Pác Bó sẽ vào chợ mua các sản phẩm nông sản địa phương, ông Duy cho biết thêm.

Để tránh việc gây lãng phí quỹ đất và ngân sách, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng cần xem lại tiêu chí xây chợ trong số các tiêu chí xây dựng nông thôn mới để tránh việc đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí như chợ xã Trường Hà, huyện Hà Quảng.

Việc đầu tư xây dựng chợ là một hạng mục quan trọng để xây dựng nông thôn mới, là một chủ trương đúng. Nhưng trước khi xây dựng chợ cần tham khảo ý kiến nhân dân, tập quán và nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa của người dân địa phương.

  • Tags:
Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.