| Hotline: 0983.970.780

Chợ phiên bonsai

Thứ Năm 22/08/2019 , 13:15 (GMT+7)

Thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp lần đầu tiên tổ chức chợ phiên bonsai thu hút đông đảo khách sành chơi từ khắp các tỉnh thành tham gia.

14-12-20_still0815_00018
Đông đảo nghệ nhân, người đam mê cây cảnh từ khắp nơi về phiên chợ bonsai ở Sa Đéc.

Điểm đặc biệt ở phiên chợ này là người bán và người mua đều là những nghệ nhân, có cùng đam mê, sở thích và sản phẩm được giới thiệu, bày bán không gì khác ngoài kiểng bonsai.

Trong tháng 8/2019, chúng tôi có dịp đến dự một phiên chợ bonsai được tổ chức tại Khu du lịch hoa kiểng Sa Đéc, thuộc xã Tân Khánh Đông. Mặc dù sáng sớm trời đã đổ mưa to nhưng có khá đông nghệ nhân đến đây chiêm ngưỡng và tìm mua cho mình những sản phẩm ưng ý.

Tại phiên chợ này, có rất nhiều chủng loại kiểng. Ngoài những cây kiểng bosai mini giá vài trăm ngàn đồng cho đến những cây kiểng bonsai trung, kiểng cổ như mai vàng, khế, bằng lăng, nguyệt quế… giá lên đến vài trăm triệu đồng mỗi cây. Tùy vào sở thích và điều kiện kinh tế, mỗi người có thể lựa chọn cho mình một sản phẩm ưng ý.

Phiên chợ bonsai này do Hội quán Bonsai thành phố Sa Đéc tổ chức định kỳ hàng tháng vào 2 ngày (thứ bảy và chủ nhật trong tuần đầu tiên của tháng). Qua 4 lần tổ chức đã có hàng trăm nghệ nhân tham gia.

Nói về ý tưởng tổ chức phiên chợ, ông Nguyễn Phước Lộc- Chủ nhiệm Hội quán Bonsai Sa Đéc cho biết thêm: “Về lĩnh vực cây kiểng có rất nhiều anh em đam mê nhưng trước nay chưa có điều kiện tập hợp, giao lưu nên mình muốn mở phiên chợ này”.

Trước đây nghệ nhân Võ Văn Tuấn phải lặn lội từ An Giang đến từng nhà vườn ở Sa Đéc để lựa chọn kiểng thì từ khi có phiên chợ giúp ông và các thương lái tiếp cận nhanh hơn, mua bán trao đổi cũng dễ dàng hơn.

Ông Tuấn thích thú nói: “Tôi có đem một số sản phẩm để trao đổi, mua bán. Sản phẩm ở đây rất chất lượng và đa dạng, giá nào cũng có, từ vài triệu cho đến vài trăm triệu mỗi cây để anh em chọn lựa. Tôi rất thích chợ phiên như thế này”.

Ngoài được tham gia trao đổi, mua bán sản phẩm, điểm đặc biệt của phiên chợ này là trong 2 ngày diễn ra, ban tổ chức còn mời các diễn giả là những chuyên gia, giáo viên chuyên giảng dạy về nghệ thuật bonsai đến chia sẻ với các nghệ nhân về kỹ thuật trồng và chăm sóc kiểng bonsai. Từ đó ngày càng thu hút đông đảo giới chơi kiểng tham gia.

Anh Nguyễn Thành Quang, thành viên Hội quán Bonsai Sa Đéc phấn khởi nói: “Tham gia hội quán có nhiều lợi ích, thứ nhất là được trao đổi mua bán cây kiểng, thứ hai là được gặp gỡ, giao lưu với nhiều nghệ nhân ở các nơi, thứ ba là được các chuyên gia, những nhà chuyên môn khuyến cáo, hướng dẫn những kiến thức bổ ích để mình nâng cao tay nghề. Từ lúc có phiên chợ tới giờ tháng nào tôi cũng bán được sản phẩm, thuận tiện lắm!”

Từ tháng 5/2019 đến nay, Hội quán Bonsai Sa Đéc đã tổ chức đều đặn 4 phiên chợ, qua đó giúp các nhà vườn, nghệ nhân thực hiện các thương vụ trao đổi, mua bán cả trăm tác phẩm với giá trị hơn 2 tỷ đồng. Điều này cho thấy sức hút hấp dẫn mà phiên chợ đang mang lại và là động lực để hội quán tiếp tục duy trì.

Nói về những định hướng trong thời gian tới, ông Nguyễn Phước Lộc, Chủ nhiệm Hội quán Bonsai Sa Đéc thông tin thêm: “Thời gian tới chúng tôi sẽ cố gắng làm sao cho phiên chợ tại đây phong phú hơn, thu hút nhiều người hơn và chúng tôi sẽ hướng đến cho đấu giá sản phẩm. Song song đó sẽ mời những chuyên gia đầu ngành và hy vọng sẽ mời được những nghệ nhân ở nước ngoài như Đài Loan, Indonesia về giao lưu. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức những chuyến đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài để cùng nhau làm cho phong trào bonsai phát triển mạnh hơn nữa”.

Làng hoa Sa Đéc từ lâu được biết đến là cái nôi của hoa kiểng, là nơi sản sinh ra những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Việc có một phiên chợ dành riêng cho cây kiểng để tập hợp những người có cùng chung niềm đam mê cây cảnh đã tạo ra sân chơi bổ ích cho các nghệ nhân và cũng tạo điều kiện để quảng bá sản phẩm của địa phương đến với bạn bè gần xa.

Xem thêm
Cải thiện chất lượng bò thịt tại Việt Nam theo tiêu chuẩn Pháp

HÀ NỘI Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì ký kết thỏa thuận hợp tác với Phòng Thương mại và Thủ công nghiệp Ile-de-France (CMA IDF) nâng cao chất lượng bò thịt Việt Nam.

Muôn kiểu phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

BÌNH ĐỊNH Trước nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi có thể bùng phát bất cứ lúc nào, ngành chức năng Bình Định có nhiều cách phòng dịch bệnh nguy hiểm này để bảo toàn đàn lợn.

Những mầm xanh vươn lên từ vùng đất khắc nghiệt

SƠN LA Từ nương rẫy bạc màu, chị Hường vươn lên với mô hình ươm cây giống trong nhà màng, mở ra hướng đi bền vững cho nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vân Hồ.

Đại sứ Colombia: ‘Chính sách tốt bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc’

Bà Camila nhấn mạnh điều này khi trao đổi với CIAT và cho rằng Chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm trong việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Giống dừa xiêm xanh Tam Quan, lựa chọn số 1 cho vùng Nam Trung bộ

Dừa xiêm xanh Tam Quan được các nhà khoa học của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ bình tuyển là giống dừa uống nước ngon nhất Nam Trung bộ…

Chuyển biến tích cực trong chống khai thác IUU: [Bài 1] Tuyệt đối không vượt ranh giới

Tiếp thu những khuyến nghị của EC, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những chuyển biến tích cực trong việc khắc phục các tồn tại về chống khai thác IUU.

Trước tuyên bố áp thuế đối ứng 46% của Mỹ: Doanh nghiệp gỗ 'không bi lụy, than khóc'

Dù không dễ thực hiện, ý tưởng sẽ được chính quyền Trump ủng hộ, còn Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam coi như biện pháp ứng phó lâu dài với thuế đối ứng.

Bình luận mới nhất