Có thể nói, chợ quê phản ánh khá đầy đủ "sức khỏe" đời sống nông thôn. Nhóm phóng viên NNVN theo chân nông dân ở một số vùng quê đi chợ với mong muốn có được một cái nhìn chân thực nhất về đời sống nông thôn hiện nay.
Chỉ dám mổ lợn vào kỳ phát lương
"Dân không có tiền chú ơi. Nếu có thì họ đã ra chợ chọn những miếng ngon để mua rồi. Bây giờ phải mang thịt đến tận từng nhà may ra họ chấp nhận ký nợ, lúc nào bán được lạc, đậu có tiền trả mình. Hoặc giả họ có trả bằng đậu, bằng lạc thì cũng phải lấy chứ ngồi đây thì bán được cho ai”, bà Đoàn Thị Hòa, một người bán thịt chợ Phùng giải thích.
Miếng thịt cũng phải nợ
Chợ Phùng họp phiên chính vào ngày chẵn và phiên phụ vào chiều hôm sau, là chợ trung tâm phục vụ gần 1.500 hộ dân thuộc hai xã Đức Hương và Đức Liên (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh). Một phiên chợ quê điển hình. Ảm đạm, nghèo nàn, buồn tẻ.
Tôi có mặt ở Phùng vào phiên chính từ lúc sớm tinh mơ, khi vừa tỏ mặt người, cũng là thời điểm chợ vào phiên. Chợ trung tâm của cả hai xã hẳn hoi nhưng chỉ lác đác có vài nông dân đi chợ sớm để ra đồng, còn lại chỉ thấy toàn là người bán. Một dãy hàng thịt, một hàng cá biển, một hàng tạp hóa phía bên trong, bao bọc bên ngoài là rau ria, tương cà muối ớt, một vài quả mít, mớ hẹ, nải chuối...
Phục vụ gần 1.500 hộ dân nhưng lệ thường, đến khoảng bảy tám giờ thì chợ Phùng vãn khách. Như hôm nay còn sớm hơn, mới 7 giờ sáng mà khách mua đã vắng hoe. Đám người bán thịt lợn quây nhau đánh phỏm, ông lão bán cá biển ngáp ngắn ngáp dài phẩy ruồi, bà bán hàng tạp hóa ngủ gà ngủ gật, khách gọi nhờ đổi tờ 100 ngàn, vét hết túi, hết rương vẫn không đủ.
Chợ quê
Sang nhất ở chợ quê vẫn là hàng thịt. Đời sống khó khăn đến nỗi thịt trở thành thức ăn xa xỉ, buôn bán đủ cách mà phiên nào cũng ế.
Dãy hàng thịt ở chợ Phùng có 4 người, sắp thành 4 phản. Cứ mỗi một phiên chợ họ chỉ dám chung nhau mổ một con lợn, mỗi người một chân nhưng bán từ trưa hôm trước đến hết phiên chợ chính hôm nay mà vẫn còn phân nửa. Đánh bài chán chê, 4 bà chia nhau đống thịt ế ẩm, khô cong queo nhét làn, đạp xe vào các thôn rao bán.
“Dân không có tiền chú ơi. Nếu có thì họ đã ra chợ chọn những miếng ngon để mua rồi. Bây giờ phải mang thịt đến tận từng nhà may ra họ chấp nhận ký nợ, lúc nào bán được lạc, đậu có tiền trả mình. Hoặc giả họ có trả bằng đậu, bằng lạc thì cũng phải lấy chứ ngồi đây thì bán được cho ai”, bà Đoàn Thị Hòa, một người bán thịt chợ Phùng giải thích như thế.
Mấy người làm nghề như bà Hòa nắm rất rõ quy luật lúc nào thì nên mổ lợn. Bà tính: “Kỳ cán bộ hưu trí, gia đình chính sách nhận tiền lương, tiền chế độ có thể mổ hoặc thời điểm ngày mùa, nông dân thu hoạch lạc, đậu bán được giá cũng có thể mổ. Còn như tháng 7 tháng 8 lụt sạch trơn, con cái vào năm học phải đóng góp, lúc ấy, chẳng ai dám mổ lợn đi bán mô”.
Thời điểm này cũng là lúc “có thể mổ”, mùa lạc cũng đã thu hoạch xong, nhưng vì giá lạc quá thấp, dân chưa bán được nên chẳng mấy nhà đi chợ. Thịt lợn quá sức với nhà nông đã đành, mấy mẹt cá biển ở hàng cá ông Nguyễn Văn Mão cũng ế sưng ế sỉa. Tính cả phiên chợ, ông chỉ bán chưa đầy phân nửa. Mà thực ra cũng không hẳn là bán, hầu hết số cá giải phóng được là do người dân mang chè xanh ra đổi. Một bó chè xanh giá 3 ngàn, một lạng cá biển cũng 3 ngàn. Bó chè ngang lạng cá, chè chất thành đống cao nhưng ông hàng cá vẫn cứ phải đổi vì chẳng mấy ai rủng rỉnh đi mua cá bằng tiền mặt. Rốt cuộc, theo chân các bà bán thịt, ông Mão phải chở cá đi rao, đến tận từng nhà cho ký nợ, lúc nào có tiền thì trả.
Đổi cá lấy chè vẫn không bán được
Ở lại chợ cuối cùng là chị bán rau quả tên là Nguyễn Thị Loan. Một ít bí, một ít hành, một ít cà chua…Thứ gì cũng có nhưng cả buổi sáng, cả vốn lẫn lãi chị chỉ bán được đúng 33 ngàn đồng. Tính toán chi li từng đồng một thì lãi khoảng 3 - 5 ngàn. “Những thứ này bây giờ dân ít mua lắm. Trong vườn trồng được thứ gì thì ăn thứ nấy. Có vài nghìn bạc thôi mà người ta cũng thắt lưng buộc bụng chứ đừng nói đến thịt cá”.
Chị Loan không chồng, chỉ xin được đứa con trai. Năm nay nó học hết lớp 9, không chịu thi vào cấp 3 vì nó biết chắc là mẹ mình không kham nổi. Bán chác chẳng ăn thua, chị Loan cũng chẳng dám mua thịt, chỉ nhặt ra mấy quả cà chua về nấu bữa trưa.
Cả phiên chị Loan chỉ bán được 33 ngàn
Phiên chính chợ Phùng, tính ra chạy nhất chỉ có thúng đậu phụ ở cổng chợ. Nhiều nông dân đi chợ kiểu chỉ đến cổng, đưa cho bà bán đậu phụ lúc 2 ngàn, lúc 5 ngàn, xách một vài miếng rồi đi thẳng chứ chẳng vào chợ để làm gì.
"Chỉ làm nông không dám mua thịt mô"
Chủ tịch UBND xã Đức Hương Lê Văn Lợi nói với tôi như thế. Đức Hương là một xã nghèo, 946 hộ dân thuần nông thì những người dám ăn thịt lại càng ít ỏi. Tính thẳng ra là chỉ có cán bộ công chức, giáo viên, quân đội về hưu. Hàng tháng, cứ đến ngày phát lương hưu, thời điểm bên bảo hiểm thuê một hai người ôm tiền về UBND xã phát lương thì y như rằng chiều đấy thấy mổ lợn. Tiền lương hưu hàng tháng của cả xã khoảng 250 triệu, bình quân 2,5 triệu một gia đình, tức chỉ có khoảng 100 hộ có đời sống kinh tế tương đối ổn định mà thôi.
“Nông dân thuần túy mà bảo họ bán lạc, bán đậu để mua thức ăn thì khó. Nghề phụ cũng không có thì chuyện người ta không dám ăn thịt cũng là lẽ thường, ăn rồi lấy gì mà trả. Hỏi dân sống bằng cái gì? Thì tất nhiên là sống bằng ruộng, bằng đất. Nhưng sở dĩ sống khổ là vì những nguồn này bây giờ khó khăn lắm”, ông Lợi cho biết.
Chợ vắng khách mua
Tổng cả đất màu cả đất ruộng xã Đức Hương chỉ vỏn vẹn có 349 ha. Bình quân mỗi khẩu chỉ 12 thước ruộng, 3 thước đất. Một xã thuần nông, lấy nông nghiệp làm trọng nhưng đó là nền nông nghiệp hết sức quặt quẹo. Ruộng chỉ làm được một vụ, tưới tiêu hoàn toàn phụ thuộc vào trời. Toàn bộ diện tích lúa chỉ mang tính tự cung tự cấp, không có chuyện hàng hóa. Mấy năm trước, dự án IFAC có giúp xã làm hệ thống đập trên 2 tỷ nhưng không phát huy được tác dụng vì chẳng có tiền để làm mương dẫn nước về.
Năm nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh có ý định cấp xi măng để xây dựng kênh mương, nhưng sau khi hạch toán mỗi cây số kênh mương hết khoảng 2 tỷ, tỉnh chỉ hỗ trợ được một nửa, còn một nửa xã và dân phải tự làm. Đức Hương được giao chỉ tiêu thu ngân sách 280 triệu mỗi năm nhưng đất đai không bán được nên dự án kênh mương đưa nước từ đập chứa về vẫn còn đắp chiếu. Họp lên họp xuống, cũng có phương án huy động dân đóng góp. Nhất trí thôi, nhưng lấy gì để đóng bây giờ?
Thế sức dân có đủ để đóng góp xây dựng kênh mương không? Cứ nhìn gia cảnh bà Lê Thị Quyền ở thôn Hương Phố thì biết. Tôi gặp bà Quyền khi chợ vãn rồi mà bà vẫn cứ ngồi bó gối bần thần bên mớ rau hẹ ế ẩm. Sáng nay, bà cắt 5 bó hẹ trong vườn mang ra chợ bán, định bụng bán xong thì mua lạng thịt về ăn. Mỗi bó có 2 ngàn đồng nhưng không bán được cho ai nên bà cứ ngồi chờ. Không bán được hẹ thì bữa trưa cũng không thịt thà gì hết.
Nghĩ mà tủi. Hai ông bà có 2 sào màu trồng lạc, hai sào ruộng cấy lúa mà cuộc sống vẫn cứ cơ cực thế này. Ruộng chỉ cấy được một vụ, vừa đủ gạo ăn hết năm. Hai sào màu một vụ trồng lạc, một vụ trồng đậu. Con cái đi làm ăn xa, chỉ có hai ông bà nuôi nhau nhưng không nuôi nổi. Mùa lạc năm nay, lúc bắt đầu trồng ông bà phải bỏ ra gần hai triệu tiền giống, tiền phân bón, đều phải đi vay cả. Bà tính rằng, nếu lạc bán được giá 20 ngàn/kg thì đủ tiền trả nợ, nếu dưới thì lỗ. Giá lạc ở Phùng bây giờ đang 17, nông dân như bà Quyền chỉ biết kêu trời. “Nhà nông ai cũng trông vào hạt đậu hạt lạc để chi tiêu thôi. Lúa thì không được phép bán một hạt vì ruộng làm một vụ chỉ đủ gạo ăn, bán là đói. Rứa mà giá cả kiểu ni thì nỏ ai có tiền mặt để tiêu mô chú à”.
Ông Đào Hải Đường, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam kiêm quản lý chợ Phùng, đúc kết thế này: Chợ quê nhưng từ miếng thịt đến mớ rau đều mua kiểu trả góp. Dân cứ ra chợ mua, ký sổ rồi đến lúc nào bán được đậu, lạc thì trả. Từ khi có chợ đến nay mới chỉ duy nhất một lần người ta chở hàng về đây bán nhưng không thấy quay lại nữa. |