Thời gian qua, đợt rét kỷ lục đã gây ra băng giá ở nhiều tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc (MNPB), tình trạng rét đậm, rét hại ảnh hưởng rất lớn tới đàn gia súc cũng như hoạt động chăn nuôi của người dân nơi đây.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết: Những năm qua, việc nhiệt độ xuống thấp thường xuyên xảy ra trong vụ đông xuân, thời điểm sau Tết nguyên đán nhưng không quá trầm trọng. Tuy nhiên, năm nay rét đậm, rét hại kéo dài đã xảy ra, tác động rất lớn đến ngành nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi.
Theo dự báo, nhiều nơi nhiệt độ xuống thấp, nhất là các tỉnh MNPB, có nơi nhiệt độ xuống đến 1 độ C, ngay tại Hà Nội nhiệt độ cũng xuống mức 8 - 10 độ C.
Theo báo cáo sơ bộ ban đầu của Sở NN-PTNT 11 tỉnh Trung du và MNPB, Bắc Trung Bộ, tổng đàn vật nuôi các loại bị chết do giá rét là hơn 1.000 con, trong đó chủ yếu là trâu, bò. 3 tỉnh thiệt hại lớn nhất là Hòa Bình (393 con), Sơn La (171 con), Lạng Sơn (145 con).
Theo ông Chinh, Trước tình hình trên, ngay từ 29/9/2021, Cục Chăn nuôi đã có công văn gửi các Sở NN-PTNT 25 tỉnh thành khu vực Trung du và MNPB, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên trong việc chủ động trồng cỏ, chế biến thức ăn thô xanh, dự trữ rơm, cỏ khô cho vật nuôi. Cục cũng tham mưu cho Bộ NN-PTNT ban hành Công văn 7055/BNN-CN ngày 27/10/2021 gửi UBND các tỉnh, thành phố khu vực MNPB, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên về việc chủ động phòng chống đói, rét cho vật nuôi.
Ngày 14/2/2022, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã chủ trì hội nghị để chỉ đạo trực tiếp Sở NN-PTNT các tỉnh chuẩn bị sẵn sàng cho công tác phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi.
Ngày 21/2/2022, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng gửi Công điện khẩn số 1039/CĐ-BNN-CN tới UBND các tỉnh MNPB, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên về việc phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Theo đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT và các sở, ban ngành, đoàn thể liên quan triển khai tích cực các biện pháp trong phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi trên địa bàn. Cử ngay các đoàn công tác đến các huyện, xã kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc bằng các nguồn lực và nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương.
Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, khí hậu trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan, bị động trong việc phòng, chống đói, rét cho vật nuôi.
Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn, đảm bảo cung cấp thức ăn tại chuồng, không để gia súc bị đói, khát; nhốt gia súc tại chuồng, không chăn thả trâu, bò khi nhiệt độ xuống thấp dưới 12 độ C và cho gia súc nghỉ làm việc; giữ khô nền chuồng, che chắn tránh gió lùa, làm áo khoác giữ kín, giữ ấm, tạo nguồn nhiệt (đốt trấu, củi…) sưởi ấm cho gia súc...
Bên cạnh đó, cần vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý tốt gia súc chết và chất thải vật nuôi; thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi đề phòng dịch bệnh xảy ra. Khi phát hiện gia súc bị bệnh phải có biện pháp can thiệp kịp thời; chuẩn bị tốt nhân lực, vật tư, vacxin cho đợt tiêm phòng gia súc trong vụ đông xuân.
Bộ NN-PTNT cũng chỉ đạo các địa phương chủ động ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi về thức ăn tinh, vật liệu che chắn chuồng trại chống gió lạnh, nhất là đối với hộ nghèo, hộ chính sách...
Về phía Sở NN-PTNT các tỉnh, được sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh, đã có sự chuẩn bị rất tốt cho công tác phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi từ việc tiêm phòng, củng cố chuồng trại, dự trữ thức ăn thô xanh, tinh. Đặc biệt, giao trách nhiệm cho từng thủ trưởng các đơn vị hành chính liên quan tới công tác phòng chống đói rét. Chính vì vậy, đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong hệ thống phòng chống đói rét ở các địa phương...